Thị trường

Miền Nam vẫn là vùng đất màu mỡ cho sự phát triển của chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện lợi

DNVN - Một báo cáo thị trường gần đây của Q&Me đã cho thấy sự phát triển không đồng đều của hệ thống đại siêu thị, siêu thị nhỏ và cửa hàng tiện lợi giữa các khu vực trên cả nước. Khu vực miền Nam vẫn chứng tỏ là nơi còn nhiều tiềm năng cho mảng thị trường bán lẻ theo chuỗi này.

Bán lẻ truyền thống đang ở thời điểm 'sinh tử' / Kênh phân phối hiện đại và online đang lấn át các cửa hàng truyền thống

Các chuỗi phân phối hàng hóa bán lẻ, đặc biệt là hệ thống đại siêu thị, siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi trở nên phổ biến hơn bao giờ hết và ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội. Một báo cáo được Q&Me thực hiện vào tháng 8 đã cho thấy sự mở rộng của các cửa hàng chuỗi vượt ra khỏi khu vực đô thị, và ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ.

Việt Nam là một thị trường tiêu dùng lớn, với tổng dân số hơn 96 triệu người, tập trung đông nhất ở TP Hồ Chí Minh (hơn 9 triệu người) và Hà Nội (hơn 8 triệu người), và thấp nhất tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Thu nhập bình quân của người Việt khoảng 4 triệu đồng/tháng, cao nhất tại Bình Dương (khoảng 7 triệu/tháng) và thấp nhất tại Điện Biên (khoảng 1,7 triệu đồng/tháng).

Không có gì ngạc nhiên khi 55% các đại siêu thị nằm chủ yếu ở Hà Nội (27%) và TP Hồ Chí Minh (28%), tiếp theo đó là 2% cho ở mỗi tỉnh thành như Tây Ninh, Khánh Hòa, Bình Dương, Đà Nẵng và Cần Thơ. Các nơi khác chiếm 35% thị phần còn lại.

Trong khi đó các siêu thị nhỏ hơn có xu hướng lan rộng ra nhiều tỉnh thành, dù vẫn chiếm tới 55% tại Hà Nội (17%) và TP Hồ Chí Minh (38%). Hệ thống siêu thị nhỏ với độ tiên lợi, dễ dàng tiếp cận các khu cư dân, với mức giá ổn định, hàng hóa chất lượng ngày càng được người dân chọn trở thành kênh mua bán thường xuyên. Vì thế không chỉ ở 2 thành phố lớn nhất, mà các tỉnh thành khác cũng đã chiếm tới 2% thị trường bao gồm chủ yếu các tỉnh ở phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, An Giang, Khánh Hòa, Tây Ninh, Bình Thuận, Bến Tre. Các nơi khác còn lại chiếm 17%.

Thống kê số lượng đại siêu thị trên toàn quốc

Thống kê số lượng đại siêu thị trên toàn quốc.

Đối với đại siêu thị, hai hệ thống Co-op Mart và Vinmart là chuỗi lớn nhất, phủ rộng toàn quốc. Với số lượng lên tới 128 đại siêu thị Co-op Mart tại TP Hồ Chí Minh (79) và tại Hà Nội (6), còn lại ở các tỉnh thành khác). Vinmart là chuỗi lớn thứ 2 với 122 đại siêu thị, nhưng tập trung nhiều ở phía Bắc hơn, với 42 đại siêu thị tại Hà Nội, 18 tại TP Hồ Chí Minh và 62 siêu thị tại các tỉnh thành khác.

Đứng vị trí thứ ba khá ngạc nhiên chính là hệ thống đại siêu thị K-Market, một trong những chuỗi siêu thị cung cấp thực phẩm lớn, đặc biệt là những thực phẩm liên quan tới Hàn Quốc, xuất hiện rất nhiều không chỉ ở những khu vực đông người ngoại quốc mà còn cả những khu chung cư. Hệ thống lên tới 64 đại siêu thị chủ yếu ở Hà Nội (35 siêu thị) và TP Hồ Chí Minh (24 siêu thị), chỉ có 6 siêu thị ở các vùng khác.

Tiếp theo là hệ thống Big C – hệ thống sẽ đổi tên thành Topsmarket trong quý 3 này, Lanchi Mart, Citi Mart, Lotte Mart, Aeon, FujiMart, Max Valu và Satra Mart.

Đối với quy mô siêu thị nhỏ hơn, các hệ thống tập trung phát triển ở nhiều tỉnh thành, với lợi thế quy mô nhỏ, diện tích vừa phải và hàng hóa thiết yếu, các dòng siêu thị nhỏ phù hợp với xu thế tiêu dùng thời hiện đại. Hệ thống Vinmart+ là hệ thống lớn nhất, trải rộng toàn quốc với tổng số lên tới 2049 siêu thị nhỏ, số lượng tương đương giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trong khi đó Bách Hóa Xanh là hệ thống siêu thị nhỏ lớn thứ hai với 1884 siêu thị, nhưng chủ yếu tập trung tại phía Nam, không có cửa hàng nào ở Hà Nội.

 

Siêu thị quy mô nhỏ chiếm ưu thế

Siêu thị quy mô nhỏ chiếm ưu thế.

Ngoài hệ thống siêu thị thì cửa hàng tiện lợi cũng trở nên phổ biến hơn, với sự góp mặt đáng chú ý của Circle K hay GS25, Family Mart, 7 Eleven. Những hệ thống này tuy bị ảnh hưởng nhiều do sự sụt giảm của khách du lịch trong hai năm gần đây, nhưng vẫn có sự tăng trưởng. 73% số cửa hàng tiện lợi nằm ở TP Hồ Chí Minh, trong khi chỉ có 17% nằm ở Hà Nội, Bình Dương 3% và Bà Rịa Vũng Tàu 2%, còn lại ở các tỉnh khác.

Các cửa hàng tiện lợi chủ yếu tập trung ở khu vực miền Nam

Các cửa hàng tiện lợi chủ yếu tập trung ở khu vực miền Nam.

 

TP Hồ Chí Minh là miền đất màu mỡ cho hệ thống cửa hàng tiện lợi, ngoại trừ Circle K thì hầu hết tất cả các hệ thống đều tập trung ở đây. Circle dẫn đầu thị trường cửa hàng tiện lợi với 434 cửa hàng, tại Hà Nội 167 cửa hàng, TP Hồ Chí Minh 223 cửa hàng còn lại ở các tỉnh khác. Lớn thứ hai là chuỗi Family Mart với 143 cửa hàng tiện lợi nhưng không có cửa hàng nào tại phía Bắc. Tương tự như vậy là các cửa hàng của Mini Stop, B’s Mart, GS25, 7 Eleven và Cheers. Điều này cũng phản ánh quy mô và xu hướng tiêu dùng khác biệt của các vùng.

Minh Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm