Đà Nẵng: Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hình thành và phát triển doanh nghiệp KH&CN
Đà Nẵng: Từ ngày 10/5, đảm bảo cấp điện cho các khu vực phòng chống dịch COVID-19 / Đà Nẵng: Ca dương tính mới trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây, dốc toàn lực truy vết F1 trong đêm 11/5
Từ năm 2014 đến nay, Ngày Khoa học & Công nghệ (KH&CN) Việt Nam 18/5 đã trở thành ngày truyền thống, ngày hội quan trọng của những người làm công tác nghiên cứu khoa học, quản lý khoa học, của các doanh nghiệp có tinh thần đổi mới sáng tạo. Là điểm hẹn thường niên để cộng đồng KH&CN cả nước tổ chức các sự kiện có ý nghĩa thiết thực, ghi nhận những nỗ lực, thành công của ngành KH&CN đóng góp cho kho tàng tri thức cũng như phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, vừa để thảo luận, định hướng hoạt động nhằm hướng đích các mục tiêu của ngành KH-CN nói riêng, của đất nước nói chung.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh (bìa trái) và Giám đốc Sở KH&CN Đà Nẵng Lê Đức Viên (bìa phải) trao kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ.
Nhân dịp này, phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Lê Đức Viên, Giám đốc Sở KH&CN Đà Nẵng, về tình hình phát triển doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn TP:
Xin ông cho biết tình hình phát triển doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn TP Đà Nẵng sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 về doanh nghiệp KH&CN?
Ông Lê Đức Viên: Sau khi có Nghị định 13/2019/NĐ-CP ngày 1/2/2019 của Chính phủ về doanh nghiệp KH&CN, với sự chỉ đạo của UBND TP Đà Nẵng và hướng dẫn chuyên môn của Bộ KH&CN, Sở KH&CN Đà Nẵng đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và tích cực tuyên truyền hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp KH&CN; hướng dẫn các thủ tục đăng ký xác nhận kết quả khoa học và công nghệ, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để làm cơ sở xem xét cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN.
Đến nay TP Đà Nẵng có 14 doanh nghiệp KH&CN, đa số được hình thành trong năm 2019, 2020 (9/14 doanh nghiệp, tăng 180% so với thời kỳ trước). Trong đó, từ năm 2019 đến nay, Sở KH&CN đã cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN cho 11 lượt doanh nghiệp (cấp mới: 9; cấp bổ sung nội dung: 2).
Tính đến tháng 11/2020 cả nước có 538 doanh nghiệp KH&CN, trong đó Đà Nẵng là một trong 9 địa phương có trên 10 doanh nghiệp KH&CN. Các doanh nghiệp KH&CN hiện nay chủ yếu tập trung tại TP.HCM và Hà Nội. Điều này cho thấy việc hình thành và phát triển doanh nghiệp KH&CN là rất khó khăn, liên quan đến nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề về năng lực nghiên cứu, phát triển và hấp thu công nghệ của doanh nghiệp cũng như sự liên kết, chuyển giao công nghệ từ các cơ quan nghiên cứu, chủ sở hữu đến doanh nghiệp để ứng dụng vào sản xuất kinh doanh.
Trong bối cảnh nhiều khó khăn đó, các doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn Đà Nẵng đã có những thành tựu nào được ghi nhận, thưa ông?
Đối với TP Đà Nẵng, các doanh nghiệp KH&CN hiện này hầu hết là các doanh nghiệp nhỏ và vừa và là doanh nghiệp tư nhân thuộc các lĩnh vực cơ khí tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, y dược và bảo vệ môi trường. Trong đó có nhiều sản phẩm tốt giúp các doanh nghiệp phát triển sản phẩm mới và phát triển sản xuất, tăng doanh thu cho doanh nghiệp, góp phần lan tỏa hoạt động đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm dịch vụ và góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội chung của TP.
Tiêu biểu là các sản phẩm của doanh nghiệp KH&CN đạt các giải thưởng lớn về KH&CN như sản phẩm “Hệ thống đo mưa tự động chuyên dùng cảnh báo lũ lụt và vận hành hồ chứa” của Công ty CP Tư vấn và phát triển kỹ thuật tài nguyên nước đạt giải Nhất; sản phẩm “Thiết kế chế tạo máy uốn thép hình trục đứng cỡ lớn” của Công ty cổ phần cơ khí Hà Giang Phước Tường đạt giải Ba Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam năm 2019, nhiều sản phẩm khác đạt giải tại Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật TP.
Nhiều sản phẩm, kết quả nghiên cứu của doanh nghiệp KH&CN tại Đà Nẵng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; như Bằng độc quyền giải pháp hữu ích “Thiết bị lọc nước ngầm đa tầng”; “Phương pháp xử lý nước thải nhiễm ion kim loại nặng bằng vật liệu từ tính phủ axit gama-poly glutamic (GAMA -PGM)”; “Thiết bị nuôi trùng quế đa tầng để xử lý chất thải nông nghiệp” của tác giả Lê Thị Xuân Thùy - Công ty TNHH Sustech;
Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp “Phao quan trắc nước tự động” của Công ty cổ phần Công nghệ thông minh và Sáng tạo; hoặc các Chương trình máy tính đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả như: “Ứng dụng khám xe thông minh Micas” của Công ty TNHH Micas; “Ứng dụng Trợ lý ảo Giao thông CARIS” của Công ty cổ phần Caris; “Phần mềm đọc sách Umbalena” của Công ty TNHH Công nghệ VOOC.
Các sản phẩm, kết quả nghiên cứu đã được thương mại hóa giúp doanh nghiệp phát triển sản phẩm mới, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tăng doanh thu và khả năng cạnh tranh trên thị trường.
TP Đà Nẵng đã có những chính sách hỗ trợ nào cho doanh nghiệp KH&CN?
Bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp về trình tự thủ tục đăng ký doanh nghiệp KH&CN theo Nghị định 13/2019/NĐ-CP, Sở KH&CN Đà Nẵng đã tham mưu UBND TP ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bởi vì vấn đề gốc rễ để hình thành và phát triển doanh nghiệp KH&CN là phải có các sản phẩm KH&CN, tài sản trí tuệ, công nghệ mới phục vụ sản xuất kinh doanh.
Trong các chính sách liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp KH&CN đã được TP Đà Nẵng, đáng kể nhất là chính sách Hỗ trợ ươm tạo công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để hình thành và phát triển doanh nghiệp KH&CN theo Nghị quyết số 328/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của HĐND TP Đà Nẵng, quy định nội dung và mức chi từ ngân sách nhà nước để thực hiện hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP Đà Nẵng đến năm 2025.
Trong đó, thông qua hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Sở KH&CN Đà Nẵng (hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trả tiền công lao động trực tiếp phát triển sản phẩm, hoàn thiện công nghệ, sản xuất thử, triển khai mô hình kinh doanh, sử dụng các dịch vụ đào tạo, marketing, tư vấn về sở hữu trí tuệ) đã hình thành, phát triển 3 doanh nghiệp KH&CN từ các doanh nghiệp khởi nghiệp. Gồm Công ty TNHH môi trường Xanh SUSTECH, Công ty TNHH Công nghệ VOOC; Công ty TNHH DAT BITE VIETNAM,…và hiện đang tiếp tục hỗ trợ 9 doanh nghiệp khởi nghiệp trong năm 2021.
Ông Lê Đức Viên, Giám đốc Sở KH&CN Đà Nẵng (giữa) đến thăm và tìm hiêu hoạt động của Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng.
Đó là những chính sách chung, còn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay, Đà Nẵng đã có hỗ trợ như thế nào đối với các doanh nghiệp KH&CN, thưa ông?
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biễn phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp KH&CN. Sở KH&CN Đà Nẵng đã luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới công nghệ phục vụ phát triển doanh nghiệp bền vững.
Năm 2020, Sở đã thực hiện hỗ trợ cho 16 lượt doanh nghiệp với tổng kinh phí 3.011 triệu đồng. Trong đó, có những kết quả nghiên cứu, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp KH&CN phục vụ thiết thực cho cuộc chiến chống Covid-19 như sản phẩm máy sản xuất khẩu trang tự động của Công ty TNHH Châu Đà.
Đây là sản phẩm được nghiên cứu hình thành đầu năm 2020, đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất khẩu trang y tế trong mùa dịch bệnh. Đến nay Công ty đã cung cấp hơn 50 máy sản xuất khẩu trang tự động cho các đơn vị sản xuất khẩu trang y tế trên địa bàn thành phố và các địa phương khác phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid -19, đem lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng.
Trở lại với vấn đề khó khăn trong việc phát triển doanh nghiệp KH&CN như đề cập ở phần trên, theo ông hiện có những vướng mắc, trở ngại gì cần kịp thời tháo gỡ?
