Bài học ‘lấy đá ghè chân mình’ làm khó nông sản giữa đại dịch
Khó đưa nông sản sạch vào kênh tiêu thụ hiện đại / Hàng nhập siêu rẻ tràn vào, nông sản nội điêu đứng
Bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre) cho biết, thời điểm này mỗi ngày vẫn nhận không biết bao nhiêu là cuộc điện thoại “cầu cứu” từ các nông dân trồng cây ăn trái.
Còn lắm nỗi lo ùn ứ
Trong khi đó, lượng trái cây đang tồn kho tại doanh nghiệp (DN) đang lên đến hàng trăm tấn. Dù phía DN đã nỗ lực rất nhiều trong việc “giải cứu” trái cây ùn ứ khi bước vào vụ thu hoạch nhưng không thể tiếp tục thu mua cho nông dân.
Khơi thông đầu ra nông sản trong lúc này cần các địa phương rút ra bài học kết nối theo chuỗi giá trị và tránh các quy định “lấy đá ghè chân”. |
“Đây là vấn đề cực kỳ đau đầu cho DN khi phải cân nhắc là dừng hay tiếp tục thu mua trái cây cho bà con nông dân”, bà Vy chia sẻ.
Ở tỉnh Bến Tre, nỗi lo rớt giá, tồn hàng vẫn còn khi tính đến giữa tháng 9/2021, lượng trái cây đang chờ thu hoạch là khá lớn với trên 35.000 tấn trái cây ăn quả, 300 triệu trái dừa ăn quả, 140 triệu trái dừa công nghiệp. Trước đó, nhờ gỡ vướng trong vấn đề vận chuyển, kết nối tiêu thụ ở các địa phương nên những khó khăn đầu ra nông sản ở đây đã khắc phục được phần nào.
Còn tại các địa phương khác của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSL), sau các tháng vừa qua đã nỗ lực kết nối tiêu thụ, gỡ khó các quy định về phòng chống dịch bệnh thì nguy cơ ùn ứ nông sản trong tháng 9 này vẫn đang hiện hữu.
Theo chia sẻ của bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An, mỗi ngày đơn vị này tiếp nhận 300 cuộc điện thoại đề nghị tháo gỡ khó khăn đầu ra nông sản. Trong khi đó, việc vận chuyển lưu thông hàng hóa nông sản vẫn bị ảnh hưởng rất lớn khi nhiều tỉnh, thành áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Hoặc như ở tỉnh Đồng Nai, từ tháng 9 - 12/2021, sản lượng trái cây cung cấp ra thị trường khoảng 165.000 tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ trái cây của thị trường nội tỉnh chỉ khoảng 13.000 tấn/tháng. Nguy cơ ùn ứ đang là nỗi lo lớn khi mà việc cung ứng, vận chuyển nông sản ra ngoại tỉnh, đặc biệt là thị trường tiêu thụ chính là Tp.HCM đang gặp rất nhiều khó khăn.
Nhất là mặt hàng rau xanh ở Đồng Nai vốn trước nay tiêu thụ khá tốt nhưng hiện tại lại ở tình cảnh tồn hàng, rớt giá. Giám đốc một HTX trồng rau ở huyện Xuân Lộc cho biết liên tiếp những ngày gần đây, các đối tác ở Tp.HCM không đặt hàng vì phân phối không kịp nên việc tiêu thụ các loại rau ăn lá gặp rất nhiều khó khăn.
Trong khi đó, trước đây, trung bình mỗi ngày HTX này cung cấp ra thị trường hàng chục tấn rau, cao điểm có thể cung cấp được 70-80 tấn rau/ngày, chủ yếu cung cấp vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi ở Tp.HCM.
Chờ kết nối giữa các địa phương
Từ chuyện ùn ứ nông sản, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, Sở NN&PTNT ở các địa phương cũng cần rút ra được bài học lập kế hoạch sản xuất cho phù hợp, đảm bảo được thời vụ. Chẳng hạn, trong tình hình hiện nay, nếu tiếp tục đẩy mạnh sản xuất rau, khuyến khích trồng rau thì vấn đề tiêu thụ, ứ đọng hàng hoá nông sản sẽ lại xảy ra.
Cho nên, Thứ trưởng Trần Thanh Namlưu ý, các Sở NN&PTNT các tỉnh phía Nam trong giai đoạn dịch bệnh này, khi chỉ đạo sản xuất cho bà con nông dân cần phải gắn với đầu ra.
Riêng về việc ách tắc vận chuyển nông sản ở các tỉnh phía Nam, có thể thấy tình trạng các tỉnh thành thời gian qua đưa ra các quy định về kiểm tra xe lưu thông hàng hoá theo các cách thức khác nhau, đã dẫn đến gây ách tắc, không khác nào chuyện “lấy đá ghè chân mình” làm khó đầu ra nông sản.
Như ở vùng ĐBSCL, theo lưu ý của ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải), do lúng túng nhất định của các địa phương trong thời gian đầu nên việc vận chuyển hàng hoá nông sản ở ĐBSCL gặp trục trặc, nhưng đến nay đã khắc phục được đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, đâu đó còn những địa phương đưa ra quy định hàng thiết yếu, điều kiện xét nghiệm nhanh hoặc PCR đối với tài xế, phụ xế.
Cũng trong vấn đề quy định khác nhau ở các địa phương giữa mùa dịch đang làm khó đầu ra cho nông sản, Ts. Lê Đăng Doanh cho rằng các địa phương trong lúc này cần phải rút bài học kết nối với nhau theo chuỗi giá trị.
Theo ông Doanh, việc kết nối đó thì các DN cần phải hợp tác với nhau, sau đó đề xuất với chính quyền địa phương. Bởi vì nông sản có tiêu thụ được thì địa phương mới có thể thu được thuế, và người lao động, nông dân mới có nguồn sống, nếu không có thì chính địa phương cũng thiệt thòi.
“Cho nên, tôi nghĩ rằng việc hợp tác giữa các địa phương và khắc phục các khó khăn tạm thời, đột xuất là cần thiết. Điều này đòi hỏi các địa phương cần năng động, bắt tay với nhau, tránh tình trạng hành chính kiểu quyền anh, quyền tôi, rồi ra điều kiện gây khó với nhau”, ông Doanh nói.
Chuyên gia kinh tế này nhấn mạnh để khơi thông đầu ra nông sản thì các địa phương cần hành động, nhưng không phải là hành động riêng lẻ mà là phải có sự phối hợp một cách bài bản và kết nối lại với nhau. Vấn đề là phải làm ngay, hành động ngay.
“Chúng ta vẫn nói chống dịch COVID-19 như là một trận đánh, thì trong nông nghiệp, hành động cũng là một trận đánh, một cuộc chiến đấu phải có sự phối hợp giữa các cơ quan bộ, địa phương và DN”, ông Doanh chia sẻ thêm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Smartphone ‘nồi đồng cối đá’, pin 6.000 mAh, RAM 8 GB, giá hơn 4 triệu đồng
Giá xe Honda Future 125 FI tháng cuối 12/2024 rẻ như 'bèo', được săn đón hơn Wave Alpha và RSX
Xe hơi đẹp mê ly, giá gần 490 triệu đồng, so kè cùng Mini Cooper
‘Cực phẩm côn tay’ 150cc giá 37,3 triệu đồng sắp ra mắt, có ABS như Yamaha Exciter và Honda Winner X
"Vua côn tay" 150cc của Honda bất ngờ giảm đậm 23 triệu đồng
Mẫu iPhone là lựa chọn hấp dẫn tầm giá dưới 10 triệu đồng năm 2024