Văn hóa

Kịch Lưu Quang Vũ: Mùa hạ cuối cùng lên sàn

Nhiều nhà hát rục rịch thông báo dựng lại các vở nổi tiếng, nhân liên hoan kịch Lưu Quang Vũ sắp tới. NSƯT Chí Trung đã nhanh nhạy chọn Mùa hạ cuối cùng, chuẩn bị lên sàn.
(TPO) - Nhà hát kịch VN, Nhà hát Tuổi trẻ phát thông cáo cùng ngày về các vở kịch Lưu Quang Vũ được phục dựng. Hồn Trương Ba da hàng thịt từng gây tiếng vang với diễn xuất của NSND Trọng Khôi nay do NSƯT Tú Mai đạo diễn. Ở Nhà hát Tuổi trẻ, NSND Lan Hương cũng đưa dựng vở kinh điển này theo phong cách kịch hình thể.
 
Cuối năm ngoái, Chí Trung dựng lại Lời thề thứ 9 từ bản dựng của đạo diễn NSND Xuân Huyền. “Làm hài kịch, chúng tôi thành công. Khi dựng kịch ngắn để kiếm tiền, cũng kha khá. Nhưng chúng tôi chợt nhận ra mình đang đánh mất diễn viên nếu không biết dừng lại đúng lúc”, anh nói.
 
Nhận mình yêu kịch Lưu Quang Vũ, nhà có đủ 41 tác phẩm của ông, nay Chí Trung chọn Mùa hạ cuối cùng “vì còn nguyên tính thời sự, không như một số vở khác bị trượt đi. Tôi đọc rất nhiều nhưng ít cái hay, vậy mà đọc anh Vũ vẫn rung động. Chỉ không biết có thể biến cái rung động ấy cùng với khán giả được không”.
 
Mùa hạ cuối cùng nói về gian dối trong thi cử, nhưng đó là cớ kịch thôi. Ông thầy Hiển dạy toán luôn dạy cậu học trò Châu về nhân cách, đấu tranh sai trái. Một ngày Châu tuyên bố không làm bài, vì cậu có đề thi trong tay. Câu chuyện vỡ ra. Mọi người dồn, bắt cậu xin lỗi. Cậu tìm đến thầy, thầy bảo: Thôi em ạ, đôi khi cuộc sống cũng phải nhân nhượng. “Kịch tưởng như là vấn đề giáo dục, chuyện lộ đề thi, xét cho cùng là vấn đề mất niềm tin vào cuộc sống của thế hệ trẻ”, Chí Trung nói.
 
NSND Phạm Thị Thành dựng vở này năm 1980, Chí Trung khi ấy đóng vai dẫn chương trình. Hỏi về dấu ấn Chí Trung trong vở sắp tới, anh không muốn lộ vở quá, nhưng khẳng định không sửa kịch bản hay cắt xén gì. Cái chính là đưa ngôn ngữ mới vào. Ở đây là hình thức kết hợp điện ảnh và sân khấu: Diễn viên trong màn ảnh bước ra sân khấu diễn và ngược lại. “Tôi đang tính, nếu không khéo sẽ thành một hộp cơm, một hộp mì đem trộn vào nhau”, anh đùa.
 
Lâu lắm mới có chuyện mời nhạc sĩ viết nhạc riêng cho vở, có ca khúc chủ đề, ca sĩ thể hiện. “Kịch bản rất hay, nếu vở không hay được là do tôi, do diễn viên (46 diễn viên thuộc 2 đoàn) chứ không đổ lỗi cho ai được”.
 
Cái lo nhất của Chí Trung có lẽ là diễn viên: “Các em quen không khí dễ dãi của hài kịch, hoặc các vở diễn dài nhưng không đòi hỏi, không cần đào sâu nhiều tầng ý nghĩa trong bóng chữ. Hài kịch chỉ cần nhả 2 chữ đã hiệu quả, nhưng sang cổ điển nhiều khi diễn viên nói không nổi 1 trang, nửa trang, 2 dòng. Diễn viên thế hệ này không bằng chúng tôi, họ vừa tập vừa nhớn nhác xem có ai mời đi đóng phim hay không”. Rồi anh trấn an, sau Lời thề thứ 9, diễn viên “lớn hơn” rồi.
 
Chí Trung kể vanh vách kỷ niệm gắn với các vở diễn của Lưu Quang Vũ: Sống mãi tuổi 17, đóng vai mật thám Pháp, lúc thì dân quân, khi là quần chúng. Chết cho điều chưa có, anh vào vai lính Nga, diễn tại rạp Khăn quàng đỏ (Cung thiếu nhi) đúng 7 suất, vì “tên vận vào vở”.
 
Lời nói dối cuối cùng diễn 150 suất khắp nơi. Lời thề thứ 9 hơn 300 suất. Mang vào Nha Trang đúng dịp mưa bão tốc mái rạp hát, khán giả vẫn ngồi xem, xong chờ bằng được diễn viên đi ra. “Thời đó làm gì cũng dễ gây tiếng vang, không như bây giờ tha hồ múa máy, hò hét mà chẳng ai để ý đến. Xã hội quá nhiều thông tin”.
 
 
 
 
Toan Toan
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo