Văn hóa

Kín khách đặt tour khám phá hang Sơn Đoòng đến hết năm 2016

Không cần phải chờ đến khi những hình ảnh của hang Sơn Đoòng được truyền hình trực tiếp trên kênh truyền hình ABC trong chương trình "Chào buổi sáng nước Mỹ", thế giới mới ngỡ ngàng về vẻ đẹp tuyệt vời của hang động kỳ vĩ được xếp hàng đầu thế giới này. Năm 2009, với sự khảo sát của đoàn chuyên gia thuộc Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh, “thiên đường” ẩn dưới khu rừng, đằng sau lớp sương mù đã đột ngột hiện ra trước toàn thế giới.

 

 

Đến tháng 8-2013, tour khám phá đầu tiên được tổ chức cho 6 du khách đến từ các nước Mỹ, Nga, Úc và Na Uy do trực tiếp chuyên gia hang động thế giới Howard Limbert dẫn đoàn. Chuyến thám hiểm kéo dài 7 ngày 6 đêm với chi phí lên tới 3.000 USD/người, gồm bảo hiểm và các dịch vụ. Sự choáng ngợp của Sơn Đoòng đã khiến cho bất kỳ ai từng được đặt chân vào đó khi trở về đều khẳng định rằng, so với mức độ nguy hiểm cùng số tiền đã bỏ ra để khám phá thì hoàn toàn xứng đáng.
 
Đã kín khách đặt tour đến hết 2016
 
 
Kể từ khi tour du lịch đầu tiên được mở, mới chỉ có gần 300 du khách được khám phá Sơn Đoòng, trong đó 98% là người nước ngoài. Mùa cao điểm, mỗi tuần có 3.500 khách du lịch tới Phong Nha - Kẻ Bàng nhưng chỉ có 8 người trong đó “dám” vào Sơn Đoòng. Để tham quan hang động này du khách phải đăng ký với Công ty Oxalis, đơn vị lữ hành duy nhất đưa khách thám hiểm Sơn Đoòng, tour kéo dài 5 ngày 4 đêm, giá trên dưới 3.000USD, nhưng hiện danh sách chờ đã lên đến hơn 1.000 người, tức là khách đặt tour đã phủ kín năm 2016.
 
Ðây là một trong những tour hiếm hoi ở Việt Nam và các nước khu vực châu Á mà khách phải chờ để được trải nghiệm. Du khách quốc tế biết tới Sơn Đoòng như một thương hiệu đẳng cấp, một tour du lịch “hàng hiệu”. Tạp chí New York Times từng xếp Quảng Bình đứng hàng thứ tám trong 52 điểm du lịch hấp dẫn nhất hành tinh trong năm 2014. Quảng Bình đã được ghi danh vào bản đồ du lịch thế giới nhờ Sơn Đoòng. 
 
Khám phá bí ẩn của hang động lớn nhất thế giới, chinh phục dòng sông ngầm, tận mắt thấy “vườn địa đàng” Sơn Đoòng, cùng thảm động thực vật - có những loài lần đầu tiên được khám phá… đã và đang là ước mơ của hàng chục triệu người trên thế giới. Chính việc quảng bá rộng rãi hình ảnh Sơn Đoòng - “viên ngọc quý” giữa rừng sâu cũng đã khiến những người mê đắm vẻ đẹp hoang sơ và nguyên thủy của Sơn Đoòng từng thắt tim lo sợ khi tháng 10-2014, UBND tỉnh Quảng Bình đã cho phép một doanh nghiệp Việt Nam thực hiện việc khảo sát làm cáp treo vào tận trong hang. Theo dự án đưa ra ban đầu thì tuyến cáp treo này dài gần 10km, với công suất vận chuyển 1.000 người/ lượt. Thời gian đi và về trong khoảng 80 phút.
 
Ngay sau khi dự án này được đưa ra lấy ý kiến đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ dư luận. Đặc biệt là các nhà nghiên cứu về địa chất địa mạo. Mạng xã hội thời điểm ấy dấy lên phong trào “Nói không với cáp treo”  và “Bảo vệ Sơn Đoòng”… 
 

Sợ phải đối mặt với du khách thô bạo
 
Nỗi lo sợ môi trường hoang sơ của Sơn Đoòng sẽ bị hủy hoại bởi khai thác du lịch ồ ạt hẳn có cái lý của nó. Cả triệu người đổ vào trong hang như thế thì liệu những loài sinh vật vốn xưa nay quen sống trong bóng tối sẽ thế nào. Những viên “ngọc động” - tinh thể canxi được hình thành từ dòng sông ngầm cả triệu năm la liệt trong hang liệu có còn? Rồi thạch động, thạch nhũ, rồi những mảng rêu, những cánh rừng được hình thành trên miệng hố sụt sẽ ra sao khi phải đối mặt với những du khách thô bạo. Cũng may trước sự phản ứng dữ dội của dư luận cùng các nhà nghiên cứu có tâm huyết, dự án này đã tạm dừng.
 
 
Có ai đó nói rằng, Sơn Đoòng giống như một thứ đồ hiệu cao cấp. Để vào được đó không phải chỉ có tiền mà còn phải có đủ thể lực, đủ bản lĩnh sinh tồn trước thiên nhiên hoang dã… Mong sao vẻ đẹp tuyệt vời của “nàng công chúa ngủ trong rừng” - vẻ đẹp khiến cả thế giới trầm trồ ngưỡng mộ vẫn cứ bí ẩn và vẹn nguyên như vậy. Lại cũng thực lòng mong rằng, sẽ chẳng có dự án cáp treo nào được thực hiện ở nơi này. 
 
 
Sơn Đoòng đâu phải là nơi để đón những du khách chẳng tốn một giọt mồ hôi, ngồi cáp treo vù vù, thô bạo nhảy xuống lòng hang, nói cười rổn rảng, đèn flash nháy liên tục, mắt trước mắt sau dùng vật nhọn khắc lên đá, nhũ dòng chữ đánh dấu “chủ quyền” đầy hả hê kiểu như: “Ta đã đến nơi này!” - những dòng chữ vô ý thức vốn đầy rẫy ở di sản Việt.
 
Theo An ninh thủ đô
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo