Khen chê phim Quyên: Chuyện 22 tỉ và 3 đĩa cơm sườn
Đạo diễn người Nga Vladimir Naumov từng nói một câu nổi tiếng: “Để làm được nghề đạo diễn trước tiên cần phải có sức khỏe của một con bò tót và một bộ thần kinh bằng thép”. “Sức khỏe con bò tót” để làm phim trong điều kiện khó khăn, cực khổ và “bộ thần kinh bằng thép” để chịu đựng được những lời chỉ trích, chê bai của giới phê bình và khán giả - cả hai điều này xem ra đều đúng với bộ phim Quyên của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình.
Khó ai có thể phủ nhận niềm đam mê, tình yêu điện ảnh và cả sự dấn thân của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình. Những bộ phim của Bình đạo diễn cũng thường chỉ thấy ở những dự án đặt hàng do Nhà nước tài trợ chứ hiếm có một nhà sản xuất, đạo diễn tư nhân nào dám bỏ tiền túi ra để làm, vì chúng quá mạo hiểm.
Năm năm trước, anh bỏ ra 9 tỉ đồng để làm Cánh đồng bất tận gây ra những cuộc tranh luận nhiều chiều nhưng thành công về thương mại (ít ai ngờ tới trước đó).
Và giờ đây là Quyên, với con số đầu tư lớn hơn nhiều, lên đến 22 tỉ, quay trong bảy tuần với bối cảnh trải dài từ Việt Nam sang Đức, với nhiều ngày làm việc 20 giờ mỗi ngày trên trường quay.
Công chiếu hơn một tuần, những khen chê về Quyên vẫn chưa dừng lại, phần lớn là chê (cũng từng xảy ra với Cánh đồng bất tận), nhưng cũng không ít ý kiến đồng cảm, thông cảm và… rớm nước mắt vì Quyên.
1. Một trong những bài chê sắc sảo và gay gắt nhất là của Vũ Ánh Dương, một cây bút tự do từng tốt nghiệp khoa biên kịch Trường Sân khấu - điện ảnh và đang tham gia giảng dạy điện ảnh cho một trường đại học tư nhân. Bài viết của Dương trên Facebook, sau được trang Soi đăng lại, đưa ra nhiều góc nhìn chuyên môn nhưng với giọng viết giễu nhại, bắt đầu từ âm nhạc:
“Quyên đã để âm nhạc mặc sức hiếp đáp màn ảnh. Và lần hiếp đáp nào cũng chỉ dùng một hình thức. Nó không ngại bộc lộ khao khát nhồi bông, chỉ đường cảm xúc. Nó công tắc hóa tim người. Này thì ON nhạc cho mày phải buồn, này thì OFF nhạc cho mày được thở, nhưng thở 5 giây thôi nhé, rồi lại ON nhạc cho mày tiếp tục buồn, nếu không mày sẽ không biết buồn là gì, khán giả yêu quý ạ. Bằng cách thông báo thô bạo sự hiện diện, âm nhạc đã dìm tiếng thở, tiếng động, tiếng thoại và sự im lặng vĩ đại xuống hàng thứ yếu”.
Anh cũng phân tích nhiều điểm yếu về diễn xuất, dựng phim, lời thoại và cách chuyển thể văn chương của đạo diễn và kết luận: “Dù là phim thứ ba của anh, dù mình đã chờ đợi quá lâu để được hi sinh ba đĩa cơm sườn trong tình trạng khánh kiệt mà đi xem, mình vẫn không nhận ra được phẩm chất đạo diễn của anh, rằng anh có thẩm mỹ không, thẩm mỹ của anh có hàm ý không, hàm ý của anh có vượt thoát được việc thông diễn cho một cái tên để khái quát hay cúi xuống một số phận không?
Làm phim cho khán giả, quá tốt, nhưng làm ơn tin khán giả; khán giả có thể tự hiểu tự cảm, đừng cố gắng dắt mũi họ bằng sợi dây cảm xúc lờ nhờ của người
làm phim”.
Nói một cách công bằng, sự gay gắt, trong trường hợp này, có lẽ là hợp lý. Vì với những khán giả bỏ tiền mua vé vào rạp xem phim, họ không quan tâm đến nỗ lực, công sức và tiền bạc của nhà làm phim. Cái họ quan tâm là bộ phim để lại cho họ những gì và có xứng đáng với số tiền mà họ bỏ ra, dù đôi khi trị giá chỉ là… ba đĩa cơm sườn.
Ở nước ngoài, thậm chí, với một bộ phim dở, khán giả có quyền đòi lại tiền vé như cách ngôi sao kỳ cựu Tom Hanks đã phải trả lại tiền vé cho một cặp vợ chồng khi họ chê bộ phim Larry Crowne do ông biên kịch, đạo diễn và đóng vai chính cùng Julia Roberts quá dở.
2. Bên cạnh phe chê gay gắt, hầu hết của những cây bút chuyên môn hoặc những người trẻ, những người khó chấp nhận kiểu làm phim minh họa, đẹp kiểu “nịnh mắt” và chuyển tải thông điệp lồ lộ; Quyên không phải không có những ý kiến đồng cảm, phần lớn đến từ những khán giả lớn tuổi, những Việt kiều từng sống và trải nghiệm cuộc sống lao động nhập cư ở Đức. Thậm chí một khán giả còn nhớ được mình “rớm nước mắt ba lần khi xem phim”.
Một trong những ý kiến “hợp lý hợp tình" của phe “bảo vệ” Quyên đến từ nhà báo Trâm Anh: “Nhân mọi người bàn nhiều về phim Quyên, mình thấy nhiều người chê đúng, chê sắc sảo, nhưng Quyên cũng có thứ để xem, xem để thấy vẫn có người làm phim tử tế, sạch sẽ, đàng hoàng, có tâm.
Còn để trở thành một tác phẩm nghệ thuật nổi bật thì phải có tài, rất nhiều tài, điều đó khó vô cùng, nhất là gần đây, nhiều người được cho là tài năng đang sử dụng tài của mình một cách phí phạm và thiếu cái tâm. Nhiều người được công nhận là có tài đã làm ra nhiều bộ phim “giỡn nhây”đến chán chường.
Tài hay tâm? Cũng tùy thời điểm trong đời, bạn sẽ có cái nhìn ưu ái hơn với một trong hai...
New feed vừa hiện ra một status của người làm nhạc phim Quyên, thấy hay các bạn ạ: "Khi bạn phát hiện ra lỗi lầm của một ai đó với sự hồ hởi, mừng vui và thỏa mãn thì đúng vào lúc đó bạn cũng đang dần phạm vào những lỗi lầm đôi khi còn lớn hơn điều mà bạn phát hiện".
Quyên nhận được lời khen chê trái chiều.Quyên nhận được lời khen chê trái chiều.
3. Trong bối cảnh phim Việt vẫn loay hoay đi tìm khán giả và phần lớn các nhà làm phim đều thỏa hiệp với những bộ phim “fast food” hài nhảm hoặc kinh dị nửa vời, đánh nhanh thắng nhanh để thu hồi tiền vốn và tái sản xuất với những bộ phim tương tự, Quyên của Nguyễn Phan Quang Bình là một nỗ lực đáng ghi nhận.
Dù nỗ lực của anh đôi khi giống chàng Đông Ki Sốt trong cuộc chiến đấu chống những chiếc cối xay gió. Điều thú vị là trong tất cả mọi cuộc tranh luận khen chê của khán giả về bộ phim, từ Cánh đồng bất tận đến Quyên, dù có rất nhiều ý kiến tỏ ra cay cú đến từ một vài thành viên đoàn làm phim, thậm chí từ nhà văn của tác phẩm chuyển thể, nhưng Nguyễn Phan Quang Bình chưa bao giờ lên tiếng, dù là “ai cho mày chê con tao xấu” hay thanh minh cho mình.
Bình hiểu “luật chơi” trong sáng tạo nghệ thuật, mỗi khi mang đứa con của mình đến với công chúng, anh phải chấp nhận tâm thế đứng ngoài cuộc để lắng nghe khán giả!
End of content
Không có tin nào tiếp theo