Doanh nghiệp - Doanh nhân

Kinh Đô tiến vào bếp gia đình Việt

“Kinh Đô không tham gia thì thôi, nhưng nếu đã quyết định bước chân vào ngành nào thì sẽ phải ở top 3”, ông Trần Kim Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kinh Đô cho biết tham vọng của Công ty khi đưa các sản phẩm mang tên Đại Gia Đình “tiến vào nhà bếp” của các gia đình Việt.

Mì gói: mục tiêu top 3

 
Sau khi thương vụ đình đám với Tập đoàn Mondelçz International được các cổ đông thông qua, Kinh Đô thu về xấp xỉ 7.847 tỷ đồng, tương đương 80% mảng bánh kẹo. Chưa tính sở hữu 20% còn lại của mảng này mà chỉ cộng với số tiền mặt đang sở hữu, Kinh Đô đang  có trong tay gần 10.000 tỷ đồng - con số đủ biến doanh nghiệp này thành đại gia mới trong ngành thực phẩm.
 
Ông Trần Kim Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kinh Đô
 
Đối tác Mondelçz International có quyền mua 20% còn lại sau 12 tháng kể từ ngày giao dịch lần đầu hoàn tất, dự kiến vào cuối quý II/2015. Cho dù bán toàn bộ mảng kinh doanh cốt lõi đã giúp công ty này được mệnh danh là “ông vua bánh kẹo” tại thị trường trong nước thì thương hiệu Kinh Đô vẫn không biến mất mà thậm chí còn có thể đi xa hơn trên trường quốc tế. Trong khi đó, doanh nghiệp này có thể ung dung chuyển qua ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, với dung thị trường lớn hơn gấp 12 lần.
 
Không để cổ đông phải chờ đợi lâu sau khi công bố chiến lược kinh doanh mới, Kinh Đô bắt đầu con đường chinh phục vị trí Top 3 ngành thực phẩm với mì Đại Gia Đình. Đây là sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại của Công ty TNHH Sài Gòn Vewong, cái tên đáng gờm trong lĩnh vực mì gói, gia vị, nước chấm.
 
Trao đổi với báo giới và cổ đông, Ban lãnh đạo của Kinh Đô vô cùng tự tin với chiến lược này của mình: “Nói riêng sản phẩm mì ăn liền, chúng tôi đặt mục tiêu trong 3 năm tới sẽ vào Top 3 với 10% thị phần, đạt doanh số từ 1.900 đến 2.500 tỷ đồng”. Mặc dù “miếng bánh” thị trường mì gói không quá béo bở khi đã có nhiều đại gia đóng mác thương hiệu của mình đối với người tiêu dùng và có chỗ đứng trên thị trường. Tuy nhiên, không hẳn là không có lý do để doanh nghiệp này tự tin như vậy. 
 
Hiện nay, dung lượng ngành bánh kẹo là 15.000 tỷ đồng, còn dung lượng thị trường thực phẩm đóng gói lên đến 193.000 tỷ đồng, nói riêng mì gói là 25.000 tỷ đồng. Trong đó, Việt Nam lại là thị trường tiêu thụ mì gói lớn thứ tư trên thế giới, với tổng lượng tiêu thụ năm 2013 lên đến 5,2 tỷ gói, tăng 21% so với 5 năm trước đó (số liệu của Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới - WINA) được cập nhật đến tháng 5/2014). Rõ ràng, tiềm năng thị trường vẫn còn dành cho những ai đủ nguồn lực để dấn thân và đủ khả năng để khai thác.
 
Bên cạnh đó, Kinh Đô lại dạn dày kinh nghiệm trong ngành chế biến thực phẩm. Thực chất mì ăn liền và thực phẩm đóng gói khác cũng là thực phẩm. Đáng nói hơn khi doanh nghiệp này từ lâu đã in dấu ấn sâu đậm trong lòng người tiêu dùng với các sản phẩm uy tín, chất lượng, đa dạng và tốt cho sức khỏe.
 
Hợp tác theo hình thức OEM, đơn vị này còn tận dụng được lợi thế về công nghệ của Saigon Vewong, tiết kiệm chi phí đầu tư cho sản xuất, nhà xưởng mà còn bảo đảm về mặt chất lượng sản phẩm, mùi vị phù hợp. Ngoài ra, với nhiều năm kinh nghiệm trong việc kiểm soát đầu vào nguồn nguyên liệu và chuỗi phân phối, KDC hoàn toàn có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh về giá mà chất lượng sản phẩm vẫn vượt trội.
 
Đặc biệt, lựa chọn phân khúc phổ thông với sản phẩm ở mức giá 3.500 đồng cũng là một bước đi khôn ngoan mang tính chiến lược của KDC. Đây mới là phân khúc chủ lực của mì. Bên cạnh đó, phân khúc này ghi nhận mức độ trung thành không cao đối với nhãn hiệu của người tiêu dùng.
 
Theo tiết lộ của thành viên Ban lãnh đạo Tập đoàn, KDC sẽ cho ra mắt sản phẩm mì cao cấp và siêu cao cấp với mức giá 6.000 đồng và 10.000 đồng/gói vào giữa năm 2015. Theo tính toán, 3 phân khúc mì ăn liền mà KDC chọn chiếm khoảng 75% thị phần của toàn thị trường, đồng thời có bản chất được phân biệt khá rạch ròi giữa 3 đối tượng người dùng gồm phổ thông (công nhân, sinh viên, người lao động); cao cấp (hộ gia đình, sinh viên, nhân viên văn phòng) và siêu cao cấp (hộ gia đình, nhân viên văn phòng). 
 
Được biết, các sản phẩm nước chấm và gia vị sẽ “nối gót” vài tháng sau đó. Đây chính là cách mà nhãn hiệu Đại Gia Đình “tiến vào nhà bếp” của các gia đình trong thời gian tới.
 
Dầu ăn: Tham vọng thống lĩnh
 
Song song với việc tung sản phẩm mì ăn liền, Kinh Đô cũng nhanh chóng đẩy nhanh quá trình “tiến vào nhà bếp” của mình bằng các hoạt động trong lĩnh vực dầu ăn - sản phẩm chưa bao giờ vắng mặt trong gian bếp.
 
Bức tranh về vị trí của Kinh Đô trong lĩnh vực dầu ăn có vẻ cực kỳ rõ ràng sau hai sự kiện Đại hội cổ đông của KDC và Vocarimex. KDC đã được cổ đông thông qua việc nâng tỷ lệ sở hữu tại Vocarimex lên mức chi phối 51% và trước đó hai ngày, trong cuộc họp ĐHCĐ lần đầu tiên của Vocarimex, ông Trần Kim Thành đã được bầu vào chức Chủ tịch HĐQT cùng hai thành viên khác của Kinh Đô là ông Trần Lệ Nguyên và bà Nguyễn Thị Xuân Liễu.
 
Kinh Đô cho biết, sắp tới sẽ đầu tư thêm 700 tỷ đồng vào Vocarimex để nâng tỷ lệ sở hữu lên hơn mức 51%. Giả sử với cùng mức giá đã mua (14.400 đồng cho mỗi cổ phần Vocarimex, cao hơn so với giá bình quân 13.428 đồng/cổ phần) thì tỷ lệ sở hữu của Kinh Đô tại Vocarimex sẽ lên đến 63,9%, sát ranh giới 65% - mức cho phép KDC có thể quyết định hầu hết những vấn đề quan trọng. Mặc dù những con số Kinh Đô đưa ra đều được làm tròn, nhưng có thể suy đoán Kinh Đô sẽ đầu tư sở hữu hơn 65% tại Vocarimex.
 
Theo Bản công bố thông tin bán đấu giá cổ phần lần đầu của Vocarimex, những tên tuổi lớn trong ngành như Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An, Công ty cổ phần Dầu thực vật Tân Bình, Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân và Công ty Dầu ăn Golden Hope Nhà Bè đều là công ty con, công ty liên kết của Vocarimex. Tổ hợp “công ty mẹ - con - liên kết” đang chiếm đến 85% thị phần dầu thực vật trong nước. Như vậy, nắm Vocarimex cũng có nghĩa Kinh Đô sẽ thống lĩnh toàn bộ thị trường dầu thực vật trong nước.
 
Theo nguồn tin từ KDC, số tiền chi cho các mảng dầu ăn, mì gói và kem chỉ chiếm khoảng 10% số vốn đang có. Tuy nhiên, doanh nghiệp này chưa tiết lộ thêm về kế hoạch sử dụng 90% số vốn còn lại, số tiền đủ để thực hiện nhiều thương vụ M&A đình đám khác tại Việt Nam. Trong thời gian qua, Kinh Đô đã đưa dư luận đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. “Đại gia” này sẽ có chiến lược gì và có những bất ngờ gì trong tương lai, đây chắc chắn là điều mà rất nhiều người đang chờ xem.
 
 
Theo Đầu Tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo