"Lãi suất chập chờn khiến các SME khó lòng đi xa hơn"
DNVN - Đây là nhận định của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan tại Tọa đàm "Tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa" do Ban biên tập Báo điện tử Trí thức trẻ kết hợp với Kênh thông tin tài chính CafeF tổ chức vào chiều 17/4 tại Hà Nội.
Doanh nghiệp siêu nhỏ được 'cởi trói' vì không phải lập báo cáo tài chính / Hà Nội: Nguồn cung bất động sản giảm mạnh trong quý I/2019
Với câu hỏi hỏi lãi suất nhìn từ 2019 có phải câu chuyện lớn nhất khi tiếp cận vốn ngân hàng đối với khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) hay không, chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng, yếu tố gây khó khăn cho DNNVV nhiều lắm, tín dụng chỉ là một. Theo điều tra về chỉ số cạnh tranh toàn cầu thì tín dụng đứng hàng đầu. Các doanh nghiệp vẫn đánh giá đây là yếu tố khó khăn, dù lãi suất tác động vào không nhiều nhưng việc tiếp cận là khó.
Thực tế việc tiếp cận tín dụng và mức lãi suất phụ thuộc nhiều vào bản thân doanh nghiệp và sự đánh giá của ngân hàng. Không phải doanh nghiệp nào cũng được hưởng nhiều ưu đãi.
Các chuyên gia tham dự tọa đàm. (Ảnh: CafeF)
"Muốn cho doanh nghiệp làm ăn dài hạn, có tầm nhìn, nếu tiếp cận tín dụng khó, lãi suất chập chờn sẽ khiến cho doanh nghiệp khó lòng đi xa hơn", nữ chuyên gia nhấn mạnh.
Ông Trần Văn Tần - Vụ phó Vụ tín dụng cho rằng mức lãi suất phổ biến ngắn hạn hiện nay theo thống kê của NHNN từ 6 - 9% là khá phù hợp vì ngân hàng là trung gian tài chính, phải đi huy động và cho vay.
"Ngoài việc cho vay, chúng tôi cũng phải đảm bảo giải pháp an toàn cho các tổ chức tín dụng nên chúng tôi cho rằng lãi suất hiện nay là phù hợp. Để hỗ trợ các SME, NHNN cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng quy định trần lãi suất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa là 6,5%. Và hiện nay, có nhiều ngân hàng cũng chỉ cho vay từ 5-6% thôi, các ngân hàng hiện nay cũng cạnh tranh như vậy", ông Tần nói.
Tuy nhiên, chuyên gia Phạm Chi Lan cho biết, mức trần lãi suất 6,5% hiện nay vẫn cao so với các nước khác, bởi các nước chỉ ở mức 2-3%, và thậm chí 0%.
"Về lâu dài Việt Nam vẫn phải cố gắng phát triển thêm nguồn vốn khác. Thực tế là nguồn tín dụng hiện phụ thuộc quá vào vốn ngân hàng. Như thế thì không ổn. Hiện trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán chưa phát huy được vai trò của nó", chuyên gia Phạm Chi Lan nói.
Tại Việt Nam, điều tra hàng năm cho thấy khoảng 50% DNVNVV (trên tổng số 98% DNNVV của nền kinh tế) không tiếp cận với tín dụng ngân hàng. Những DN này tự thấy bản thân không đủ năng lực để đến, họ tìm nguồn khác. Trong số đó cũng có một số DN có khả năng tự có, đủ dòng tiền, nhưng số đó ít lắm, hiếm hơn các doanh nghiệp loại A của ngân hàng.
Bà Đinh Vân Trang.
Trên góc độ doanh nghiệp, trả lời câu hỏi nguồn vốn của doanh nghiệp hiện nay đến từ đâu, có hoàn toàn từ ngân hàng hay không, bà Đinh Vân Trang - Phó Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và thương mại Khang Nguyên cho biết: Hiện tại, nguồn vốn của doanh nghiệp Khang Nguyên hoàn toàn là vay của ngân hàng và vốn tự có. Hiện nay các doanh nghiệp đi vay với 2 loại, là hạn mức hàng năm và đầu tư tài sản cố định và dự án.
"Trong bối cảnh chính phủ kêu gọi quốc gia khởi nghiệp, thì các doanh nghiệp phải đầu tư vào R&D nhiều, hiện bản thân doanh nghiệp Khang Nguyên chưa có nguồn hỗ trợ nào, hoàn toàn phải dùng vốn tự có để đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu. Nếu có nguồn vốn có thể tiếp cận để phục vụ cho hoạt động này thì các doanh nghiệp sẽ đánh giá rất cao", bà Trang nêu.
Trong khi đó, ông Lê Xuân Tưởng - Giám đốc CTCP Thiết bị và hóa chất Thăng Long chia sẻ: đối với các SME, điều cần đầu tiên là vốn. 80% doanh nghiệp phá sản do thiếu vốn, khi thiếu vốn thì lãi suất không phải vấn đề lớn nhất.
"Tôi cho rằng nên có cơ sở dữ liệu cho các doanh nghiệp để NHTM có cách đánh giá khác để DNVVN tiến bộ nhanh. DNVVN chiếm 4% GDP nhưng chưa được quan tâm nhiều", ông Tưởng kiến nghị.
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo