Doanh nghiệp - Doanh nhân

Kiếm bạc tỷ mỗi năm nhờ lao vào nghề đang "chết yểu"

Hơn chục năm về trước, có một người nông dân tay ôm khư khư bó tre từ Quảng Ngãi ra tận Thái Bình luôn bị nhà xe từ chối chở khi chưa biết ông đi mua máy chẻ tre, phải mang cây đi để thử máy...

Hầu hết các khâu sản xuất đều được ông Sinh làm bằng máy. Mang tre ra tận Thái Bình để... thử.

Quyết định chọn mây tre làm xuất phát điểm để khởi nghiệp khi nghề này đang lâm vào cảnh “chết yểu” vì không cạnh tranh nổi với mặt hàng nhựa, inox… ai cũng bảo ông gàn dở. Thế nhưng, sau gần 15 năm, ông Nguyễn Tấn Sinh, ở thôn Cộng Hòa 1, xã Tịnh Ấn Tây (TP. Quảng Ngãi) đã làm hồi sinh cả làng nghề.

Bơi ngược dòng

Sau khi đi bộ đội, về quê hương vào năm 1990, ông Sinh “ngã ngửa” vì hụt hẫng, khi thấy chẳng còn mấy người gắn bó với nghề. “Lúc đi, trong thôn có đến 95% gia đình làm nghề. Còn khi về, chỉ còn lác đác vài hộ. Tiếng chẻ tre, cảnh người gồng gánh thúng tre, cót tre…đi bán cũng vắng hẳn”, ông Sinh hồi tưởng.

Thoi thóp được thêm chục năm, đến năm 2000, ngoài những người già đan tre lúc nhàn rỗi, số hộ gắn bó với nghề ở Cộng Hòa 1 chỉ còn có 7. Lúc đấy, ông Sinh sau cả chục năm gắn bó với đồng ruộng mới chợt giật mình: “Không lẽ nghề truyền thống của Tịnh Ấn Tây đến đây thì đứt?”.

Thế là ông gác lại chuyện cuốc cày, để khởi nghiệp lại từ nghề tre đan. Quyết định của ông chẳng khác nào như bơi ngược dòng, bởi thời điểm ấy, sản phẩm làm ra không có ai mua, người làm nghề thì cũng đã chuyển nghề hoặc ly hương để kiếm sống.

Ngay đến vợ ông mà cũng cản ngăn, nhưng ông vẫn cương quyết dò la khắp nơi để tìm mối hàng.

“Đồ nhựa tràn ngập thị trường. Nên khi tôi chạy đôn chạy đáo đi tìm bạn hàng, thì ai cũng lắc đầu. May sao có chủ vựa thu mua cau cho biết sọt đựng cau họ phải mua ở TP.Hồ Chí Minh, chứ Quảng Ngãi không có ai bán”, ông Sinh kể.

“Chớp” được tia hy vọng đầu tiên sau cả năm trời bế tắc, ông Sinh quyết không để vuột mất. Nhìn thoáng qua sọt tre, ông về nhà làm thử rồi mang ngay ra cho chủ vựa cau. Nhận được cái gật đầu hài lòng của khách hàng đầu tiên, ông Sinh càng có thêm động lực để gắn bó với nghề. Trung bình mỗi ngày, ông làm ra được gần 40 sọt tre để giao cho bạn hàng.  Tiếp đó ông làm luôn sọt đựng trái cây để bỏ sỉ cho các chợ. Khi tiếng lành đồn xa và đơn đặt hàng đến dồn dập, người ta bắt đầu tìm về Tịnh Ấn Tây để đặt hàng. Và các hộ dân khác, cũng theo ông, trở về nghề cũ.

Nhìn cơ ngơi của ông ngày hôm nay, ít ai có thể nghĩ rằng, hơn chục năm về trước, có một người nông dân tay ôm khư khư bó tre từ Quảng Ngãi ra tận Thái Bình. “Năm đó đi mua máy chẻ tre, nhưng tre mỗi nơi có độ cứng mỗi khác, nên phải vác cả bó tre ra tận nơi để thử chứ. Khổ nỗi tre cồng kềnh vậy, nên lúc đầu chưa hiểu chuyện, nhà xe nhất định không cho tôi lên xe”, ông Sinh cười hồn hậu.

Trở thành “kiến trúc sư” chân đất

Xưởng sản xuất lúc nào cũng có từ 10-15 lao động. Hàng làm ra không kịp bán, nhất là từ tháng 10 âm lịch trở đi. Thế nhưng ông Sinh vẫn chưa chịu hài lòng. Bởi với ông: “Cây tre đâu phải chỉ để làm mấy cái giỏ, cái thúng bình thường. Nên mình phải tập làm dòng sản phẩm cao cấp hơn”.

Nghĩ trong đầu vậy thôi, chứ dân nông sinh ra từ gốc rạ, ông Sinh chẳng biết phải mày mò từ đâu. May sao, internet về làng, ông dặn dò lũ trẻ con tìm giùm trên mạng, hễ ở đâu bán máy móc gì liên quan tới tre, hoặc nơi nào dạy nghề về tre thì cứ bảo ông. Thế rồi ông đi học. Ông tìm về các làng ven sông, tìm hỏi cách làm bờ xe nước. Rồi ông ra Hội An học cách ngâm tre trong bùn, hun khói xử lý độ bền, sử dụng  đinh tre phù hợp với từng cấu trúc tre…

Nhờ chịu khó học hỏi, mà giờ đây, ông không chỉ làm ra được bờ xe nước thu nhỏ, hay nội thất từ tre, mà còn “kiêm” luôn việc thiết kế, sắp xếp bố cục và lắp đặt nhà tre. Đã có gần 40 nhà hàng, quán cà phê trên địa bàn tỉnh tìm đến nhờ ông thi công. Với giá mỗi mét vuông cho cả thiết kế và thi công là 500 nghìn đồng, nhiều công trình, ông Sinh thu về gần cả trăm triệu đồng.

Xưởng sản xuất sản phẩm tre thông dụng và tài “lẻ” thiết kế, thi công nhà tre hằng năm mang về cho ông Sinh khoảng 1 tỷ đồng.

 

Báo Quảng Ngãi
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo