Hỗ trợ doanh nghiệp

Không để doanh nghiệp lợi dụng việc thoái vốn để chạy vốn nhà nước

(DNVN) - Đó là khẳng định của ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính tại cuộc họp chuyên đề diễn ra mới đây.

Ông Tiến cho biết, lũy kế 5 tháng đầu năm 2016 (tính đến ngày 27/5/2016), cả nước cổ phần hóa được 37 doanh nghiệp, trong đó có 6 tổng công ty là: Tổng Công ty Máy và Thiết bị công nghiệp; Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp; Tổng Công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam; Tổng Công ty 36 Bộ Quốc phòng; Tổng Công ty Lâm nghiệp; Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp. Đến cuối tháng 5/2016, đã thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa tại 61 doanh nghiệp, 77 công ty đang xác định giá trị doanh nghiệp.

Đánh giá về quá trình cổ phần hóa trong thời gian qua và đến nay ông Tiến cho biết, tốc độ cổ phần hóa, quý I/2016 hơi chậm, nhưng quý II/2016 đã tích cực hơn song vẫn chưa đạt về chất cũng như lượng khi lãnh đạo nhiều Bộ ngành, địa phương viện đủ lý do để thanh minh cho tiến trình cổ phần hóa chưa đạt yêu cầu.Trong đó, khó khăn trong xác định giá trị doanh nghiệp là vướng mắc được nhắc đến nhiều hơn cả.

Một trong những yếu tố khiến cho quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm đó là khó khăn trong xác định giá trị doanh nghiệp. Thế nhưng có những doanh nghiệp đã xác định được giá trị rồi, nhưng đến khi chào bán cổ phần lại ế. Một số liệu được cựu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh đưa ra tại buổi Hội thảo “Triển vọng kinh tế Việt Nam - Cơ hội nào cho doanh nghiệp?” diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh mới đây còn cho biết: Hiện chúng ta đã cổ phần hóa được hàng chục nghìn doanh nghiệp nhà nước, nhưng số vốn cổ phần hóa mới chỉ không quá 5% vốn pháp định, quá bé nhỏ nên không thể thay đổi vấn đề quản trị của doanh nghiệp.

Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính.

Tại sao quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước lại quá khó khăn mặc dù quyết tâm của Chính phủ cũng như các hướng dẫn của Bộ Tài chính đưa ra rất rõ? Thời gian tới muốn đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa cần có giải pháp gì đột phá?

Ông Đặng Quyết Tiến cho rằng, doanh nghiệp cần xem xét lại quá trình mời nhà tư vấn cổ phần hóa, vì việc chọn đơn vị tư vấn cổ phần hóa không đơn giản là xác định doanh nghiệp. Tư vấn cổ phần hóa là việc xây dựng hình ảnh tương lai doanh nghiệp như thế nào để thu hút các nhà đầu tư, để tìm nhà đầu tư hợp lý, từ đó tư vấn việc bán cổ phần. “Tôi nghĩ muốn bán được hàng thì hàng tốt hay hàng xấu là một chuyện, nhưng cứ so sánh đơn giản, một anh bán mà lúc nào cũng đon đả, tươi cười thì dù hàng có giá đắt một chút, người mua cũng sẽ mua. Ngược lại, nếu anh bán hàng mặt luôn cau có thì làm sao bán được hàng. Chọn đơn vị tư vấn ở đây là chọn được đơn vị có trình độ, họ đưa ra được lợi thế, cơ hội. Có nhiều doanh nghiệp khi chào bán cổ phần, phần lợi thế, điểm yếu cứ chép y nguyên như sách giáo khoa thì làm sao mà ai mua được” - ông Tiến nói.

Một nguyên nhân nữa được ông Đặng Quyết Tiến chỉ ra là, tư tưởng ở một số Bộ trước đây vẫn muốn nắm giữ tỷ lệ vốn chi phối ở các tổng công ty lớn. Cụ thể như Bộ Xây dựng, tất cả doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng đều giữ tỷ lệ chi phối rất cao nên bán không được. Ví dụ như việc các nhà đầu tư nước ngoài muốn mua 49% cổ phần tại Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) nhưng Bộ lại không cho, đến khi đấu giá bán được rất ít và tỷ lệ vốn Nhà nước vẫn chiếm tới 90%. “Khi bỏ tiền đầu tư, các nhà đầu tư muốn nắm giữ tỷ lệ cao là nhằm làm chủ “mặt trận” của mình. Tuy nhiên, việc cơ quan chức năng muốn nắm giữ tỷ lệ cao đã làm mất cơ hội cổ phần hóa cho doanh nghiệp. Trong khi đó, quá trình xây dựng phương án cổ phần hóa, Nhà nước vẫn có thể chi phối bằng cách xây dựng điều lệ trước khi chào bán, dù tỷ lệ nắm giữ vốn chỉ cần giữ ở mức 30-35%”, ông Tiến cho biết.

