Khẳng định vị thế hàng đầu của sân khấu kịch nói Việt Nam
Còn nhớ, từ năm 1952, khi cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ của dân tộc ta vừa bước sang năm thứ bảy với nhiều chiến thắng vang dội, Ðội kịch nói của Ðoàn văn công nhân dân Trung ương, tiền thân của Nhà hát Kịch Việt Nam được thành lập đã nhanh chóng nhập cuộc với nhiều hoạt động biểu diễn sôi nổi phục vụ bộ đội và nhân dân. Ban đầu là tham gia vào những vở chèo như: Trương Viên, Lưu Bình Dương Lễ, Chị Trầm..., sau đó là tự dàn dựng vở kịch Chiến thắng Nghĩa Lộ phục vụ nhân dân và bộ đội khắp núi rừng Việt Bắc. Tiếp đó, trải qua mười năm xây dựng và củng cố, từ năm 1954 đến 1964 với nhiều vở kịch nói làm nức lòng công chúng những năm đầu hòa bình lập lại trên miền bắc như: Chị Hòa, Bà mẹ vùng địch hậu, Một đảng viên, Ðầu sóng ngọn gió...; rồi được đổi tên là Nhà hát Kịch Việt Nam từ năm 1965 cho đến nay. Nơi đây vẫn luôn được coi là một "địa chỉ đỏ" không thể thiếu dành cho những công chúng Thủ đô yêu mến và gắn bó với thể loại sân khấu "thật như đời" này. Vượt qua chặng đường dài 60 năm với gần 22 nghìn ngày, hơn 300 vở kịch Việt Nam và nước ngoài đã được Nhà hát dàn dựng và biểu diễn khắp các sân khấu lớn nhỏ trên mảnh đất hình chữ S, trở thành "đặc sản văn hóa" đầy tự hào, mang đến vinh dự cho sân khấu Việt Nam trong nhiều đợt liên hoan, hội diễn quốc tế, tiêu biểu là Giải nhất Hội diễn sân khấu các nước Xã hội chủ nghĩa tại Mát-xcơ-va (4-1990) với vở Hồn Trương Ba da hàng thịt, mở màn cho nhiều thành tựu kịch nghệ của Nhà hát sau này. Cũng từ đây, có biết bao thế hệ nghệ sĩ, diễn viên đã được học tập, rèn luyện và vinh danh, từ lớp nghệ sĩ lão thành trưởng thành trong kháng chiến như: NSND Thế Lữ, người đặt nền móng cho sự thành lập Ðội kịch Ðoàn văn công nhân dân, NSND Song Kim, NSND Ðào Mộng Long, NSND Trúc Quỳnh, NSND Lại Phú Cương, NSƯT Trần Tiến...; cho đến những thế hệ nghệ sĩ gần đây: NSƯT Anh Dũng, NSƯT Trần Thạch, NSƯT Trung Anh, NSND Lê Hùng, NSND Lan Hương, NSƯT Thu Hà... Nhà hát Kịch Việt Nam cũng là nơi "ươm mầm" các cán bộ chủ chốt của ngành nghệ thuật biểu diễn. Ðó là nhà văn, nhà viết kịch Học Phi, nguyên Tổng Thư ký đầu tiên của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam; GS, TS Ðình Quang, nguyên Thứ trưởng Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); NSND Dương Ngọc Ðức và NSND Trọng Khôi, nguyên Tổng Thư ký và Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam; v.v. Sau 60 năm, Nhà hát Kịch Việt Nam đã được Ðảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng ba, Huân chương Lao động hạng nhất, Huân chương Ðộc lập hạng nhì và nhiều phần thưởng cao quý khác, ghi dấu bảng vàng thành tích cho nền sân khấu Việt Nam nước nhà. 60 năm phát triển, Nhà hát đã chứng kiến những cống hiến của 15 thế hệ diễn viên, nghệ sĩ nối tiếp nhau, trong đó 30 người đã được phong danh hiệu NSND và 60 người đã được phong danh hiệu NSƯT.
Phát huy không ngừng tinh thần sáng tạo, học hỏi ấy, tập thể nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam hôm nay đã nỗ lực hết mình để tạo được dấu ấn trong lòng công chúng hiện tại với nhiều vở diễn có tiếng vang gần đây như Mỹ nhân và anh hùng, Ðêm của bóng tối, Ðạo học, Chia tay hoàng hôn, Ði tìm điều không mất... Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung của nền sân khấu nước nhà, khi mà các rạp hát khó có thể đỏ đèn từng đêm, khi mà công chúng trẻ hiện nay không còn mấy mặn mà với những loại hình sân khấu truyền thống, Nhà hát Kịch Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Trước sự bùng nổ của nhiều phương tiện, hình thức giải trí mới, Nhà hát Kịch Việt Nam nói riêng và các đơn vị sân khấu cả nước nói chung gặp phải sự cạnh tranh gay gắt trong quá trình tìm kiếm khán giả. Ðã thế, nền sân khấu nước nhà còn lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng về đội ngũ sáng tác kịch bản, thiếu tác phẩm hay, hấp dẫn, mang hơi thở cuộc sống để chuyển tải đến người xem. Vừa phải đương đầu với bối cảnh đìu hiu của sân khấu kịch Bắc, Nhà hát Kịch Việt Nam còn gặp phải nhiều khó khăn riêng trong việc tổ chức bộ máy nhân sự, lãnh đạo, điều hành. Không dưới hai lần thay đổi ban giám đốc, lại phải trải qua nhiều chông gai trước dự án sáp nhập với Nhà hát Tuổi trẻ. Ðã có một khoảng thời gian, vị trí "đầu tàu" của Nhà hát Kịch Việt Nam bị giảm sút, các phòng, ban thiếu trưởng phòng, phòng tổ chức biểu diễn chỉ có một người, anh chị em nghệ sĩ thiếu và làm việc cầm chừng, trong khi cơ sở vật chất nhà hát xuống cấp... Tuy nhiên, với tâm huyết và đam mê dành cho bộ môn nghệ thuật kịch, tập thể nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát đã và đang tập hợp lại, củng cố tinh thần, từng bước tìm lại "một thời vang bóng", một thời lẫy lừng với nhiều vở diễn nổi danh, làm người xem say mê như: Quẫn, Ðồng hồ chuông điện Krem-li, Nguyễn Trãi ở Ðông Quan...
Khó khăn, thử thách có nhiều, nhưng với bề dày truyền thống và sức mạnh nội lực của một đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên giỏi và yêu nghề, Nhà hát Kịch Việt Nam nhất định sẽ vượt qua. Ban lãnh đạo và tập thể nhà hát đang ấp ủ nhiều kế hoạch và dự định với hy vọng tìm lại những giá trị của nhà hát một thời vang danh của sân khấu kịch nói nước nhà, đưa nhà hát trở thành một đơn vị nghệ thuật vững mạnh. Trước mắt, Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ kiện toàn về công tác tổ chức cán bộ, ổn định đội ngũ tập thể diễn viên, nghệ sĩ, hướng tới tổ chức kỷ niệm 60 năm thành lập Nhà hát. Ban lãnh đạo nhà hát đã và đang làm việc với từng bộ phận để lắng nghe tâm tư tình cảm, nguyện vọng của anh chị em nghệ sĩ trong thời gian qua, đồng thời ghi nhận tâm huyết cùng những đề xuất, sáng kiến của họ. Kế hoạch sắp tới mà tập thể các nghệ sĩ nhà hát mong muốn là sửa chữa, nâng cấp rạp hát, nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ để có điểm biểu diễn thuận lợi cho nghệ sĩ. Sau khi Nhà hát đi vào ổn định sẽ có kế hoạch để đặt hàng các tác giả có kinh nghiệm để đáp ứng yêu cầu có được những kịch bản hay, hấp dẫn, thu hút được công chúng.
Hiện tại, đề án củng cố và xây dựng Nhà hát Kịch Việt Nam từ năm 2013 đến 2015, tầm nhìn năm 2020 do Cục Nghệ thuật biểu diễn xây dựng nội dung đã hoàn thành, đang trong quá trình chờ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt. Ðề án đã vạch ra một cách rõ ràng định hướng phát triển của Nhà hát Kịch Việt Nam, kế hoạch và mục tiêu phát triển cho từng năm, từng giai đoạn ở các hạng mục như kinh phí đầu tư, chính sách đối nội - đối ngoại, công tác tổ chức cán bộ... Hy vọng, với sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, với sự giúp sức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như tâm huyết nghề nghiệp của tập thể cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên, một đơn vị có bề dày lịch sử như Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ nhanh chóng khẳng định vị thế để có nhiều đóng góp mới cho nền sân khấu kịch nói nước nhà, luôn luôn xứng đáng và phát huy tốt vai trò của "anh cả đỏ" trong làng kịch nói Việt Nam.
Hồng Lĩnh (Theo Nhân dân)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Lộ khoảnh khắc Vũ Khắc Tiệp sánh đôi cùng gái lạ sau khi ‘chia tay’ Ngọc Trinh
Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng với ‘Đêm lao xao’ mang đậm dấu ấn mùa đông
Phản ứng của Đàm Vĩnh Hưng khi đối diện cáo buộc trốn thuế, tống tiền, hôn nhân với vợ cũ bị nghi ngờ
Ông xã hơn 17 tuổi khiến Khánh Vân “ngã ngửa” bởi hành động bất ngờ sau hôn lễ
Phan Như Thảo phải cắt túi mật vì giảm cân sai cách, thừa nhận sai lầm vì đẹp mà bất chấp
Nhật Kim Anh đáp trả hài hước khi bị mỉa mai chụp quá nhiều bộ ảnh bầu bí, đính chính luôn điều này