Doanh nghiệp - Doanh nhân

Không có nhân viên tồi, chỉ có sếp tồi và rất tồi!

Đó là bài học từ các người thầy mà nữ doanh nhân Đỗ Thị Thúy Hằng rất tâm đắc. Cô từng là CEO của iVIVU và hiện là COO của Scommerce (thuộc Seedcom).

Việc của sếp là giải bài toán nguồn lực 

"Vấn đề tất cả các sếp đều phải đau đầu giải quyết dù ở bất cứ cấp độ nào đó là làm thế nào giải quyết các hạn chế về nguồn lực. Ở đây có 2 nguồn lực về vốn và nguồn lực về con người", Đỗ Thị Thúy Hằng chia sẻ.

Trước khi làm quản lý tại Scommerce, iVIVU, Hằng từng làm đảm nhận công việc tại Galaxy Media lẫn các công ty nước ngoài như Scripps Networks, Barclays Capital, Lehman Brothers.

Doanh nhân Đỗ Thị Thúy Hằng.

Theo cô, công việc nhân sự tại Việt Nam rất khó khi phảo xử lý mối quan hệ vô cùng phức tạp giữa sếp và nhân viên, nhân viên với nhân viên. Sau đó đến việc giải các bài toán như làm thế nào thu hút và giữ người tài, hay là mối quan hệ giữa sếp với hội đồng quản trị, sếp với nhà đầu tư. Những điều này không có trường lớp nào đào tạo mà phải lăn lộn tự học trên thương trường, trước khi hỏi cách giải quyết từ người đi trước.

Vốn có kinh nghiệm làm việc với cộng đồng khởi nghiệp, Hằng cũng phần nào nắm được một số điểm nhấn trong quá trình phát triển của một công ty.

"Ban đầu các bạn ra khởi nghiệp có một nhóm bạn thân vô cùng hứng khởi, có rất nhiều năng lượng, lao ra muốn giải cứu thế giới và biến thành tỷ phú ngay lập tức. Nhưng cái năng lượng này không bền lâu", cô chia sẻ.

Sau thời điểm này là lúc đau đầu với câu chuyện nhân sự, người mới được tuyển thêm vào và đặt ra vấn đề là làm thế nào để tổ chức đội ngũ cho hiệu quả, làm thế nào để giữ được những người này.

"Đó không phải vấn đề về lương bởi các doanh nghiệp trẻ không có quá nhiều tiền mà là vấn đề đối nhân xử thế với nhau, mọi người có thực sự thoải mái làm việc với nhau hay không?", cô khẳng định.

 

Do đó, theo Hằng vị trí mà các doanh nghiệp đi tìm nhiều nhất không phải về kỹ thuật hay quản lý cao cấp mà là giám đốc nhân sự. Càng ngày vai trò giám đốc nhân sự trong một doanh nghiệp phát triển nhanh càng lớn, không chỉ đóng vai trò admin mà có vai trò chiến lược trong ban điều hành.

Cô chia sẻ thêm rằng, một môi trường làm việc tốt phải là nơi nhân viên phải thực sự thấy công ty mình đang lớn thực sự mỗi ngày; được truyền cảm hứng công ty mình đang ở đâu, mình đang giải quyết vấn đề gì và công việc mình làm mỗi ngày có ý nghĩa gì với bản thân, với gia đình, công ty, xã hội. Và thông điệp đó phải liên tục được truyền đi.

Sếp nên là đầy tớ của nhân viên

Theo cô ở bất cứ doanh nghiệp nào, sếp nên là đầy tớ của nhân viên. Bởi vì thực sự trong mô hình doanh nghiệp hiện đại khi người lãnh đạo trao quyền được cho đội ngũ thì chính họ sẽ là người tạo ra giá trị, tạo ra sự thay đổi hàng ngày. Khi đó vai trò của sếp hay giám đốc điều hành, giám đốc nhân sự hay ban giám đốc nói chung là liên tục truyền lửa, truyền cảm hứng, hỗ trợ nhân sự trong đội ngũ phát triển.

"Vì chắc chắn khi các bạn phát triển thì công việc sẽ được thực hiện, công ty sẽ lớn lên. Công việc của sếp không phải là đi quát mắng hay là bắt nhân viên làm việc nọ việc kia", cô nhấn mạnh.

 

"Mỗi một cá nhân đều có rất nhiều tiềm năng, rất nhiều câu chuyện. Người sếp giỏi làm người làm thế nào để thực sự tạo động lực cho các cá nhân đó", cô chia sẻ quan điểm quản trị của mình. Và có một lời giảng dạy từ người thầy của mình mà Hằng luôn ghi nhớ: Không có nhân viên tồi, chỉ có sếp tồi và rất tồi.

Điều này có nghĩa, khi một nhân viên không đáp ứng được nhu cầu công việc thì có nghĩa là người quản lý, người làm sếp đang làm gì đó sai, có thể là đặt họ ở một vị trí sai, không biết tiềm năng của họ ở đâu, không tạo cơ hội cho họ học và phát triển. Đó tóm lại là lỗi của sếp.

"Luôn luôn nhắc mình là lính không có lỗi, lỗi gì cũng là lỗi của sếp hết", Hằng nhấn mạnh lại khẩu quyết cô luôn ghi nhớ trên con đường lãnh đạo của mình.

Nên đọc
Theo Trí thức trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo