Thị trường

An Giang: Làm giàu từ mô hình nuôi lươn theo hướng làm ăn tập thể

Với việc mô hình nuôi lươn đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân ở xã Tân An (TX. Tân Châu, An Giang) đã đặt ra nhu cầu phải liên kết nông dân vào mô hình làm ăn tập thể nhằm bắt kịp xu thế thị trường.

Phú Thọ: Mô hình nuôi ốc nhồi mang lại hiệu quả kinh tế cao / Quảng trị: “Đổi đời” nhờ trồng tiêu, nuôi bò

Hiện nay, mô hình nuôi lươn đã phát triển mạnh ở các địa phương trên địa bàn TX. Tân Châu. Trong đó, xã Tân An là địa phương có số lượng bồn nuôi nhiều nhất bởi mô hình được phát triển ở đây từ rất sớm. Vì vậy, UBND xã Tân An đã cho thành lập Tổ hợp tác (THT) nuôi lươn với mục đích để các thành viên trong tổ có điều kiện chia sẻ kinh nghiệm, liên kết nhau trong sản xuất, hướng tới việc đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Hộ nuôi lươn ở xã Tân An cần liên kết để làm ăn tập thể

Hộ nuôi lươn ở xã Tân An cần liên kết để làm ăn tập thể

Theo đó, toàn xã hiện có 146 hộ tham gia mô hình, với 465 bồn nuôi lươn thương phẩm. Việc hình thành THT nuôi lươn xã Tân An đã hỗ trợ các thành viên tiếp cận những kỹ thuật nuôi mới để nâng cao chất lượng, năng suất lươn thương phẩm.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân An Nguyễn Văn Diệu cho biết, THT nuôi lươn xã Tân An được thành lập từ năm 2015 và đến nay đã có 25 thành viên tham gia. Đây được xem là “hạt nhân” trong phong trào nuôi lươn của địa phương, vì THT tập trung những cá nhân có kinh nghiệm trong sản xuất, giàu nhiệt huyết và hết lòng hỗ trợ cho những nông dân khác về kiến thức nuôi lươn thương phẩm đạt năng suất cao.

Cũng theo ông Diệu, ngoài việc trao đổi kỹ thuật, THT còn hỗ trợ cho các thành viên tiếp cận các nguồn vốn vay để đầu tư mở rộng mô hình sản xuất. Năm 2019, 12 thành viên THT nuôi lươn xã Tân An được vay vốn với số tiền 650 triệu đồng từ nguồn quỹ Hỗ trợ nông dân của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Qua đó, tạo niềm tin cho các hộ nuôi lươn tại Tân An về những lợi ích khi tham gia liên kết làm ăn tập thể.

Nông dân Tân An nâng cao thu nhập nhờ mô hình nuôi lươn

 

Trong số các thành viên THT nuôi lươn xã Tân An, anh Nguyễn Văn Bửu (ngụ ấp Tân Hậu A2) là hộ có mức đầu tư lớn nhất cho mô hình nuôi lươn hiện nay. “Bén duyên” với con lươn từ năm 2005, anh Bửu chỉ đầu tư vài bồn nuôi ban đầu với suy nghĩ còn khá rụt rè bởi mô hình còn khá mới ở địa phương.

Tuy nhiên, với bản tính cần cù, chịu khó học hỏi, anh Bửu tham gia hầu hết các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi lươn do ngành nông nghiệp và Hội Nông dân tổ chức. Từ đó, anh dần tích lũy thêm nhiều kỹ thuật chăn nuôi mới, kết hợp kinh nghiệm thực tiễn của bản thân để hiện thực hóa mục tiêu vươn lên khá giàu với con lươn thương phẩm.

Đến nay, anh Bửu có 75 bồn nuôi lươn thương phẩm với số lượng khoảng 200.000 con. Do thời gian mỗi vụ nuôi kéo dài từ 6 - 8 tháng, anh Bửu phải thả con giống xen kẽ nhằm duy trì nguồn lươn đầu ra đều đặn cung cấp cho thị trường.

Ngoài việc nuôi lươn bùn truyền thống, anh Bửu còn mạnh dạn áp dụng kỹ thuật nuôi lươn không bùn và nuôi lươn sạch theo chuẩn VietGAP, vì người nông dân này muốn hướng đến những đối tác làm ăn dài lâu, chứ không chỉ nuôi lươn bán chợ như hiện nay.

Bên cạnh lươn thương phẩm, anh Nguyễn Văn Bửu còn đẩy mạnh mô hình nuôi lươn giống. Ngoài 12 công đất nhà, anh Bửu thuê thêm 6 công đất để làm bồn thuần lươn giống. Để lươn giống đến tay người nuôi đạt chất lượng, anh Bửu gom nguồn giống ngoài thiên nhiên đưa vào bồn thuần từ 30 - 45 ngày rồi mới cung cấp ra thị trường.

 

Với nguồn giống chất lượng, mỗi ngày anh Bửu bán ra thị trường trong, ngoài tỉnh từ 5.000 - 6.000 con giống. Thời điểm này, anh Bửu đang thực hiện ươm giống nhân tạo nhằm chủ động nguồn cung cho thị trường. Từ mô hình nuôi lươn của mình, anh Bửu đã giúp giải quyết việc làm cho 15 lao động tại địa phương, với thu nhập 150.000 - 200.000 đồng/ngày.

Ông Nguyễn Phương Đông, Tổ trưởng THT nuôi lươn xã Tân An cho biết, địa phương đang có kế hoạch nâng THT lên hợp tác xã vào cuối năm 2020. Đây là điều kiện để các thành viên tiếp cận với mô hình làm ăn tập thể, hướng tới những thị trường ổn định. Để mô hình nuôi lươn phát triển bền vững tại địa phương, rất cần sự hỗ trợ của các cấp, ngành về vốn, khoa học - kỹ thuật và nhất là kết nối đầu ra ổn định để các thành viên tiếp tục mục tiêu làm giàu trên quê hương của mình.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm