Để loại trừ tệ tham nhũng của quan lại, ngay từ khi mới lên ngôi, vua Lê Thánh Tông đã có những biện pháp chấn chỉnh quyết liệt.
Trong 37 năm trị vì đất nước, vua Lê Thánh Tông đã xây dựng nước Đại Việt hùng mạnh.
Khi vua mới lên ngôi, đất nước chìm trong tham nhũng, tướng sĩ lo bòn rút, hưởng lạc, quan lại chia bè phái, nhân dân đói khổ oán thán. Bằng tầm nhìn của vị vua vĩ đại, Lê Thánh Tông nhìn thấy nạn tham nhũng là thứ giặc lớn nhất cần phải tiêu diệt.
Không thể dùng tiền chuộc tội
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, khi mới lên ngôi, để nắm bắt tình hình đời sống xã hội, vua Lê Thánh Tông thường xuyên vi hành. Thấy nhiều quan lại như lũ sâu mọt đục khoét của dân, lòng người oán thán, vua cho rằng tham nhũng là nạn nhân lớn nhất cần phải tiêu diệt. Nhiều quan chức được cất nhắc nhờ nịnh bợ, quà cáp hối lộ.
Tháng 3/1463, trong một buổi thiết triều, nhà vua dụ: "Người quân tử là cội gốc để tiến lên trị bình, kẻ tiểu nhân là thềm bậc dẫn đến họa loạn. Ta và các ngươi đã thề với trời đất dùng người quân tử, bỏ kẻ tiểu nhân, ngày đêm chăm chăm không lơi. Các ngươi chớ có quên đấy!".
Sau vài năm chống tham nhũng, nhà vua thấy rằng cần phải có bộ luật rõ ràng để chống tham nhũng. Đó là một trong những lý do ra đời của Bộ Luật Hồng Đức. Bộ luật đã định rõ tội danh và hình phạt với các quan lại tham nhũng. Trong số 722 điều, có tới 40 điều nói về việc chống tham nhũng.
Năm 1475, vua ra lệnh cấm vơ vét tiền khi xây dựng sửa chữa, kẻ nào mượn cớ và vơ vét thì trị tội nặng. Sắc chỉ cho các địa phương xét quan lại trong địa hạt năm 1478 chỉ rõ người nào tham ô lười biếng thì tâu lệnh để định việc giáng chức.
Năm 1487, xét quan lại thấy tham nhũng thì bãi chức sung quân. Năm 1483, vua ra sắc chỉ những kẻ tham nhũng xếp cùng tội đại nghịch, không được hưởng khoan hồng.
Chỉ dùng hiền tài, loại bỏ xu nịnh
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vua Lê Thánh Tông ban ra rất nhiều luật lệ chống tham nhũng. Thậm chí, quan tiến cử đánh giá sai nhân cách người được tiến cử cũng bị vạ lây.
Một trong những biện pháp cụ thể của vua Lê Thánh Tông trong việc chống tham nhũng là chỉ dùng bậc hiền tài, loại trừ kẻ xu nịnh. Điều này sẽ khiến các quan chức vốn chỉ lo tiến thân bằng nịnh bợ không còn đất dụng võ, nạn tham nhũng đang tàn phá đất nước sẽ bị đẩy lùi và dẹp bỏ.
Dưới thời Lê Thánh Tông, những quan thanh liêm, thực sự phục vụ cho dân như Vũ Kiệt, Lương Thế Vinh… đều rất được trọng dụng.
Bên cạnh việc sử dụng người tài, Lê Thánh Tông cũng là vị vua đi đầu trong việc lật lại những bản án oan ức thời trước, minh oan, trả lại công bằng cho các bậc khai quốc công thần. Tiêu biểu như vụ án "Lệ chi viên" khiến gia đình Hành khiển Nguyễn Trãi bị tru di.
Theo Lịch triều hướng chương loại chí, có lần nghe tiếng ông Vũ Tụ làm quan rất thanh liêm, nhà vua quyết định thử xem tin đồn có thật không.
Biết được Vũ Tụ vừa xử cho một người thắng kiện, vua liền bí mật mang mâm lụa quý gửi người này mang đến để Vũ Tụ hậu tạ.
Thấy người này mang lễ vật tới nhà vào lúc đêm khuya, Vũ Tụ hỏi: "Anh có biết ta là ai? Việc xét xử là theo luật vua ban, anh cho ta là người thế nào mà dám làm chuyện phi pháp này?".
Người đó đáp: "Bẩm thượng quan, tập tục là thế, đây là tấm lòng thành tri ân…". Vũ Tụ nói ngay: "Ta há phải theo tập tục quái gở này để chịu ô danh như những kẻ tham lam khác hay sao?". Nói xong, ông sai gia nhân đuổi người này về.
Cảm phục cốt cách thanh liêm của vị phán quan, vua Lê Thánh Tông đã trọng thưởng cho Vũ Tụ, đính vào cổ áo triều phục của ông hai chữ "liêm tiết".
Đúng như nhà vua từng nói: "Pháp luật là phép tắc chung của Nhà nước, ta và các người phải cùng tuân theo".
Với phương cách trị nước "thượng tôn pháp luật", vua Lê Thánh Tông đã xây dựng được một quốc gia Đại Việt hùng mạnh toàn diện trên mọi lĩnh vực.
Theo Nguyễn Thanh Điệp/Zing