Lắp máy theo ông Tiến là ngành được Chính phủ quan tâm nhưng ông Tiến cũng cho rằng, nếu không thay đổi quản trị doanh nghiệp, không tạo ra "năng lượng mới" thì sẽ khó cạnh tranh khi hội nhập. Thừa nhận chủ trương ra sao là quyền của Bộ và gắn với hướng phát triển của doanh nghiệp nhưng ông Tiến cho rằng, tới đây, có thể không cần đặt ra lộ trình. "Với từng phương án, ta không tính hiệu quả của việc thay đổi, cơ hội phát triển cho doanh nghiệp thì dẫn tới phương án cổ phẩn hóa không hiệu quả và sau cổ phần hóa không thay đổi gì," ông Tiến nói.

Điều quan trọng được ông Tiến nhấn mạnh là chất lượng phương án cổ phần hóa. Bởi vậy, theo ông, nếu phương án cổ phần hóa được các nhà đầu tư quan tâm thì các Bộ "nên có thay đổi." "Chính phủ cũng đồng ý cho phép các Bộ đề xuất điều chỉnh lại lộ trình," ông Tiến nói.

 

Ngoài ra, ông Tiến cũng nhận định, trong quá trình cổ phần hoá khâu quan trọng nhất là chuẩn bị cổ phần hoá. Cụ thể, trước đó phải chuẩn bị chọn cổ đông chiến lược, chọn được tư vấn, xác định doanh nghiệp, tư vấn xây dựng cổ phần hoá, xây dựng hình ảnh doanh nghiệp trong tương lai, tính đúng, tính đủ và bán thành công... “Nếu bán mà không thành công thì không phải do thị trường mà trình độ tư vấn có vấn đề, chưa đạt yêu cầu. Xây dựng phương án cổ phần hoá mà cứ chép của người khác vào, đánh giá không có cơ sở pháp lý so sánh, thuyết phục thì nhà đầu tư sẽ đặt câu hỏi, nghi ngờ về phương án. Từ lợi thế, cơ hội trong nhiều phương án cổ phần hoá chép như sách giáo khoa”, ông Tiến nói.

Dẫn chứng trường hợp xây dựng phương án cổ phần hoá Tập đoàn Cao su Việt Nam, theo vị đại diện Bộ Tài chính, không thể chỉ so sánh trong phạm vi trong nước mà cần so sánh với các nước khu vực như Malaysia, Trung Quốc.“Các ngành nghề khác cũng vậy, nếu tư vấn trong nước bao giờ cũng chỉ trong hình chữ S trong khi ASEAN đã mở, cần so sánh ít nhất với các nước trong khu vực ASEAN, trừ một vài trường hợp đặc thù, ví dụ như lĩnh vực điện”, ông Tiến cho hay. Ông Tiến cũng cho biết, nếu chỉ bán được 1-2% cũng là không hoàn thành nhiệm vụ, như vậy, sắp tới Ban chỉ đạo cổ phần hoá phải khắt khe với tư vấn, yêu cầu tư vấn phải học hỏi, cập nhật kiến thức và phải hội nhập, thậm chi tư vấn phải bỏ tiền mua thông tin mới đủ dữ liệu.

Để thúc tiến độ quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đại diện Bộ Tài chính cho rằng bên cạnh tổ chức lại việc lựa chọn cổ đông, tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp thì công tác tuyên truyền, công khai, minh bạch thông tin cũng cần phải đẩy mạnh hơn. Nếu thông tin mù mờ thì nhà đầu tư không thể yên tâm. Hơn nữa, khi đã hội nhập, các doanh nghiệp cũng cần từng bước minh bạch hơn, theo đó, nhà đầu tư hoàn toàn có thể tìm hiểu thị trường trên cơ sở thông tin do doanh nghiệp công bố trên các website. Cũng theo thông tin từ ông Tiến, việc công khai phải có những tiêu chí cơ bản để người dân cùng biết. Tuy nhiên, điều này theo ông không đồng nghĩa là các đơn vị phải công khải cả những "bí quyết" cổ phần hoá của mình.

Hiện nay, một trong những giải pháp đang được cơ quan chức năng xem xét thực hiện là chấm điểm mức độ công khai, minh bạch của báo cáo tài chính các doanh nghiệp: “Chúng tôi đang phối hợp với các sở giao dịch chứng khoán và một số cơ quan liên quan để có cơ chế bình bầu, đánh giá báo cáo tài chính tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Cách đánh giátheo dự tính của cơ quan chức năng là sẽ mời thêm tổ chức độc lập để chấm điểm. Các cơ quan liên quan khác bao gồm Bộ Tài chính hay chính các cơ quan báo chí cũng sẽ có quyền cùng bỏ phiếu đánh giá. Chúng tôi hy vọng cơ chế này sẽ tạo đà đột phá, đổi mới trong quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước”, ông Tiến thông tin.

Ông Đặng Quyết Tiến cũng khẳng định, với vai trò là nhà quản lý Bộ Tài chính sẽ tăng cường, kiểm tra việc bán cổ phần tránh thất thoát. Không để doanh nghiệp lợi dụng việc thoái vốn để chạy vốn nhà nước, tạo lợi ích cho những nhóm cổ đông, nhà đầu tư kiếm lời trên cổ phần hóa từ đó bóp méo hình ảnh thông tin tái cơ cấu. Quá trình tái cơ cấu cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cần coi trọng chất lượng chứ không nên đặt nặng số lượng.

 

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo