Sữa chua probiotics giúp giảm nồng độ kim loại nặng trong máu
DNVN - Việc sử dụng sữa chua chứa probiotics có thể giảm nồng độ kim loại nặng trong máu hiệu quả, theo báo cáo đăng trên Tạp chí khoa học trực tuyến NPJ Biofilms and Microbiomes mới đây.
Đà Nẵng: Số hoá hồ sơ giám sát trực tuyến cần trục tháp tại các công trình xây dựng / Công bố chương trình "Vinh danh ngôi sao sáng chế IPSTAR 2022"
Trong báo cáo đăng trên tạp chí khoa học trực tuyến NPJ Biofilms and Microbiomes (thuộc nhà xuất bản Springer Nature, có văn phòng tại Berlin, London, New York, Thượng Hải, Tokyo và nhiều quốc gia trên thế giới) số ra cuối tháng 8 vừa qua, các nhà khoa học đã chứng minh khả năng của probiotics (lợi khuẩn) giúp giảm nồng độ kim loại nặng trong máu bằng các nghiên cứu được thực hiện trên cả người và chuột.
Đây được xem là một phát hiện mới về công dụng của sữa chua probiotics ngoài các tác dụng hữu ích đối với đường tiêu hóa và hệ thống miễn dịch, ngăn ngừa bệnh tiểu đường, loãng xương, trầm cảm, lo lắng và cân bằng huyết áp.
Nhóm nghiên cứu đã chọn ngẫu nhiên 152 công nhân luyện kim và 30 sinh viên để thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng (RCT). Nghiên cứu được thực hiện trong khoảng thời gian từ 17/7 đến 27/8/2020. Tất cả đều đang sống tại thành phố Jinchang, tỉnh Cam Túc, miền Bắc, Trung Quốc - một thành phố công nghiệp nổi tiếng với hoạt động khai thác kim loại, nấu chảy đồng, niken và coban.
Những người tham gia đều không sử dụng kháng sinh và chế phẩm sinh học trong vòng một tháng trước khi bắt đầu nghiên cứu và trong suốt thời gian nghiên cứu; không sử dụng thường xuyên các chất bổ sung probiotics; có khả năng dung nạp lactose; không lạm dụng rượu hoặc ma túy; không mắc các bệnh nghiêm trọng như thận, gan, viêm đường ruột, rối loạn tuyến giáp, hoặc suy giảm miễn dịch và dị ứng thuốc.
Các nhà khoa học đã chứng minh probiotics (lợi khuẩn) có khả năng giúp giảm nồng độ kim loại nặng trong máu. (Nguồn: Istock)
Ban đầu, người ta thấy những công nhân có hàm lượng đồng và niken trong máu cao hơn hẳn các sinh viên. Sau đó, những công nhân được phân loại ngẫu nhiên thành hai nhóm - nhóm dùng sữa chua probiotics và nhóm chỉ dùng sữa chua thông thường (chứa men vi sinh Lactobacillus Bulgaricus và Streptococcus thermophilus) theo tỷ lệ 1: 1. Sữa chua probiotics bổ sung thêm chủng lợi khuẩn có khả năng kháng nhiễm kim loại đồng đã được chứng minh.
Trong khoảng thời gian 12 tuần, những người tham gia được hướng dẫn tiêu thụ 250 gram sữa chua mỗi ngày. 250 gram sữa chua này chứa ít nhất 10 tỷ CFU mỗi chủng vi khuẩn. Các sản phẩm sữa chua được chế biến mới 7 ngày một lần và được phân phối cho những người tham gia bởi một nhà sản xuất sữa địa phương trong suốt quá trình thử nghiệm.
Đo lường hàm lượng kim loại trong máu của những người tham gia nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy việc tiêu thụ sữa chua probiotics làm giảm lượng đồng (34,45%) và niken (38,34%) trong máu cao hơn và nhanh hơn so với việc tiêu thụ sữa chua thông thường (16,41% và 27,57%, tương ứng) sau 12 tuần sử dụng. Sữa chua chứa probiotics cũng có thể bảo vệ người dùng chống lại tác hại của kim loại nặng.
Phân tích thêm chất thải của các công nhân này, các nhà nghiên cứu thấy bằng chứng về việc tăng khả năng chống oxy hóa và loại bỏ kim loại của hệ vi sinh đường ruột sau khi tiêu thụ sữa chua probiotics. Về mặt cơ chế, sử dụng sữa chua probiotics làm tăng nồng độ axit gentisic, có khả năng chống oxy hóa và tấn công các gốc tự do; cũng làm tăng đáng kể sự bài tiết axit mật trong phân, điều này tương quan với việc tăng cường bài tiết đồng và niken.
Sau khi được can thiệp bằng sữa chua probiotics, cấu hình và con đường chuyển hóa huyết thanh của nhóm công nhân cũng có sự thay đổi. Những thay đổi về trao đổi chất góp phần làm giảm stress, oxy hóa và viêm nhiễm đường ruột.
Nhóm nghiên cứu do 3 nhà khoa học Pengya Feng, Jinfeng Yang, Shuai Zhao tại Đại học Lan Châu, Lan Châu, Cam Túc là tác giả chính, thực hiện cùng sự hợp tác của các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Lan Châu, Đại học Nông nghiệp Cam Túc Lan Châu và Đại học Hanyang Seoul cho biết, hệ vi sinh đường ruột bao gồm 100 nghìn tỷ vi sinh vật sống trong đường tiêu hóa và đã được công nhận là một “rào cản” thiết yếu hạn chế sự hấp thu kim loại nặng. Nhiều thử nghiệm với các chủng lợi khuẩn khác trước đó đã chứng minh có tác dụng giảm nồng độ các kim loại độc hại như crom, nhôm và cadmi trong máu.
Dựa trên các nghiên cứu hiện tại và trước đây, nhóm nghiên cứu kết luận, việc sử dụng probiotics có khả năng chống stress, oxy hóa mạnh để chống lại độc tính kim loại nặng. Với những người tiếp xúc với kim loại nặng do môi trường làm việc hay do chế độ ăn uống, dùng lợi khuẩn đường ruột là một cách giải độc kim loại hiệu quả.
Sử dụng sữa chua probiotics là một cách giải độc kim loại hiệu quả cũng như mang lại nhiều tác dụng hữu ích khác cho sức khỏe của cả gia đình. (Nguồn: Istock)
"Probiotics được định nghĩa là các vi sinh vật sống mang lại lợi ích sức khỏe cho vật chủ khi được sử dụng thường xuyên. Chúng có tác dụng hữu ích đối với đường tiêu hóa và hệ thống miễn dịch, bên cạnh những lợi ích ngăn ngừa bệnh tiểu đường, loãng xương, trầm cảm, lo lắng và làm giảm huyết áp. Lợi ích hấp dẫn nhất của probiotics là chúng làm giảm sự tích tụ của các chất độc hại như kim loại nặng, thuốc kháng sinh và thuốc trừ sâu trong vật chủ", nghiên cứu viết.
PV
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chân dung Nhà khoa học Việt đầu tiên được trao Giải thưởng TechWomen 100
Các nhà khoa học đề xuất cách đo thời gian mới
Hàng loạt tính năng mới được Meta trang bị cho Messenger: Gọi video chất lượng HD, sử dụng AI để tạo phông nền
Khốc liệt cuộc đua trên thị trường internet vệ tinh: Công ty Trung Quốc vươn lên mạnh mẽ, cạnh tranh với SpaceX của Elon Musk
Phát hiện một hành tinh “sơ sinh” mới lạ đang hình thành khiến các nhà thiên văn học tò mò
Cột tin quảng cáo