Tuyên Quang: Làm giàu nhờ mô hình nuôi vịt bầu
Đà Nẵng: Hai Sở Kế hoạch Đầu tư và Công thương phản bác số liệu thẩm tra đo mức độ hài lòng của công dân với công chức / Xuất khẩu linh kiện ô tô ‘trông đợi’ khối nội?
Theo chị Nông Thị Lịch, Giám đốc HTX vịt bầu Minh Hương, vịt bầu của xã được Cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Đây là đặc sản và được ví như “của trời ban” vì vịt được tắm trong dòng suối từ khu rừng đặc dụng Cham Chu chảy qua 25 thôn bản.
Phá vỡ định kiến "muốn nghèo nuôi vịt"
Các cụ từng có câu “muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt”. Câu nói này dường như chỉ đúng với mô hình nuôi vịt theo hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, hoặc nuôi vịt thả đồng bởi tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh cũng như bấp bênh đầu ra.
Đối với HTX Minh Hương, để nâng cao giá trị kinh tế, các thành viên thay vì nuôi vịt theo kiểu truyền thống đã chuyển sang nuôi vịt bầu theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm để nâng cao thu nhập cho thành viên.
Hiện, HTX có 26 thành viên, duy trì thường xuyên 12 nghìn vịt bầu thương phẩm. Để hạn chế dịch bệnh, các thành viên thống nhất xây dựng chuồng trại, phân chia ô chuồng riêng dành cho vịt đẻ và vịt thương phẩm.
Khu chuồng nuôi được sử dụng đệm lót sinh học và tiến hành khử trùng bằng vôi định kỳ. Ngoài tuân thủ các quy trình chăm sóc, phòng dịch và tạo vùng bơi lội, HTX còn phải nuôi vịt bằng thóc, bằng chuối thái lẫn với cỏ voi. Đều đều ngày 2 lần, vịt phải có 2 bữa ăn no, còn với vịt bé thì phải cho ăn 3 bữa/ngày.
Theo chị Lịch, đối với vịt đẻ HTX chỉ nuôi trong khuôn viên mỗi hộ, không thả suối vì dễ bị động làm dập trứng, đồng thời hạn chế ô nhiễm môi trường. Còn vịt thương phẩm được thả ra suối theo giờ quy định. Loại này nuôi đến tháng thứ 4 thì đầu mới xanh và bắt đầu ăn khỏe nên trên 5 tháng mới có thể xuất bán, trung bình mỗi con nặng từ 1,9 kg đến 2,2 kg/con, giá bán từ 90.000 đồng đến 110.000 đồng/kg.
Để chủ động về con giống, HTX đầu tư lò ấp trứng, đảm bảo chủ động nguồn giống nuôi 5-6 lứa vịt/năm. Sau một tháng ấp trứng, HTX sẽ tiến hành úm vịt rồi mới thả ra chăn nuôi bình thường.
Dù chăm sóc vịt đẻ hay vịt thương phẩm đều công phu, mất nhiều thời gian và công sức nhưng điều thuận lợi là các thành viên HTX không phải lo lắng về đầu ra vì vịt lúc nào cũng trong tình trạng “cháy hàng” bởi nhu cầu thị trường về loại đặc sản này rất lớn.
Vịt nuôi đến đâu đều có nhà hàng, khách sạn đăng ký về tận nơi thu mua. HTX cũng mở rộng sang dịch vụ giết mổ, đóng gói hút chân không để nâng cao giá trị và chất lượng.
Sản phẩm vịt bầu Minh Hương được tiêu thụ thông qua hệ thống siêu thị, nhà hàng và được đảm bảo kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm theo chuỗi. Nhờ đầu ra thuận lợi, doanh thu hàng năm của HTX là khoảng 3 tỷ đồng từ bán vịt con giống, vịt thịt thương phẩm.
Hỗ trợ giảm nghèo bền vững
Nhờ nuôi vịt bầu theo chuỗi, người dân có đồng ra đồng vào. Nhiều hộ đã đổi đời nhờ tham gia HTX. Gia đình anh Triệu Văn Hòa, thành viên HTX Minh Hương cho biết nhờ nắm vững kỹ thuật, mỗi lứa gia đình anh xuất ra thị trường 500 đến 600 con vịt. Sau khi trừ hết chi phí, anh có thể thu về 90-100 triệu đồng/năm lại không phải ly hương.
Ông Triệu Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Hương cho biết: Mô hình nuôi vịt bầu đặc sản của HTX Minh Hương đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương. Hầu như hộ nào nuôi vịt hàng hóa đều có kinh tế khá giả, nhiều hộ đang tích cực làm giàu từ nuôi vịt bầu theo chuỗi giá trị.
Nhiều hộ dân giảm nghèo thành công nhờ nuôi vịt bầu theo hướng hàng hóa
HTX vịt bầu Minh Hương đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức tuyển chọn đàn vịt giống, tập huấn cho các thành viên thực hiện mô hình chăn nuôi vịt bầu an toàn sinh học, quản lý chặt chẽ quy trình chăn nuôi của từng hộ gia đình nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.
Việc tham gia HTX còn giúp người dân có “cần câu” phát triển sản xuất theo quy mô lớn từ đó góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo điều kiện tăng thu nhập và giúp địa phương thực hiện hiệu quả tiêu chí giảm nghèo bền vững.
Hiện, trên địa bàn xã có 400 hộ nuôi vịt, mỗi năm cung cấp ra thị trường trung bình 40.000 tấn vịt thương phẩm. Việc phát triển chăn nuôi sản phẩm đặc sản giúp đáp ứng nhu cầu của thị trường cũng như khẳng định chất lượng và thương hiệu vịt bầu Minh Hưng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Chăn nuôi vịt bầu theo chuỗi giá trị giúp nâng cao hiệu quả kinh tế