Sau khi có Nghị định 13/2019/NĐ-CP ngày 1/2/2019 của Chính phủ về doanh nghiệp KH&CN, Sở KH&CN Đà Nẵng đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và tích cực tuyên truyền hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký doanh nghiệp KH&CN. Kết quả số lượng doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn TP tăng mạnh so với thời gian trước đây. Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đến việc phát triển thành doanh nghiệp KH&CN. Tuy nhiên thực tế triển khai vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể là khả năng tạo ra và ứng dụng kết quả KH&CN vào thực tiễn sản xuất còn gặp nhiều khó khăn do năng lực nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, hấp thu công nghệ của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế. Sự kết nối giữa các nhà khoa học, viện nghiên cứu với các doanh nghiệp tuy có những kết quả tích cực nhưng vẫn chưa mạnh mẽ để thúc đẩy quá trình ươm tạo, hình thành và phát triển doanh nghiệp KH&CN. Một số doanh nghiệp KH&CN đã có sản phẩm tốt song nhìn chung nhiều sản phẩm KH&CN không quá nổi trội về công nghệ nên khó cạnh tranh trên thị trường…
Đồng thời việc tiếp cận các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, thuê đất, thuê mặt nước... của doanh nghiệp KH&CN theo Nghị định số 13/2019/NĐ-CP còn khó khăn nên nhiều doanh nghiệp còn chưa mặn mà. Bên cạnh các điều kiện về nghiên cứu, ứng dụng kết quả KH&CN, việc Nghị định số 13/2019/NĐ-CP quy định về điều kiện doanh thu đạt tối thiểu 30% tổng doanh thu áp dụng cho doanh nghiệp trên 5 năm cũng là vấn đề không dễ đối với các doanh nghiệp muốn đăng ký doanh nghiệp KH&CN.
Ông có thể cho biết kế hoạch của TP Đà Nẵng về phát triển doanh nghiệp KH&CN trong thời gian tới?
Để phát triển doanh nghiệp KH&CN trong thời gian đến đòi hỏi sự tham gia tích cực từ nhiều phía. Trước hết là sự quan tâm của doanh nghiệp trong công tác nghiên cứu, đổi mới công nghệ, phát triển tài sản trí tuệ, xem đó là yếu tố cốt lõi để phát triển sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh;
Cùng với đó là sự quan tâm của các cơ quan nghiên cứu trong công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong hoạt động KH&CN của mình; sư quan tâm của các ngành tháo gỡ khó khăn, hướng dẫn doanh nghiệp KH&CN tiếp cận và được hưởng các ưu đãi theo Nghị định số 13/2019/NĐ-CP.
Về phía Sở KH&CN Đà Nẵng sẽ tiếp tục hỗ trợ, giúp doanh nghiệp ươm tạo, hoàn thiện các kết quả KH&CN, phát triển doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn TP đảm bảo số lượng doanh nghiệp KH&CN tăng dần theo từng năm. Trong đó chú trọng nhiệm vụ tiếp tục thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách và pháp luật về doanh nghiệp KH&CN; đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp KH&CN.
Triển khai có hiệu quả Nghị quyết 328/2020/NQ-HĐND của HĐND TP Đà Nẵng, Quyết định số 36/2016/QĐ-UBND ngày 8/11/2016 của UBND TP Đà Nẵng; trong đó chú trọng doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ, tạo thiết bị công nghệ, ươm tạo, phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để hình thành doanh nghiệp KH&CN.
Đồng thời hỗ trợ, khuyến khích các cơ quan nghiên cứu trong việc nghiên cứu phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp. Xây dựng chương trình phát triển tài sản trí tuệ, trong đó chú trọng các nội dung hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp KH&CN.
Chúng tôi cũng sẽ tích cực chủ động phối hợp với các sở ban ngành liên quan trong việc hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp KH&CN tiếp cận các chính sách ưu đãi của trung ương và địa phương. Tuyên dương, khen thưởng kịp thời các doanh nghiệp KH&CN tiêu biểu, xuất sắc trong hoạt động KH&CN.
Xin cám ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Tổng Bí thư: Chú trọng gỡ rào cản thể chế để khoa học công nghệ bứt phá
Khoa học công nghệ đóng góp công lớn vào giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp
5 tiểu hành tinh nguy hiểm nhất hệ mặt trời, có nguy cơ va chạm vào Trái Đất
Thành lập Liên minh ứng phó sự cố an ninh mạng Quốc gia
Việt Nam - Czech thúc đẩy hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo