Yên Bái: Làm giàu từ nuôi vịt bầu
Thanh Hóa: Dựng lồng bè nuôi ếch trên ao cá, lão nông thu nửa tỷ đồng mỗi năm / Thanh Hóa: Làm giàu từ mô hình nuôi trồng thủy sản
Trò chuyện với anh Soi được biết, năm 2018, anh đã cùng 4 hộ dân góp vốn mua lại hơn 1 ha đất ven suối Lâm Thượng và 3 ao nhỏ để chăn nuôi vịt và cá bỗng. Khi mới bắt đầu xây dựng trang trại, do điều kiện kinh tế còn khó khăn và kinh nghiệm chưa nhiều nên anh và các thành viên trong nhóm chỉ nuôi từ 200 - 300 con vịt. Sau một thời gian khi kinh tế đã tương đối ổn định, các anh đã đầu tư nhiều hơn.
Hiện nay, HTX của anh Soi đang nuôi trên 800 con vịt đẻ và tự cung cấp giống để nuôi thương phẩm. Vịt thương phẩm mỗi năm 10.000 con chia ra làm nhiều đàn lớn nhỏ ở các cỡ tuổi khác nhau, đảm bảo mỗi tuần xuất bán được 200 con.
Khi được hỏi về kỹ thuật nuôi vịt, anh Soi chia sẻ rất cởi mở: "Nuôi vịt không phải là khó mà quan trọng phải luôn theo dõi, để ý đến tình trạng của đàn vịt để có điều chỉnh, bổ sung lượng thức ăn, thuốc phòng dịch bệnh cho hợp lý”.
Mô hình nuôi vịt bầu của Hợp tác xã Dịch vụ chăn nuôi Lâm Thượng đang phát huy hiệu quả kinh tế.
Giống vịt mà anh Soi nuôi là giống vịt bầu Lục Yên. Đây là giống vịt đặc sản của địa phương có đặc điểm rất dễ nhận biết: chân thấp, cổ ngắn, chân vàng, mỏ vàng và chỉ khi đầu xanh, chéo cánh mới trở thành vịt thương phẩm.
Mặt khác, giá bán ổn định và luôn cao hơn các giống vịt khác, sức sống mạnh, tỷ lệ sống cao, kháng bệnh tốt, phát triển nhanh và được các thương lái ưa chuộng. Thời gian nuôi vịt bầu Lục Yên cũng dài hơn các giống vịt khác, từ khi mới nở, nuôi khoảng 100 ngày mới đạt trọng lượng khoảng 2 - 2,5 kg/con.
Trong quá trình nuôi, anh Soi thực hiện nghiêm ngặt quy trình tiêm phòng dịch bệnh, nhất là tiêm vắc-xin cho vịt con vào giai đoạn 3 và 7 ngày tuổi để phòng bệnh viêm gan và bệnh dịch tả vịt; định kỳ bổ sung thuốc phòng bệnh và vitamin tăng sức đề kháng.
Với lợi thế nguồn nước do trang trại nằm dọc theo 2 bờ suối Lâm Thượng anh để lại những cây gỗ lớn làm sạch cỏ làm nơi cho vịt lên ăn, nghỉ. Nuôi vịt đã trở thành niềm đam mê của anh Soi. Từ khi nuôi vịt đến nay, không ngày nào anh không có mặt ở trại vịt, dù có việc bận đến mấy anh cũng phải tranh thủ để đến thăm đàn vịt.
Hỏi về hiệu quả kinh tế cũng như đầu ra của đàn vịt nuôi, anh Soi cho biết: "Đầu ra không lo, cứ nuôi đến đâu có thương lái đến tận nơi đặt hàng, giá cả ổn định 60 - 70 nghìn đồng/1kg, mỗi năm nuôi khoảng 10.000 con, HTX xuất bán cũng cho doanh thu khoảng gần 400 triệu đồng. Song, tiếc nhất là trong quá trình tiếp thị vịt thương phẩm, có nhà hàng đặt 200 con/ngày nhưng HTX không thể đáp ứng được”.
Do vậy, hiện nay anh Soi đang thử nghiệm liên kết nuôi với 10 hộ dân theo hình thức HTX cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm. Mô hình đang phát triển rất tốt góp phần tăng thu nhập cho các hộ dân trong thôn, đồng thời thúc đẩy chăn nuôi phát triển, từ đó HTX có thể đáp ứng được những đơn hàng lớn.
Trong thời gian tới, HTX Dịch vụ nông nghiệp Lâm Thượng tiếp tục cùng một số hộ trong thôn liên kết chăn nuôi, giúp đỡ nhau về vốn, kỹ thuật cũng như đầu ra cho sản phẩm của mình.
Anh Soi rất mong được sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền hỗ trợ cho người chăn nuôi về kỹ thuật mới cũng như các loại vắc-xin phòng trừ dịch bệnh. Với tuổi trẻ và lòng đam mê của mình, anh Soi đã thu được những thành quả xứng đáng. Đây là mô hình hay rất cần được quan tâm và nhân rộng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo