Kinh doanh và tiêu dùng

Nghịch lý giá rau xanh: Khan hiếm hàng hay tự đẩy giá lên cao?

Trong khi người nông dân ở nhiều vùng trồng rau phải bán rau với giá rẻ, thậm chí nhiều nơi đang bỏ không thì ở chiều người lại, người tiêu dùng đang phải mua rau với giá khá cao.

18 ngày, hơn 4.500 vụ vi phạm về sản xuất/kinh doanh thiết bị y tế bị xử lý / Thanh toán điện tử tăng khoảng 600% so với cùng kỳ năm 2019

Đã gần hết tháng Giêng, tại các chợ dân sinh, giá các loại rau xanh vẫn giữ ở mức cao: súp lơ xanh 20.000-25.000 đồng/cây (trước Tết 8.000-10.000 đồng/cây), rau cải xoong 15.000-17.000 đồng/bó (7.000-10.000 đồng/bó), rau muống trái vụ 15.000-20.000 đồng/bó (7.000-8.000/bó), rau cải xanh 20.000-25.000 đồng/kg (12.000-15.000 đồng/kg), rau cần ta 14.000-18.000 đồng/bó (5.000-8.000 đồng/bó), rau dền 5.000 đồng/bó (2.000 đồng/bó)…

Giá vẫn neo cao

Thực tế cho thấy, giá rau xanh hiện cao gấp 2-3 lần so với trước Tết Nguyên đán và chưa thấy có dấu hiệu hạ nhiệt.

Không chỉ người tiêu dùng lo lắng, các nhà hàng, quán ăn tiêu thụ rau xanh nhiều hơn cũng phải "đau đầu” tính toán mua thực phẩm, cân đối doanh thu trong thời điểm này.

Giá rau xanh tại các chợ dân sinh vẫn neo ở mức cao dù đã gần hết tháng Giêng (Ảnh: Internet)

Giá rau xanh tại các chợ dân sinh vẫn neo ở mức cao dù đã gần hết tháng Giêng (Ảnh: Internet)

Anh Thế Anh (chủ quán lẩu ở Thanh Xuân-Ha Nội), cho biết: "Dịch Covid-19 đã khiến cho hàng quán vắng khách, ế ẩm. Giờ rau xanh vẫn ở mức cao thì làm gì có lãi. Chúng tôi đành chọn giải pháp tính công làm lãi, dậy từ sáng sớm mua rau ở chợ đầu mối để có giá tốt, rẻ hơn chợ dân sinh”.

Theo nhiều tiểu thương và người bán hàng ở chợ dân sinh, rau xanh tăng giá là do dịp Tết xảy ra hiện tượng mưa đá, rau bị hỏng, dập nát. Cùng với đó, tình trạng thời tiết thất thường làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của rau. Một số người thì mua rau dự trữ vì ngại đến những nơi đông người giữa lúc dịch Covid-19 đang diễn ra…

Nhiều người bán lẻ còn lấy lý do nguồn rau củ quả nhập từ Trung Quốc cũng không còn, do nước này đóng cửa khẩu để hạn chế dịch bệnh nên ảnh hưởng đến nguồn cung rau, từ đó họ phải đẩy giá rau lên cao.

Người tiêu dùng dù thấy giá cao nhưng khi nghe người bán giải thích với các lý do trên vẫn phải chấp nhận mua.

 

Chênh lệch giá

Rau bán cho người dân cao là thế nhưng tại một số vùng trồng rau lại xảy ra tình trạng ngược lại. Như tại Lạc Dương (Lâm Đồng), giá bắp cải chỉ còn 1.000 đồng/cây, ớt chuông chỉ còn 8.000 đồng/kg. Đặc biệt, nhiều vườn bắp cải tại đây giờ đã bị nứt và bung lá vì quá ngày thu hoạch mà không có người đến mua.

Giá ớt tại Quảng Ngãi hiện cũng chỉ còn 5.000-6.000 đồng/kg, trong khi để có lãi, người dân phải bán với giá thấp nhất là 15.000 đồng/kg. Theo người trồng ớt, thời điểm này nếu thu hoạch thì tiền bán không đủ chi phí cho một ngày công nên nhiều người bỏ mặc ngoài đồng. Nếu vài ngày tới, ớt không tăng giá thì nông dân đành chặt bỏ và coi như trắng tay.

Hay tại Đông Anh, Mê Linh (Hà Nội), một số chủ vườn rau cho biết, giá bán các loại rau tại ruộng chỉ nhích hơn trước Tết chút ít. Nguyên nhân là lứa rau bị hỏng vì mưa đá đã được giải quyết ngay sau Tết, người dân đã trồng lứa mới và gối vụ nhiều loại rau khác nhau nên vẫn có rau xuất ra thị trường đều đặn, đặc biệt là các loại rau ăn củ không hề bị ảnh hưởng bởi mưa đá. Các loại rau ăn lá chủ yếu là rau ngắn ngày nên nguồn cung không khan hiếm. Giá bán tại ruộng vì vậy mà cũng không quá cao, tùy từng loại rau mà giá chỉ cao hơn trước Tết 500 - 1.000 đồng/kg.

Giá bắp cải ở Lạc Dương (Lâm Đồng) đang xuống thấp và không có người thu mua

Giá bắp cải ở Lạc Dương (Lâm Đồng) đang xuống thấp và không có người thu mua

 

“Nếu trồng rau sạch, có tiêu chuẩn bán cho các đơn vị đăng ký sẵn thì không sao, chứ sản xuất bình thường, nhiều nhà còn phải cắn răng bán với giá thấp như trước Tết, vì thương lái đã liên kết cùng nhau ghìm giá, mà rau chỉ thu hoạch trong thời gian nhất định, không bán thì bỏ đi cũng chẳng xong”- chị N.T.V- chủ vườn rau ở Mê Linh cho biết.

Có thể thấy, người tiêu dùng đang phải trả mức giá cao hơn nhiều lần, trong khi người trồng rau ở một số nơi còn bị lỗ nặng vì bán dưới giá thành. Nghịch lý này bắt nguồn từ việc thương lái đứng ra định đoạt giá mua sản phẩm của các chủ vườn rau, trong khi người bán lẻ lại lợi dụng tình hình dịch bệnh, thiên tai tự đẩy giá lên cao để bán cho người tiêu dùng hòng kiếm lời.

Theo giới kinh doanh rau củ, những chi phí cộng thêm như tiền công, bao bì, hao hụt và vận tải hết khoảng 7.000-8.000 đồng/kg, mức lời của thương lái 500 - 1.000 đồng/kg rau. Như vậy, giá tại chợ đầu mối tăng khoảng 1.000 đồng/kg so với giá nhập là hợp lý. Tuy nhiên, trên thực tế, giá rau củ bắt đầu tăng mạnh kể từ chợ đầu mối đến chợ bán lẻ.

Việc này là do các tiểu thương bán lẻ đang đẩy giá bán lên cao nhiều lần trong khi giá nhập chỉ bằng hoặc nhích hơn thời điểm rau rẻ. Còn phản biện các tiểu thương cho rằng rau đang khan hiếm trong dịp này nên phải bán với giá cao, ông Đặng Phúc Nguyên-Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, khẳng định từ sau Tết Nguyên đán, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 lan rộng, Trung Quốc đóng cửa biên giới nên tình trạng xuất khẩu rau củ quả bị ảnh hưởng, một số loại nông sản đang bị ùn ứ nên khó có thể xảy ra tình trạng khan hiếm rau củ quả.

 

Theo kinh nghiệm của nhiều người, muốn mua rau củ quả sạch, bảo đảm giá cả thì nên vào siêu thị, cửa hàng nông sản sạch. Lâu nay, người dân thường nghĩ rau ở đây đắt nên ít mua. Tuy nhiên hiện nay, nhiều siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch đã ký hợp đồng bao tiêu đầu ra với người dân, các HTX. Thậm chí, các đơn vị này còn liên kết với các địa phương thực hiện bình ổn giá hoặc giải cứu nông sản nên không xảy ra tình trạng thiếu nông sản hay tăng giá quá cao.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm