Khám phá

Xót xa trước hình ảnh tê giác bị sát hại dã man để lấy sừng

Do nhu cầu gần như vô tận của một số người châu Á đối với sừng tê giác, loài vật này đã bị các tay săn trộm truy lùng ráo riết khắp Botswana từ tháng 4/2019.

Mỹ sắp thả 750 triệu con muỗi biến đổi gen ra môi trường / Xác ướp nữ chiến binh Amazon 13 tuổi trong thần thoại Hy Lạp

Theo cảnh báo của các tổ chức đấu tranh vì quyền động vật, động thái dỡ bỏ lệnh cấm săn bắt động vật hoang dã của chính phủ Botswana đã “vẽ đường” cho bọn săn trộm thẳng tay tàn sát các loài vật nói chung và tê giác nói riêng. Đầu tháng 3, nước này thậm chí còn tiến hành đấu giá giấy phép săn voi.

Hành vi “thả cửa” này đã tạo đà cho nạn săn trộm được dịp phát triển với tốc độ chóng mặt. Đến tận bây giờ, vẫn có nhiều người, nhất là một bộ phận dân châu Á, tin rằng sừng tê giác có công dụng cường thân kiện thể, là “thần dược” có thể chữa bách bệnh. Lợi dụng tâm lý đó, bọn săn trộm thi nhau sát hại hàng loạt tê giác để lấy sừng bán cho các “đại gia” với giá cắt cổ từ tháng 4/2019 đến nay.

Một bức ảnh được chụp vào đầu tháng 3 đã cho thấy tình cảnh thảm thương của quần thể tê giác tại quốc gia châu Phi này khi bị con người nhẫn tâm giết hại, cưa sừng rồi vứt xác. Chính phủ Botswana đã cố gắng che giấu thông tin nhằm bưng bít sự việc, song nhanh chóng bị dư luận thế giới vạch trần. Các chuyên gia cảnh báo nếu không hành động ngay bây giờ, toàn thể tê giác ở nước này sẽ bị tận diệt vào năm 2021.

Tê giác bị giết hại vô tội vạ để lấy sừng.

Eduardo Goncalves, người sáng lập chiến dịch Ban Trophy Hunting (tạm dịch: Cấm săn bắn giành chiến lợi phẩm) cho biết: “Với việc dỡ bỏ lệnh cấm săn bắt, chính phủ Botswana đã 'bật đèn xanh' cho bọn săn trộm. Săn thú làm chiến lợi phẩm và săn trộm vốn có mối liên hệ chặt chẽ với nhau”.

“Khi một người châu Phi giết động vật hoang dã để lấy thịt hoặc bán nội tạng, anh ta bị xem là săn trộm. Thế nhưng khi một người da trắng từ nước ngoài đến, giết hại cùng một loài vật đó để giải trí và lấy bộ phận cơ thể nó về làm kỷ niệm, họ lại gọi anh ta là thợ săn chiến lợi phẩm. Về bản chất, hai việc này không có gì khác biệt. Một con vật vô tội phải chết, vì lòng tham, thói mê đắm hư vinh, hay thậm chí cả hai”, ông tiếp tục.

“Hành vi này thật tàn nhẫn và vô nghĩa. Nó chỉ khiến ngày càng nhiều loài động vật hoang dã đến gần bờ vực tuyệt chủng mà thôi. Giờ thì chính phủ lại tuyên bố gỡ lệnh cấm săn bắn, còn chào mời các thợ săn chiến lợi phẩm đến để tàn sát đàn voi ở đất nước mình”, Goncalves tiếp tục. “Như chúng ta thấy, quyết định đó đã gây ra một mớ hỗn độn. Kết cục này đã được định sẵn, không có gì bất ngờ cả. Nó là một thảm họa khủng khiếp”.

Sừng tê giác không phải là “thần dược” như nhiều người lầm tưởng.

Hàng nghìn con tê giác ở châu Phi và châu Á đã ngã xuống trong đau đớn dưới họng súng của bọn săn trộm. Mất đi môi trường sống cũng là yếu tố khiến số lượng cá thể loài này giảm mạnh. Hiện tại, có rất ít tê giác vẫn còn sống sót bên ngoài công viên quốc gia và khu bảo tồn.

 

Trong suốt 10 năm từ 2007 đến 2017, chỉ có 6 con tê giác bị sát hại ở Botswana để lấy sừng. Song, từ khi chính phủ thông qua luật tự do săn thú trong năm vừa qua, đã có 30 cá thể tê giác cả đen lẫn trắng bỏ mạng trong tay thợ săn. Tuy nhiên, các nhà hoạt động vì quyền động vật cho biết số tê giác bị giết trong thực tế có thể lên đến 46 con. Tổng số tê giác tại Botswana chỉ vỏn vẹn 500, cũng có nghĩa là các tay săn trộm đã hạ gục gần 10% quần thể loài vật này.

1
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm