Kịch hình thể: Nghe chưa hiểu, nhìn chưa ưng
Sân khấu kịch nói chung đang thời khủng hoảng, nói gì đến kịch hình thể, thể loại nổi tiếng kén khán giả, ở ta. Ballet, kịch câm, nhạc thính phòng... và tới giờ là kịch hình thể, có lẽ đã đủ để cho thấy khán giả nhà mình nhìn chung không thích xem những gì không có (hoặc ít) lời. Trừ khi nó được ăn theo... nhạc nhẹ. Nhưng vì kịch thì không thể ăn theo nhạc nhẹ, lại còn phải “cõng” theo trên mình nó (hay nói đúng hơn là huy động ngôn ngữ) của cả múa, kịch câm và đôi khi cả tuồng, chèo... nên lại càng kén khán giả.
Yếu tố “nghe” đã thế, yếu tố “nhìn” xem ra cũng không được hấp dẫn cho lắm, khi hình thể của phần lớn diễn viên hầu hết đều ở mức “thường thường bậc trung”. Nên một cảnh được coi là hấp dẫn nhất trong vở “100 phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử” (đạo diễn Lê Hùng) - vở kịch hình thể được coi là dễ xem nhất, là cảnh bán nuy, thì cũng bị lắc đầu chê: “Chả đẹp!” cũng vì yếu tố hình thể, dù đạo diễn đã cố công tạo chất thơ cho nó và tỏ ra cũng “thị trường” ra phết! Dù thực ra, cái đẹp của kịch hình thể không thể hiểu nôm na đến thế, mà nó phải là sự biểu cảm của ngôn ngữ hình thể.
Cái khó ở đây là: Nói ít thì khán giả không hiểu, mà nói nhiều thì lại xa rời thể loại. Thế nên, không ít vở kịch hình thể về sau là đành phải nói nhiều (trừ vở “100 phút...” thì có đặc sản thơ Hàn Mặc Tử). Tới lúc này thì khán giả (bình dân) hiểu, nhưng những khán giả (trên mức bình dân) lại thấy khó chịu vì phải “nghe giảng bài”. Xem một số vở kịch hình thể của ta (thực ra cũng mới có chỉ 10 vở trong 10 năm với Đoàn Kịch thể nghiệm của Nhà hát Tuổi Trẻ) và cũng không chỉ kịch hình thể, vì vậy mà nhiều khi bỗng nhớ câu thơ của Bằng Việt: “Biết làm sao chúng ta quá nhiều lời - Ở những chỗ lẽ ra cần nói ngắn - Bao lần em lẳng lặng - Đủ khiến tôi bàng hoàng”. Cái “lẳng lặng bàng hoàng” đó, hiếm khi có được ở nhiều vở kịch của ta, và lại càng hiếm, ngay chính tại nơi mà chúng ta những tưởng sẽ dễ dàng tìm thấy nó: kịch hình thể.
10 năm, không biết bao nhiêu tâm huyết, hy sinh, cố gắng... của không chỉ Lan Hương mà còn cả những người trẻ giàu tâm huyết như Như Lai, khi mới đây nhất anh đã cùng lúc đảm nhiệm 5 vai trong vở kịch thể nghiệm “Nguyễn Du với Kiều”... Nhưng bằng ấy “gạch lót đường” vẫn chưa đủ giúp cho con đường đến với khán giả của kịch hình thể bớt chông gai.
“Bỏ thì thương, vương thì tội” là vậy! Nhưng “bỏ” thì không chỉ “thương”, mà có thể còn là “có tội”. Với không chỉ những con người đã đổ bao tâm huyết cho một nơi “đèn không hắt bóng”; mà còn với một nền sân khấu khi thiếu đi hai từ “thể nghiệm”. Và nếu để giao lưu quốc tế, thì dù gì, cũng là lựa chọn tốt nhất giúp vượt qua rào cản ngôn ngữ...
Lan Hương (Theo Lao Động)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
"Dalat Spring Concert" đánh dấu sự chuyển mình của thành phố Đà Lạt
Hoàng Yến Chibi biến hình bất ngờ trên sân khấu
Lộ khoảnh khắc Vũ Khắc Tiệp sánh đôi cùng gái lạ sau khi ‘chia tay’ Ngọc Trinh
Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng với ‘Đêm lao xao’ mang đậm dấu ấn mùa đông
Phản ứng của Đàm Vĩnh Hưng khi đối diện cáo buộc trốn thuế, tống tiền, hôn nhân với vợ cũ bị nghi ngờ