Doanh nghiệp - Doanh nhân

Khởi nghiệp là học từ thất bại của chính mình

Khi bắt tay vào xây dựng sự nghiệp, những người trẻ hay không còn trẻ này đều có chung một điểm: vô tư. Không cần biết phía trước là gì, thử thách ra sao, khó khăn thế nào, có ai cản đường hay không... họ cần mẫn, an nhiên trong suốt hành trình. Do vậy, mục tiêu của họ không là những con số mà là làm thế nào để tận hưởng từng ngày khởi nghiệp.

 

Tốt nghiệp đại học ngành xây dựng tại Singapore, nhưng lại khởi nghiệp và thành công khi nhượng quyền, đem về Việt Nam thương hiệu kinh doanh bánh tươi nổi tiếng của Singapore: Chewy Junior.

Là đứa con của Trà Vinh, cũng như bao gia đình khác, cha me định hướng cho tôi ăn học cốt chỉ để thoát nghèo. Vì vậy mà khi đậu đại học, lại học chuyên ngành khá thời thượng là bưu chính viễn thông, cha me tự hào về tôi lắm. Đáng tiếc, bối rối trong những định hướng về tương lai, tôi quyết định bỏ việc học giữa chừng, mặc cho kế hoạch tiếp theo của bản thân là gì, tôi cũng không nghĩ tới.

Thời đi học, tôi là học sinh chuyên lý nhưng ngoại ngữ kém, nên quyết tâm khắc phục nhược điểm này rồi mới tính tiếp đến con đường dài hơn. Tập trung học tiếng Anh, tôi may mắn tìm học bổng 80% của Chính phủ Singapore.

Vẫn biết gia đình không thể trang trải tất cả nhưng tôi vẫn cứ cố. Vừa đi học, tôi vừa làm thuê ở các nhà hàng, khách sạn để tự trang trải.

Những ngày đó, khó khăn trăm bề nên khi tốt nghiệp, có được việc làm với mức lương 2.000 USD/tháng, tôi mừng lắm. Tuy nhiên, tôi vẫn không sao hài lòng.

Tôi tiếp tục học môi giới bất động sản ở Singapore và trở thành người “tự doanh” khá thành công trên đất khách. Ngày đó, mỗi tháng thu nhập của tôi lên đến 10.000USD, được phép định cư ở Singapore.

Vậy mà, nhìn những anh chị em ở quê nhà đang thất nghiệp, rồi rượu chè, tôi lại thấy mình không thể gắn với đảo quốc sư tử. Tôi quyết định về Việt Nam khởi nghiệp, tạo công ăn việc làm cho gia đình. Trong nhưng ngày trăn trở, tôi may mắn tìm được thương hiệu bánh để nhượng quyền.

Về nước, không có mối quan hệ, tôi kinh doanh theo... chủ nghĩa tự nhiên. Định hướng đối tượng khách hàng của mình là học sinh, sinh viên, tôi đều đặn đem bánh đến các trường phát miễn phí để họ dùng thử.

Sáu tháng sau, tôi đối mặt với thất bại vì liên tục lỗ. Gần 300 triệu đồng bay biến và mình không có khách hàng.

Quyết định tiếp tục bám trụ, tôi lật lại từng trang trong hành trình khởi nghiệp vừa qua, phân tích từng giai đoạn, tìm kiếm cái sai ở đâu. Đọc lại câu chuyện Trọng Thủy - Mị Châu, tôi phát hiện ra người Việt mình duy tình hơn duy lý.

Từ “chìa khóa” này, tôi bắt đầu định vị lại khách hàng, tìm hiểu thị trường cần gì, lên kế hoạch chăm sóc khách hàng để cái “tình” có thể giữ chân thực khách. Sau 6 tháng cơ cấu lại, trong điều kiện thiếu chi phí marketing chứ không thong thả như ngày đầu nhưng công việc kinh doanh của Chewy Junior vẫn tốt hơn hẳn.

Năm 2009, tôi mở được cửa hàng đầu tiên tại 34 Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM, đến năm 2010, tôi đã mở được cửa hàng thứ hai ở Hà Nội và từ đó, trung bình cứ một tháng, tôi lại mở được thêm một cửa hàng.

Tôi nghiệm ra, khởi nghiệp là cả một quy trình với những mắt xích phải được gắn kết chặt chẽ với nhau. Nếu doanh nghiệp (DN) của mình không thành công có nghĩa là đã có hỏng hóc ở một mắt xích nào đó, cần phải kiên trì tìm điểm chưa đúng để hoàn thiện.

Thực tế nhu cầu khởi nghiệp tại Việt Nam đang rất cao. Đó cũng chính là lý do tôi tiến đến mở chuỗi cà phê Start Up để đón đầu nhóm khách hàng mới. Điều tôi muốn nói với các bạn trẻ là: đừng bao giờ bỏ cuộc, hãy cứ bình tĩnh, hãy học hỏi ở mọi nơi và đừng quên học từ những thất bại của mình.

DNSG
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo