Biến động tỷ giá: Áp lực không nhỏ cho doanh nghiệp xuất khẩu
Doanh nghiệp xuất khẩu gạo ký được nhiều đơn hàng mới / Kết nối các nhà cung cấp miền Trung – Tây Nguyên với doanh nghiệp xuất khẩu
Ngày 8/5, tỷ giá VND/USD được Ngân hàng Nhà nước công bố áp dụng ở mức 24.249 đồng, tăng 6 đồng so với phiên trước. Sáng 9/5, Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá này thêm 16 đồng, lên 24.265 đồng/USD. Tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng cũng đồng loạt bật tăng.
Động thái này đang gây nhiều lo ngại cho doanh nghiệp xuất khẩu, bởi doanh nghiệp phải đối mặt với nguyên liệu đầu vào tăng quá cao. Tác động từ tỷ giá khi xuất khẩu hàng hóa không thấm vào đâu so với giá nguyên liệu nhập vào. Thậm chí, doanh nghiệp càng sản xuất càng lỗ.
Theo ông Nguyễn Ngọc Luận - Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Toàn cầu (sở hữu thương hiệu cà phê nông sản Meetmore), tỷ giá tăng thời gian qua có tác động tích cực đến các doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó có Meetmore. Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, giá cà phê nguyên liệu đã tăng 3-4 lần so với cùng kỳ, trong khi doanh nghiệp vẫn phải trả đơn hàng đã ký với giá thấp trước đó nên rất khó khăn.
“Hợp đồng cũ phải hoàn tất, ký hợp đồng mới cũng rất thách thức. Lý do khi ký mới cũng chỉ có thể tăng giá bán từ 5-10% để khách hàng có thể chấp nhận từ từ. Trong khi, nếu tính đúng giá bán phải tăng tới 40% mới bù đắp được chi phí đầu vào tăng cao. Nếu không ký hợp đồng mới khi hết đơn cũ, doanh nghiệp coi như tạm ngưng hoạt động”, ông Luận chia sẻ.
Bên cạnh hiện tượng đầu cơ gom hàng, đẩy giá nguyên liệu lên cao, ông Nguyễn Văn Thứ - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm G.C (G.C Food) cho biết, những khách hàng từ Trung Đông và châu Âu đang giảm nhập khẩu do biến động địa chính trị cũng như chi phí logistics tăng cao.
Trong khi đó, các thị trường chính của G.C Food như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đông Nam Á, công ty phải giảm giá bán để giữ khách hàng. Bản thân nhà nhập khẩu nước ngoài cũng đang phải chịu áp lực từ sự mất giá đồng nội tệ của mình.
Với một số nhóm ngành xuất khẩu khác như dệt may, thực tế cũng không hưởng lợi quá nhiều từ tỷ giá. Bởi ngoài việc nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu phải nhập khẩu có giá cao, thì đơn hàng của ngành may giá lại không tăng, chưa kể chi phí logistics tăng cũng đang tác động đến các doanh nghiệp.
Doanh nghiệp sản xuất tiêu thụ trong nước cũng phải đối mặt với nguyên liệu nhập khẩu đầu vào. Trong khi, sức mua yếu, doanh nghiệp chưa thể tăng giá. Thậm chí, doanh nghiệp còn phải tham gia vào nhiều chương trình kích cầu mua sắm để kích thích sức mua nên chịu không ít áp lực.
Có thể thấy, áp lực từ biến động tỷ giá là không nhỏ. Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 8,4 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 7,66 tỷ USD).
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 8,24 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 16,64 tỷ USD. Điều này cho thấy, nếu tỷ giá tăng, nhóm doanh nghiệp hưởng lợi chủ yếu là nhóm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Doanh nghiệp trong nước thiệt nhiều hơn do nhập siêu vẫn rất lớn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
AEON mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc