Từ ngày 26-4, du khách đã bắt đầu kéo đến các khu du lịch để vui chơi trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5. Giá cả phòng nghỉ khách sạn và nhiều dịch vụ cũng đua nhau tăng vô tội vạ.
Hiện nay, tại nhiều điểm du lịch, hầu hết khách sạn đã “cháy” phòng. Giá phòng đã bị đẩy lên cao dù địa phương quy định không được tùy tiện tăng giá vượt mức quy định.
Khách sạn làm khó du khách
Thông tin từ các cơ sở lưu trú ở Thừa Thiên - Huế cho biết từ ngày 28-4 đến 2-5, khoảng 81.000 lượt du khách đã đăng ký phòng, trong đó khách nội địa chiếm 66%. Tại các khách sạn 3- 4 sao, lượng khách đặt phòng đã vượt công suất. Vì thế, nhiều du khách phải chấp nhận ở phòng ghép.
Tại Đà Nẵng, hầu hết khách sạn đã không còn phòng cho thuê, nhiều nơi đã nhận khách từ tháng trước. Nhiều khách sạn ở đây chỉ cho thuê phòng từ 3 đêm trở lên. Chị Trần Thị Mỹ Nhung (Hà Nội) cho biết hầu hết khách sạn trên đường Phạm Văn Đồng đã kín chỗ. “Có khách sạn còn phòng nhưng họ yêu cầu phải thuê 3 đêm, với giá 1,5 triệu đồng/đêm, trong khi tôi không có nhu cầu ở lâu như vậy” - chị Nhung than phiền.
Nhiều chủ khách sạn ở Đà Nẵng cho biết trước đây khá lâu đã bán hết phòng cho một số công ty du lịch. Sau đó, các công ty du lịch đợi đến dịp lễ bán lại cho du khách với giá cao hơn nhiều lần. Trong khi đó, chưa đến ngày khai mạc nhưng các đầu nậu đã mua lượng lớn vé xem pháo hoa trữ để bán lại với giá cao hơn.
Để hạn chế tình trạng tùy tiện nâng giá dịch vụ, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) TP Đà Nẵng đã công bố đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của du khách.
Tại TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, lượng du khách đến tham quan cũng khá lớn. Nhiều du khách cho biết một số khách sạn, nhà nghỉ vẫn còn phòng nhưng chỉ cho thuê trong 3 ngày trở lại vì từ ngày 29-4 đến 3-5, khách đã đặt hết.
Bà Đinh Thị Thu Thủy, Trưởng Phòng Thương mại - Du lịch TP Hội An, cho biết hầu hết khách sạn đã kín khách trong dịp lễ này. Để tránh tình trạng du khách bị “chặt chém”, TP đã yêu cầu các doanh nghiệp du lịch niêm yết giá và bán dịch vụ đúng giá. Đồng thời, tăng cường kiểm tra và xử lý kịp thời những sai phạm về chất lượng dịch vụ, tùy tiện tăng giá tại các cơ sở phục vụ du khách.
Phòng nghỉ bị cò đặt hết từ trước
Tại TP Nha Trang, ngày 26-4, trong vai du khách, chúng tôi dạo quanh các khách sạn để thuê phòng nhưng hầu hết đã hết từ ngày 28-4 đến 1-5. Vài khách sạn còn phòng nhưng giá cao hơn nhiều so với ngày thường. Nhân viên khách sạn T.T (đường Tuệ Tĩnh) cho biết chỉ còn phòng 4 người nhưng với giá 1,6 triệu đồng/ngày. Trong khi vài ngày trước, giá phòng ở khách sạn này chỉ 400.000 đồng. Theo chủ khách sạn Q.S (đường Trần Phú), phòng đã được đặt kín từ ngày 23-4, với giá 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/phòng, gấp 3 so với trước đây.
Trên một số trang mạng du lịch, rất nhiều thông tin cho thuê phòng ở Nha Trang với giá cao gấp 3-6 lần thường ngày. Một lễ tân khách sạn H.P.Đ giải thích: “Những người rao trên mạng thường là “mối” mua phòng của các khách sạn. Họ đặt phòng từ trước, đến lễ bán lại kiếm lời”.
H., một cò phòng trên mạng ở Nha Trang, cho biết muốn ở khách sạn phải thuê lại phòng với giá 1 triệu đồng - 1,5 triệu đồng/ngày. Nếu muốn thấp hơn, H. sẽ dẫn đến các nhà dân ở những khu vực xa biển thuê phòng có quạt máy, tivi, nhà vệ sinh với giá mỗi ngày 700.000 đồng/phòng, thêm máy lạnh thì 900.000 đồng/phòng.
Theo giới kinh doanh khách sạn ở Nha Trang, dịp lễ này, nhóm khách sạn 3-5 sao tăng giá phòng ít; nhóm 2 sao tăng từ 50% - 200%; nhóm nhà nghỉ, khách sạn 1 sao đôn giá lên 4-6 lần. Trong khi đó, Sở VH-TT-DL tỉnh Khánh Hòa cho rằng khách sạn từ 2 sao trở xuống đăng ký tăng giá nhưng không quá 50% theo quy định.
Tại Bình Thuận, theo Sở VH-TT-DL, dù nhu cầu đặt phòng nghỉ dịp lễ này là rất lớn nhưng nhìn chung, giá dịch vụ tại khu vực Hàm Tiến - Mũi Né chỉ tăng khoảng 10%. Tuy nhiên, dịp này, Bình Thuận vẫn phải đối mặt với việc du khách bị chèo kéo, chặt chém.
Hiện nay, nhiều khách sạn tại Đà Lạt đã treo bảng “hết phòng”. Tuy nhiên, tại nhiều cơ sở lưu trú “hết phòng”, nếu khách chấp nhận giá cao, từ 700.000 đồng - hơn 1 triệu đồng/phòng 2 giường/ngày, thì vẫn được đáp ứng!
Trong khi đó, tại những cơ sở chưa treo bảng “hết phòng”, khách bị hét giá từ 600.000 đồng - 700.000 đồng/ngày đối với phòng 2 người, cao gấp 2-3 lần ngày thường. “Năm nào cũng vậy, chủ khách sạn giữ lại 30% - 40 % phòng, chờ đến cao điểm để tăng giá” - một hướng dẫn viên du lịch ở Đà Lạt giải thích.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Lâm Đồng đã buộc các khách sạn phải đăng ký giá và niêm yết công khai với mức tăng trong khung cho phép. Đồng thời, TP sẽ thu thuế những phòng mà chủ cơ sở lưu trú báo hết. Thế nhưng, cách làm này xem ra chưa đủ răn đe đối với những cơ sở cố tình găm phòng để đẩy giá lên cao do thuế thấp hơn nhiều so với lợi nhuận mà họ thu được.
Bên cạnh bị “chém” giá phòng nghỉ, du khách lên Đà Lạt còn bị chủ cơ sở bán đặc sản lừa. Trước khi mua hàng, du khách được người bán hứa cho đi tham quan vườn dâu tây miễn phí. Tuy nhiên, khi mua xong, người bán làm lơ hoặc đưa đi nhưng du khách phải đóng phí. Nhiều trường hợp đã dẫn đến xung đột giữa du khách và người bán hàng.
Ngoài ra, tình trạng du khách bị chặt chém khi ăn uống đã trở thành chuyện thường ngày ở thành phố sương mù này.
Theo NLĐ