Kinh doanh và tiêu dùng

Bảo vệ người tiêu dùng là hành động thiết thực để thúc đẩy tiêu dùng

Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng chính là hành động thiết thực để thúc đẩy tiêu dùng, từ đó đẩy mạnh sản xuất và phát triển kinh tế, đồng thời mang lại uy tín cho doanh nghiệp, tạo bệ phóng cho doanh nghiệp phát triển, đóng góp vào sự phát triển toàn diện của đất nước.

Fitch đánh giá tích cực về triển vọng tiêu dùng Việt Nam trong năm 2020 / Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 tăng cao nhất trong 7 năm gần đây

1
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh tại lễ phát động Ngày Quyền của NTD Việt Nam

Thực hiện Quyết định số 1035/QĐ-TTg ngày 10/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam, ngày 15/3 hằng năm đã được Bộ Công Thương chọn là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Sự kiện thường niên này nhằm huy động sự tham gia và nâng cao trách nhiệm của các bên liên quan cùng chung tay xây dựng và phát triển công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đối tượng doanh nghiệp, người tiêu dùng và cơ quan.

Nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác bảo vệ người tiêu dùng

Trong những năm qua, công tác bảo vệ người tiêu dùng (NTD) đã được chú trọng và nâng cao. Các văn bản pháp luật và hoạt động liên quan của các cơ quan quản lý Nhà nước cho đến việc bảo vệ quyền lợi NTD đã được kiện toàn như: Luật Bảo vệ quyền lợi NTD 2010 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2011); Tổng đài tư vấn 1800.6838 hỗ trợ NTD của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD - Bộ Công Thương; Hội Bảo vệ NTD; Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389); Tổ công tác đặc biệt 334 (Bộ Công Thương)… Đặc biệt, lễ phát động Ngày Quyền của NTD Việt Nam được tổ chức bởi Bộ Công Thương tại những thành phố lớn vào ngày 15/3 trong những năm vừa qua đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa cũng như nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với công tác này.

Năm 2019 vừa qua, Bộ Công Thương và UBND thành phố Cần Thơ đã tổ chức lễ phát động Ngày Quyền của NTD Việt Nam năm 2019 tại công viên Lưu Hữu Phước, thành phố Cần Thơ. Đây là lần thứ 4 Bộ Công Thương phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố tổ chức lễ phát động hưởng ứng Ngày Quyền của NTD Việt Nam. Tại lễ phát động, ôngTrần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thươngđã công bố chủ đề Ngày Quyền của NTD Việt Nam năm 2019 là “Kinh doanh lành mạnh, tiêu dùng bền vững”.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đã lưu ý một số vấn đề mới, trong đó, cần tập trung vào xu hướng tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, xu hướng phát triển của công nghệ thông tin và sự thay đổi trong nhận thức tiêu dùng của người dân. Căn cứ vào tình hình mới, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đề nghị các bên liên quan cần tiếp tục xác định và tăng cường các giải pháp nhằm khắc phục và ngăn chặn các hạn chế, tồn tại đối với sự phát triển của công tác bảo vệ quyền lợi NTD tại Việt Nam, đồng thời, đẩy mạnh hoàn thiện và thực thi các chính sách, chương trình nhằm tạo điều kiện khuyến khích sự tham gia chủ động và hiệu quả của các chủ thể, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp và NTD.

Bảo vệ quyền lợi của NTD sẽ mang lại uy tín cho doanh nghiệp

Tại Hội nghị tổng kết thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi NTD và các văn bản hướng dẫn do Bộ Công Thương tổ chức tháng 6/2019, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD (Bộ Công Thương) đưa ra nhận định, trong gần 8 năm (2011- 2018) thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi NTD, số lượng vụ việc của NTD được phản ánh tới Bộ Công Thương tăng từ 26 vụ trong năm 2011 lên 263 vụ vào năm 2012, 450 vụ vào năm 2013 và duy trì trung bình gần 1.500 vụ trong giai đoạn 2014-2018. Các con số thống kê đã cho thấy nhận thức NTD đang nâng cao cũng như công tác giải quyết vụ việc đạt hiệu quả nhất định.

Để duy trì sự thành công đó, ngày 22/1/2019, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW của Ban Bí thư đối với công tác bảo vệ quyền lợi của NTD. Trong đó, 6 nhóm giải pháp đã được đưa ra: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng; phát huy vai trò tiên phong, giám sát của chi bộ, đảng viên trong công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tổ chức bộ máy chuyên trách, nâng cao năng lực thực thi pháp luật, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi NTD;đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi của NTD;tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và hỗ trợ NTD; đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ quyền lợi NTD; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trong các hoạt động hợp tác về bảo vệ NTD trong khuôn khổ ASEAN và quốc tế.

Những chỉ đạo trên của Đảng, Chính phủ và các bộ, ban nghành đã khẳng định tầm quan trọng của hoạt động bảo vệ NTD. Bảo vệ quyền lợi của NTD chính là hành động thiết thực để thúc đẩy tiêu dùng, từ đó đẩy mạnh sản xuất và phát triển kinh tế, đồng thời sẽ mang lại uy tín cho doanh nghiệp, tạo bệ phóng cho doanh nghiệp phát triển, đóng góp vào sự phát triển toàn diện của đất nước.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm