Kinh doanh và tiêu dùng

Vì sao giá thịt lợn vẫn chưa thể bình ổn?

Bất chấp yêu cầu của Thủ tướng cùng quyết tâm cao của Bộ NN&PTNT trong việc giảm giá lợn hơi để bình ổn thị trường, giá thịt lợn hiện nay vẫn được đánh giá là cao và chỉ mới “giảm trên tivi”. Vậy, chuyện gì đang diễn ra.

Có hay không việc 'làm giá' lợn hơi? / Giá thịt lợn ở các tỉnh phía Nam vẫn ở mức cao do thiếu nguồn cung

Hồi đầu tháng 4 vừa qua, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, các doanh nghiệp chăn nuôi đã ký cam kết đưa giá lợn hơi về mức 70.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, bán trên thị trường vẫn đang xoay quanh mức khoảng 90.000 đồng. Trong siêu thị, giá sườn thăn là 295.900 đồng/kg, sụn heo 309.900 đồng/kg, nạc dăm 255.900 đồng/kg, nạc vai giá 169.900 đồng/kg… Nhiều người tiêu dùng cho rằng, miếng thịt thơm ngon giờ đây đang trở nên đắng ngắt.

"Nút thắt" thương lái

Lâu nay, để lý giải cho việc giá thịt lợn tăng quá cao có 2 nguyên nhân chính là thiếu hụt nguồn cung và khâu trung gian quá nhiều.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, việc thiếu hụt nguồn cung do dịch tả lợn châu Phi là không nhiều vì sản lượng thịt chỉ giảm 8,3-9,3% trong khi giá lợn hơi tăng tới gần 200%.

Vậy, nguyên nhân chính ở đây là gì? Không nên đổ lỗi cho người chăn nuôi lợi dụng găm hàng chờ giá lên, bởi người chăn nuôi nhỏ lẻ không có cơ hội này vì vốn liếng ít. Còn đối với các doanh nghiệp, việc găm hàng sẽ chuốc thêm chi phí, trong đó nặng nhất là chi phí lãi vay với ngân hàng.

Theo đó, nút thắt lớn của giá lợn hơi hiện nay chỉ có thể là các thương lái, họ sẽ mua trả tiền trước 100% hoặc ứng tiền một phần cho người chăn nuôi và gửi lợn tại chuồng để găm hàng.

Vì sao thương lái lại có thể góp phần “thao túng” giá thị trường lợn?

Xét về thực chất, từ lâu nay mô hình chăn nuôi tại Việt Nam chủ yếu vẫn là nông hộ, trang trại từ đó kéo theo việc mua bán lợn hơi, giết mổ, phân phối thịt lợn khá manh mún với sản lượng chủ yếu bán ở các chợ truyền thống, các cơ quan quản lý rất khó giám sát chất lượng thành phẩm.

Tất nhiên, theo thời gian, mô hình nuôi công nghiệp xuất hiện và phát triển, với các đại diện tiêu biểu như Vissan, Hòa Phát…, hay đặc biệt là Tập đoàn C.P. Nhưng mô hình chính vẫn là nuôi gia công theo nông hộ, hoặc trang trại. Còn việc tiêu thụ, bán lẻ sản phẩm thịt cuối cùng vẫn phụ thuộc vào chợ truyền thống, hay xuất khẩu tiểu ngạch.

Về thị trường, tính chất manh mún, nhỏ lẻ về chăn nuôi đưa tới yêu cầu cần một hệ thống thu gom lợn từ chuồng nuôi tới khu tập trung. Sau đó là kênh phân phối lợn sang giết mổ, hay xuất khẩu lợn sống, thịt thương phẩm cho sạp, vào bếp ăn công nghiệp, nhà hàng, và chợ truyền thống.

Trong thực tế này, không quá khó để nhận rõ vai trò vô cùng quan trọng của hệ thống thương lái đối với thị trường thịt lợn.

Để đến được tay người tiêu dùng, thịt lợn thành phẩm phải qua rất nhiều khâu trung gian (Ảnh: Internet)

Để đến được tay người tiêu dùng, thịt lợn thành phẩm phải qua rất nhiều khâu trung gian (Ảnh: Internet)

Giá cao là hệ quả

Nhìn vào những vấn đề kể trên có thể thấy, việc đóng vai trò quá lớn trong từng khâu của thị trường thịt lợn đã dẫn tới hệ quả hình thành nhiều tầng nấc thương lái. Kèm theo mỗi khâu, mỗi tầng nấc thương lái đều phải thu lãi kinh doanh. Chênh lệch lãi cộng gộp các khâu, sau đó đều phản ánh trong giá thành thịt lợn bán lẻ tới tay người tiêu dùng.

Để dễ hiểu hơn, có thể hình dung bậc thang hiện nay vận hành theo cách thương lái bán con giống, doanh nghiệp bán thức ăn, nhà nước và thương lái cung cấp thú y. Nhưng, khâu thu gom lợn từ chuồng nuôi, phân loại, bán vào các điểm giết mổ, phân loại thịt và bán vào các kênh bán lẻ trong nước phần lớn do thương lái đảm nhiệm.

Từ lợn con tới thịt lợn thương phẩm bán lẻ, do thế, trải qua không dưới 4 tầng nấc của kênh phân phối. Nếu giả định lợi nhuận định mức cho mỗi kênh khoảng 10%, không quá khó để thấy lợi nhuận kênh phân phối chiếm đã không dưới 40% giá thịt bán lẻ.

 

Nếu tính cả tỷ lệ thu hồi thịt thương phẩm chỉ chiếm khoảng 60 – 70% trọng lượng lợn, không quá khó để hiểu vì sao giá thịt bán lẻ luôn gấp từ 2 – 3 lần giá lợn hơi.

Thực tế, kết luận giá thịt lợn cao là do thương lái không sai, nhưng chưa phản ánh đúng thực tế, bởi thương lái, đầu cơ chỉ có thể hình thành nếu vai trò điều tiết của nhà nước đang cho hiệu quả không tốt. Và thực ra, nó cho thấy giá thịt lợn tăng giảm không phụ thuộc vào chỉ đạo của cơ quan quản lý.

Như vậy, để dẹp được hệ thống thương lái thì vai trò điều tiết của Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương cần có đột phá để nắm được kênh phân phối. Các cơ quan quản lý cần phải dựa vào hệ thống các doanh nghiệp đầu mối có đủ khả năng đối trọng lại với hệ thống thương lái.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, cần sớm ban hành một số chính sách thúc đẩy chăn nuôi trong nước, phát triển các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi quy mô lớn; có chính sách điều phối giữa các doanh nghiệp liên quan như doanh nghiệp sản xuất thức ăn, doanh nghiệp thu mua, giết mổ, các đơn vị bán hàng…

Ngoài ra, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, bản chất thị trường hiện nay vẫn là yếu tố cung cầu quyết định giá cả. Vì vậy, trước tiên phải bảo đảm nguồn cung. Để làm được điều này cần thực hiện song song việc tái đàn theo hướng bền vững và nhập khẩu thịt lợn, đa dạng hóa nguồn cung thực phẩm.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm