Thị trường

Bằng mọi cách duy trì thị trường truyền thống, nỗ lực phát triển thị trường mới

DNVN - Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, trong bối cảnh năm 2023 được dự báo nhiều thách thức gấp bội, bằng mọi cách phải duy trì, phát triển các thị trường truyền thống và các mặt hàng truyền thống. Đồng thời nỗ lực tối đa để phát triển thị trường mới, giúp hàng hóa của Việt Nam có thể vươn xa hơn...

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo ký được nhiều đơn hàng mới / Châu Âu vẫn kiểm soát chặt thanh long, mỳ tôm từ Việt Nam

Dấu hiệu không thể xem thường
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 1/2023 (ngày 31/1), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Năm 2022 là năm đặc biệt khó khăn, là năm dị biệt với những khó khăn về kinh tế, khó lường về chính trị thế giới.
Tuy nhiên, Việt Nam đã gặt hái nhiều thành công bằng những kết quả nổi bật. Đó là tăng trưởng GDP đạt 8,02%, thu ngân sách vượt 21%, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát.
Đáng chú ý, lĩnh vực công nghiệp đạt mức tăng trưởng trên dưới 8%, trong đó chế biến chế tạo đạt 8,1%, đóng góp 2,1 điểm phần trăm cho tăng trưởng GDP. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) đạt hơn 725 tỷ USD. Đây cũng là năm thứ 7 liên tiếp, Việt Nam duy trì thặng dư thương mại lên tới 11,2 tỷ USD.
Điều đặc biệt, trong tháng 1/2023, theo số liệu thống kê, tổng kim ngạch XNK đạt 46,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu (XK) đạt 25,08 tỷ USD và NK đạt 21, 47 tỷ USD. Theo đó xuất siêu đạt 3,6 tỷ USD - cao hơn nhiều lần mức xuất siêu 1,6 tỷ USD trong cùng kỳ năm ngoái.
"Điều này là tín hiệu vui nhưng cũng là dấu hiệu không thể xem thường. Nguyên nhân của xuất siêu là do nhập khẩu của Việt Nam giảm sâu do nhu cầu về nguyên liệu thấp. Tổng kim ngạch XNK tuy đạt 46,5 tỷ USD nhưng lại giảm 25% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là vì tháng 1 năm nay có 2 kỳ nghỉ Tết: Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Quý Mão, thời gian làm việc chỉ bằng 1/3 so với năm trước", Bộ trưởng đánh giá.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu chỉ đạo tại hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 1/2023.
Mặt khác, các mặt hàng XK vừa rồi đều là những sản phẩm của các doanh nghiệp (DN) XK tồn lại từ năm 2022. Trong khi các nước, nhất là những nước có lượng XK lớn như Trung Quốc và một số nước ở khu vực Châu Á mở cửa muộn hơn nên năng lực cung ứng ra thị trường không được nhanh bằng Việt Nam.
"Những kết quả vừa qua là nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cộng đồng DN, trong đó có sự đóng góp tích cực của các cơ quan chức năng thuộc Bộ Công Thương và hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Những kết quả nổi bật vừa là lợi thế nhưng đồng thời là thách thức cho Việt Nam trong những tháng tiếp theo của năm 2023", người đứng đầu Bộ Công Thương lưu ý.
Năm 2023 được dự báo với những thách thức gấp bội bởi lẽ cạnh tranh chiến lược, xung đột chính trị và xung đột vũ trang ngày càng gay gắt, cuộc chiến tranh Nga - Ukraine có thể còn tiếp diễn. Thị trường tiếp tục sẽ có những dị biệt, tình hình chính trị thế giới sẽ tiếp tục có những diễn biến khó lường.
Cạnh tranh thương mại đầu tư diễn biến phức tạp, thị trường ngày càng thu hẹp, tổng cầu giảm, năng lực sản xuất lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu chủ yếu nhập khẩu, đứt gãy nguồn cung - nhất là nguồn cung về năng lượng. Châu Âu tiếp tục áp đặt lệnh trừng phạt lên Nga.
Điều chỉnh kịp thời chiến lược kinh doanh
Để vượt qua những thách thức, tận dụng được thời cơ và phát huy được những thành tựu, kinh nghiệm đạt được trong những năm qua, đặc biệt là năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các cơ quan chức năng thuộc bộ và cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cũng như các hiệp hội, ngành hàng, các DN XNK lớn phải đưa ra các kịch bản, nhiệm vụ và giải pháp thật cụ thể cho từng lĩnh vực.
Đồng thời phải thực hiện phương châm giữ vững thị trường truyền thống, phát triển các thị trường mới, nhất là các thị trường tiềm năng ở Nam Á, Tây Á, Châu Phi và Mỹ Latinh.
Các cơ quan thương vụ cần chú trọng nắm bắt các chủ trương, chính sách mới của nước sở tại cả trong chính trị và kinh tế. Nhất là những rào cản mới mà các nước, các khu vực thị trường đang đặt ra. Từ đó, tham mưu cho Đảng, Nhà nước, cho lãnh đạo bộ có những đối sách hợp lý nhằm kịp thời bảo vệ lợi ích chính đáng của quốc gia, dân tộc, lợi ích của DN.
Tiếp tục làm tốt công tác thu thập thông tin, kết nối thị trường, kết nối cung cầu hàng hóa giữa Việt Nam và các châu lục, quốc gia, DN. Từ đó giúp DN trong nước điều chỉnh kịp thời những chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh cho phù hợp với nhu cầu của thị trường. Việt Nam có rất nhiều sản phẩm được làm ra nhưng sản phẩm ấy có được thị trường trong nước hay nước ngoài ưa chuộng hay không lại là một câu chuyện khác.
"Đã đến lúc phải thay đổi phương thức, thay đổi từ quan điểm, chủ trương cho đến tổ chức sản xuất phải theo tín hiệu thị trường. Tất cả những sản phẩm làm ra đều phải có địa chỉ, đều phải đáp ứng được các tiêu chuẩn, tiêu chí và điều kiện của một thị trường nào đó chứ không phải sản xuất ra theo tập quán thói quen và hô hào cả hệ thống vào cuộc để giải cứu", Bộ trưởng khuyến nghị.
Bằng mọi cách phải duy trì, phát triển các thị trường truyền thống và các mặt hàng truyền thống. Đồng thời nỗ lực tối đa để phát triển thị trường mới, mặt hàng mới, nhất là khu vực Tây Á, Nam Á, Châu Phi, Mỹ Latinh để hàng Việt Nam có thể vươn xa hơn, đáp ứng tốt hơn với nhu cầu của người tiêu dùng trên phạm vi toàn thế giới.
Từ kinh nghiệm của các nước sở tại và những phát kiến mới của mình, các cán bộ thuộc cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục có những đề xuất đổi mới trong hoạch định và thực thi các chính sách mới, giúp Việt Nam có những bứt phá ngoạn mục trong phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trong thời gian tới...
Năm 2023, Bộ Công Thương đã đề ra phương châm "tiếp tục đổi mới để vươn tới đỉnh cao". "Nếu như năm 2022, Bộ Công Thương đã đạt được những kết quả rất vang dội trong xuất nhập khẩu, thương mại điện tử… thì năm 2023 phải là một năm giữ được thành quả đó và đạt được tốc độ tăng trưởng ít nhất từ 6,5% trở lên theo chỉ tiêu mà Chính phủ đã đề ra", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm