Kinh doanh và tiêu dùng

Bài học tiêu thụ nông sản thực phẩm giữa mùa dịch

Những bất cập trong việc kết nối cung cầu nông sản giữa mùa dịch ở các tỉnh phía Nam cho thấy, cần nghiêm túc rút ra những bài học kinh nghiệm để tránh thiệt hại không đáng có cho người tiêu dùng và người trồng trọt, chăn nuôi.

Khó đưa nông sản sạch vào kênh tiêu thụ hiện đại / Triển khai loạt chương trình kích cầu tiêu thụ vải thiều

Tuần trước, trong một cuộc họp bàn cách tháo gỡ khó khăn trong cung ứng thực phẩm tại “tâm dịch COVID-19” TP Hồ Chí Minh, bà Phạm Thị Huân, Tổng giám đốc Công ty Ba Huân (hiện cung cấp cho TP Hồ Chí Minhkhoảng 1 triệu quả trứng mỗi ngày) khẳng định, sẽ không tăng giá trứng khi cung ứng ra thị trường vào thời điểm này.

Bức xúc chuyện giá trứng

Thậm chí, dù Sở Công Thương TP Hồ Chí Minhđồng ý với chủ trương cho tăng giá trứng khi nhận thấy giá thành nguyên liệu và chi phí sản xuất tăng cao hồi tháng 7/2021, nhưng bà Huân cho biết đã từ chối đề nghị nâng giá này. Bà còn nói “dân nghèo mới xài nhiều trứng nên tôi để giá bình ổn tới hôm nay”.

HINH-2352-1628248335.jpg

Ách tắc đầu ra nông sản ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long giữa mùa dịch đang trông chờ “kích hoạt” các giải pháp kết nối cung cầu.

Thế nhưng, nhiều người tiêu dùng dường như không quá tin vào những gì bà Huân nói. Như trên nhóm facebook “Tôi là dân quận 6”, khi quản trị viên nêu ra những phát ngôn của bà Huân như trên thì có nhiều bình luận tỏ vẻ không đồng tình và dẫn chứng, họ đã mua trứng với mức giá không phải là bình ổn, hôm trước giá khác, hôm sau giá lại khác và cao hơn.

Vào trang web của công ty Ba Huân hiện tại, ở mục sản phẩm trứng cũng không thấy ghi mức giá mà chỉ để liên hệ để hỏi giá.

Có thể nói giá trứng gia cầm tăng cao giữa mùa dịch COVID-19 đợt 4 như hiện nay là điều mà người tiêu dùng bức xúc khi tăng giá 20 - 40% so với trước dịch.

Mức giá trứng được cho là bình ổn (dù vẫn ở mức cao) tại các siêu thị, còn một số tiệm tạp hoá được cho phép hoạt động ở TP Hồ Chí Minhthì giá trứng gà vào khoảng 40.000 - 50.000 đồng/1 chục trứng, thậm chí có nơi tăng đến 70.000 đồng/1 chục trứng.

Dẫu biết những ách tắc ở khâu vận chuyển, khó khăn trong sản xuất, tác động của dịch COVID-19, nhu cầu tiêu thụ tăng cao làm cho giá trứng tăng lên.

 

Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng bài học trong chuyện này đòi hỏi việc tổ chức sản xuất, phân phối cần hợp lý hơn để mang lại giá trứng thật sự bình ổn cho người tiêu dùng, chứ không chỉ là những lời nói suông từ phía doanh nghiệp (DN).

Ngay cả những bất cập trong việc kết nối cung cầu nông sản giữa mùa dịch ở các tỉnh phía Nam cũng cho thấy cần nghiêm túc rút ra những bài học, tránh thiệt hại không đáng có cho người tiêu dùng và người trồng trọt, chăn nuôi.

Ở phía nguồn cung nông sản, ông Trần Hoàng Nhật Nam, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, cho biết giá cả thu mua một số mặt hàng nông sản sụt giảm rất nhiều so với điều kiện bình thường.

Theo ông Nam, sản lượng gia súc, gia cầm ở Tiền Giang hiện nay (như thịt heo là 175 tấn/ngày), cơ bản là đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho người dân trong tỉnh và một phần để cung ứng cho TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, việc lưu thông vận chuyển còn khó khăn, thương lái giảm thu mua so với trước khi xảy ra dịch bệnh, dẫn đến đầu ra khá khó khăn.

Trông chờ “kích hoạt” giải pháp

 

Ngoài ra, nhiều loại trái cây của Tiền Giang cũng có mức giá tương đối thấp, như nhãn xuồng hiện chỉ bán với giá 6.000 đồng/kg tại vườn, trước đây giá thấp nhất cũng ở mức 40.000 đồng/kg. Thậm chí, khó tiêu thụ do tác động của dịch bệnh, trong khi từ giữa tháng 7/2021 đến nay, toàn tỉnh có khoảng 81.944 tấn trái cây đã cho thu hoạch.

Các sở, ngành tỉnh Tiền Giang đã và đang “kích hoạt” các giải pháp nhằm tránh xảy ra tình trạng ùn ứ khi dự kiến sản lượng thu hoạch trái cây trong nửa tháng tới sẽ vào khoảng 49.052 tấn.

Còn tại Long An, tỉnh giáp với TP Hồ Chí Minh, một số loại cây ăn trái chủ lực như thanh long, chanh,... hiện vào vụ thu hoạch. Ước tính, sản lượng thanh long thu hoạch tháng 8, 9 sẽ hơn 46.000 tấn; sản lượng chanh cũng sẽ hơn 10.000 tấn trong 2 tháng tới. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 nên hoạt động sản xuất, tiêu thụ gặp nhiều khó khăn dù cho giá bán ra đã giảm từ 30 - 40%

Không chỉ với trái cây ở Tiền Giang, Long An, việc tiêu thụ hàng triệu tấn lúa đang bước vào thu hoạch rộ lúa hè thu ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang là nỗi lo lớn, nhất là khi dịch COVID-19 đợt 4 tại các tỉnh phía Nam còn đang diễn biến phức tạp.

Như tại tỉnh An Giang, theo phản ánh từ một số chủ DN xuất khẩu gạo thì họ đang gặp khó khăn đầu ra, giá gạo xuất khẩu giảm. Các DN hạn chế thu mua gạo khiến thương lái không có nơi tiêu thụ nên họ không thu mua lúa dù cho nhiều nông dân chấp nhận giảm giá lúa.

 

Cần thấy rằng nguồn cung nông sản ở các tỉnh phía Nam hiện nay là rất nhiều, giá thu mua rất thấp nhưng thương lái cũng không màng đến. Trong bối cảnh khó khăn như vậy, bài học rút ra cho việc tiêu thụ nông sản giữa đại dịch là các cơ quan quản lý cần giải quyết rốt ráo các nút thắt từ sản xuất chế biến, thu mua, vận chuyển, phân phối ở thị trường trong nước và xuất khẩu.

Điều này, đòi hỏi những giải pháp vừa nhanh vừa có tính căn cơ. Có giải quyết được đầu ra, kết nối được cung cầu thì người nông dân mới có thể yên tâm tiếp tục sản xuất.

Còn người tiêu dùng chỉ mong được hưởng mức giá bình ổn từ nguồn cung nông sản dồi dào ở các tỉnh. Khi mà đại dịch vẫn chưa rõ thời gian được đẩy lùi thì có lẽ, ngành hàng nông sản cũng nên nghĩ đến việc “sống chung” với dịch COVID-19 như trong lúc này.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm