Thị trường

Ấn Độ "làm khó" doanh nghiệp XK hương: Bộ Công Thương quan ngại sâu sắc

DNVN - Lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) đã nêu quan ngại sâu sắc đối với việc Ấn Độ điều chỉnh chính sách nhập khẩu đối với mặt hàng hương nhang và các chế phẩm từ trạng thái “tự do nhập khẩu” sang “hạn chế nhập khẩu” theo Thông báo 15/2015-2020 ngày 31/8/2019 của Bộ Công Thương Ấn Độ.

Doanh nghiệp xuất khẩu hương nhang bị Ấn Độ "làm khó" / Nhập khẩu ô tô tăng cao: Giấc mơ chinh phục "sân nhà" của doanh nghiệp nội "lâm nguy"

Theo tin từ Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, sáng 11/9 vừa qua, Bộ Công Thương (Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ thương mại) đã làm việc với ông Rajesh Uike, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Ấn Độ và một số cán bộ của Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội. Cuộc gặp được tổ chức nhằm tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hương nhang đang gặp khó khăn do Ấn Độ đột ngột yêu cầu giấy phép nhập khẩu đối với mặt hàng này.
Tại buổi làm việc, Lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á – châu Phi đã nêu quan ngại sâu sắc đối với việc Ấn Độ điều chỉnh chính sách nhập khẩu đối với mặt hàng hương nhang và các chế phẩm từ trạng thái “tự do nhập khẩu” sang “hạn chế nhập khẩu” theo Thông báo 15/2015-2020 ngày 31/8/2019 của Bộ Công Thương Ấn Độ. Điều đáng chú ý, thông báo có hiệu lực ngay ngày 31/8/2019.

Bộ Công Thương làm việc với ông Rajesh Uike, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Ấn Độ và một số cán bộ của Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội hôm 11/9. (Ảnh: MOIT)

Bộ Công Thương cho rằng, biện pháp yêu cầu giấy phép nhập khẩu được ban hành đột ngột và không thông báo trước sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong thời gian nhu cầu tiêu thụ hương nhang của Ấn Độ lên mức đỉnh điểm trong năm. Theo đó, tháng 9 hàng năm là tháng cao điểm cho hoạt động xuất khẩu hương sang Ấn Độ nhằm phục vụ cho dịp lễ lớn nhất của Ấn Độ trong tháng 10. Các doanh nghiệp của Việt Nam đều tập trung nhân lực, tài chính, nguyên vật liệu để sản xuất hàng.
Lượng hàng tồn kho rất lớn, không xuất khẩu đi nước khác được do không có thị trường xuất khẩu thay thế. Hoạt động xuất khẩu ngừng trệ, nhà xưởng phải tạm ngừng sản xuất, rất nhiều công hàng đang trên đường vận chuyển sang Ấn Độ sẽ không được thông quan, ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp, việc làm, đời sống của hàng nghìn công nhân. Về lâu dài, cuộc sống của toàn bộ người lao động trong lĩnh vực sản xuất hương nhang mà phần lớn là người nghèo, người tàn tật có nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng.
Không chỉ đối với phía Việt Nam, các doanh nghiệp nhập khẩu hương nhang Ấn Độ, là các đối tác của doanh nghiệp Việt Nam từ nhiều năm nay cũng chịu thiệt hại do đã đặt cọc một phần tiền hàng cho các hợp đồng đã ký giữa doanh nghiệp hai nước trước ngày 31/8/2019. Bên cạnh đó, người tiêu dùng Ấn Độ cũng sẽ chịu thiệt hại do nguồn cung thiếu hụt và giá cả thị trường của mặt hàng hương nhang tăng cao hơn.
Trước tình trạng này, Bộ Công Thương đã đề nghị Đại sứ quán Ấn Độ tích cực hỗ trợ giải quyết vấn đề thông qua việc ngay lập tức trao đổi với các cơ quan chức năng Ấn Độ mà trước hết là Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao Ấn Độ, báo cáo Chính phủ Ấn Độ về những tác động tiêu cực đối với các doanh nghiệp và người lao động Việt Nam, các nhà nhập khẩu Ấn Độ từ việc điều chỉnh chính sách nhập khẩu hương nhang của phía Ấn Độ một cách đột ngột và không thông báo trước.
Để giảm thiểu các tác động tiêu cực từ việc điều chỉnh chính sách nhập khẩu hương nhang của Ấn Độ, Bộ Công Thương đề nghị các cơ quan chức năng của Ấn Độ cần xem xét trước mắt không yêu cầu giấy phép nhập khẩu đối với các lô hàng hương nhang từ Việt Nam đã ký hợp đồng mua bán trước ngày 31/8/2019; Xem xét, tạm thời ngừng áp dụng biện pháp cấp phép nhập khẩu trong thời gian nhu cầu thị trường ở mức đỉnh điểm (tháng 9 và tháng 10 năm 2019).
Ngoài ra, phía Việt Nam đề nghị, về lâu dài, đề nghị gỡ bỏ biện pháp quản lý nhập khẩu đối với mặt hàng hương nhang.
Trước đề nghị của Bộ Công Thương, Ngài Phó Đại sứ khẳng định luôn mong muốn xây dựng quan hệ thương mại tốt đẹp giữa hai nước. Ngài Phó Đại sứ và Đại sứ quán Ấn Độ rất thông cảm và chia sẻ với những khó khăn mà doanh nghiệp, người lao động trong lĩnh vực hương nhang của Việt Nam gặp phải. Đại sứ quán Ấn Độ sẽ làm việc ngay với các cơ quan chức năng của Ấn Độ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hai bên và sớm phản hồi với Bộ Công Thương.
Trước đó, ngày 06/9/2019, Bộ Công Thương (Vụ Thị trường châu Á – châu Phi và đại diện Cục Xuất nhập khẩu) đã có buổi làm việc với một số doanh nghiệp lớn xuất khẩu hương nhang có trụ sở tại Hà Nội và Hưng Yên để nắm bắt tình hình, khó khăn của doanh nghiệp và tìm hướng tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Năm 2018-2019, Ấn Độ nhập khẩu 83,58 triệu USD hương nhang từ các nước trên thế giới. Hai nước xuất khẩu chính hương nhang sang Ấn Độ là Việt Nam và Trung Quốc. Trong đó, Việt Nam luôn chiếm khoảng 90% thị phần nhập khẩu của Ấn Độ đối với mặt hàng hương nhang (mã HS 33074100).
Ấn Độ hiện là thị trường xuất khẩu hương nhang chính (không có thị trường thay thế) của ngành hương nhang xuất khẩu của Việt Nam. Cả nước hiện có hơn 100 doanh nghiệp sản xuất hương nhang ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam.
Tính trung bình, mỗi tháng các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu khoảng hơn 300 công hàng hương nhang sang thị trường Ấn Độ (kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang Ấn Độ năm 2018-2019 là 76,85 triệu USD).
PV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm