Kinh tế số

Bộ Công Thương cảnh báo người tiêu dùng thận trọng với Temu

DNVN - Việc các nền tảng xuyên biên giới như Temu, Shein và 1688 gần đây thực hiện hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng chưa đăng ký với Bộ Công Thương gây quan ngại về quyền lợi người tiêu dùng, tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý.

CMC TS - Doanh nghiệp công nghệ số đạt cú đúp danh hiệu năm 2024 / Việt Nam đặt mục tiêu kinh tế số chiếm tỷ trọng 30% GDP vào 2030

Gần đây, Temu – một nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chuyên cung cấp hàng giá rẻ – đã thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng Việt Nam. Với nhiều sản phẩm có giá thành thấp và giao diện dễ sử dụng, Temu nhanh chóng trở thành lựa chọn của nhiều người mua sắm trực tuyến. Tuy nhiên, nền tảng này chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam, gây lo ngại về tính hợp pháp cũng như chất lượng sản phẩm.

Trước tình hình này, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo các đơn vị trực thuộc yêu cầu Temu và các sàn tương tự tuân thủ quy định pháp luật để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trong công văn ký ban hành ngày 26/10, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ đẩy mạnh quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử, đặc biệt với các nền tảng xuyên biên giới như Temu, Shein và 1688. Những nền tảng này hiện đã thực hiện hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng chưa đăng ký với Bộ Công Thương, thu hút sự chú ý lớn của người tiêu dùng tại Việt Nam và trở thành chủ đề nóng trên nhiều phương tiện truyền thông.

Người đứng đầu Bộ Công Thương yêu cầu trong tháng 10/2024, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để truyền thông và hướng dẫn người tiêu dùng nhận diện các rủi ro, đồng thời tránh giao dịch với các nền tảng chưa được xác nhận đăng ký trên Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử.


Temu - nền tảng điện tử thương mại nổi tiếng của Trung Quốc đã chính thức "đổ bộ" vào thị trường Việt Nam với nhiều hàng hoá giá rẻ chương trình ưu đãi cùng khẩu hiệu hấp dẫn "mua sắm như người giàu có".

Cũng ngay trong tháng 10/2024, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phải chủ động liên hệ với đội ngũ pháp lý của Temu yêu cầu tuân thủ pháp luật hiện hành của Việt Nam, trong trường hợp cần thiết có thể phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông có giải pháp kỹ thuật ngăn chặn phù hợp.

Tổng cục Quản lý thị trường được giao nhiệm vụ giám sát chặt chẽ các kho hàng và điểm tập kết hàng hóa của các nền tảng thương mại điện tử chưa đăng ký. Việc này sẽ được thực hiện thường xuyên để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm, bảo đảm hoạt động kinh doanh trên không gian mạng được tuân thủ quy định pháp luật.

Liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng, Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia được yêu cầu tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là đối với các giao dịch xuyên biên giới. Các cơ quan chức năng sẽ phối hợp để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về các rủi ro khi mua hàng từ các nền tảng chưa tuân thủ quy định tại Việt Nam.

Trong tháng 10/2024, Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát các yếu tố pháp lý, đề xuất phương án xử lý các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới hoạt động trái phép.

Cục Xuất nhập khẩu chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đề xuất phương án kiểm soát hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam thông qua kênh thương mại điện tử.

Cục Xúc tiến thương mại được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đề xuất phương án xử lý đối với những hình thức khuyến mại không tuân thủ quy định của pháp luật đối với các nền tảng thương mại điện tử.

Trong tháng 11/2024, Vụ Thị trường trong nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đánh giá tác động đối với thị trường trong nước (nếu có) khi hàng hóa nước ngoài thâm nhập vào thị trường Việt Nam thông qua các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới. Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” để thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt, thúc đẩy sản xuất trong nước...

Trước đó, tại họp báo thường kỳ ngày 23/10 vừa qua, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, theo quy định tại Nghị định 85/2021/NĐ-CP về thương mại điện tử, tất cả các sàn giao dịch thương mại điện tử hoạt động tại Việt Nam đều phải đăng ký theo luật. Sàn Temu, hiện đang hoạt động tại Việt Nam, cũng không ngoại lệ.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân bày tỏ sự ngạc nhiên về mức giá rẻ của các sản phẩm trên Temu, và cho biết sẽ phải điều tra kỹ lưỡng để xem liệu giá đó có phản ánh đúng giá trị thực tế hay không. Bộ Công Thương cam kết sẽ triển khai đề án quản lý chặt chẽ, chống gian lận, hàng giả, hàng nhái trong môi trường thương mại điện tử, nhằm bảo đảm sự minh bạch và công bằng cho người tiêu dùng.

Bộ Công Thương cũng đang triển khai các biện pháp hỗ trợ để bảo vệ sản xuất trong nước thông qua việc nâng cao năng lực cạnh tranh và điều chỉnh các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nội địa. Cùng với đó, Bộ sẽ xây dựng hành lang pháp lý, các quy chuẩn kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước trong bối cảnh cạnh tranh từ các sàn thương mại điện tử quốc tế ngày càng gia tăng.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm