Bình Thuận: Thanh long rớt giá, người dân lo mất Tết
Bình Thuận: Một ca tái dương tính với Covid-19 khi gần hết thời gian cách ly / Bình Thuận: 450 tỷ đồng hỗ trợ các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19
Bình Thuận được mệnh danh là thủ phủ thanh long của nước ta, với hơn 30.000 ha, sản lượng trên 600.000 tấn mỗi năm. Trong những năm qua, cây thanh long ở tỉnh này đã không ngừng tăng nhanh cả về diện tích và sản lượng. Sản xuất thanh long đã đem lại hiệu quả kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân.
Thanh long vụ Tết ở Bình Thuận đã chín đầy ruộng nhưng giá thấp khiến người dân lo lắng.
Tuy nhiên, từ khi bùng phát dịch COVID-19, thị trường tiêu thụ thanh long trong và ngoài nước bị ảnh hưởng nặng nề; các cửa khẩu ngừng thông quan để kiểm soát dịch bệnh dẫn đến hàng hóa tồn đọng, thanh long rớt giá kéo theo tình hình sản xuất bị trì trệ, người dân gặp nhiều khó khăn.
Hàng năm, ngoài vụ chính ra trái tự nhiên vào mùa mưa, thì người trồng thành long còn thực hiện phương pháp chong đèn để thanh long ra trái nghịch vụ nhằm bán với giá cao. Lứa trái vào dịp cận Tết Nguyên đán được người dân trông đợi nhất trong năm, bởi nếu giá cao người dân sẽ có một cái Tết sung túc.
Thế nhưng theo ghi nhận của phóng viên, những ngày cận Tết Nguyên đán Tân Sửu, thay vì nhộn nhịp như những năm trước, thì nay không khí tại các vườn thanh long ở Bình Thuận lại hết sức ảm đạm.
Mọi năm, vào các vụ cận Tết, thanh long ruột trắng được mua với giá cao 15.000-20.000 đồng/kg, có năm giá vượt qua cả ngưỡng này vì sức tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đi các nước châu Á rất lớn. Thế nhưng hiện nay, giá mua tại vườn chỉ dao động từ 5.000-8.000 đồng/kg.
Không chỉ thanh long ruột trắng, mà loại ruột đỏ cũng có giá thấp, thông thường những năm trước thanh long ruột đỏ có giá trên 30.000 đồng/kg. Nhưng hiện nay, giá thanh long ruột đỏ cũng chỉ còn 12.000-14.000 đồng/kg.
Anh Thanh (xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam), có 250 trụ thanh long, mấy năm trước, vụ nghịch mùa này anh thu khoảng 4.000 – 5.000 tấn. Tuy nhiên, mùa Tết năm nay, anh đầu tư chong đèn, chi phí nhiều hơn mà chỉ thu được khoảng 2.000 tấn trái.
“Thanh long trái vụ (vụ Tết) phải chong đèn mới lên vì thế chi phí tiền điện tầm 3,5 triệu, tiền phân, tiền nhân công tầm 12 triệu. Đã thế cận Tết rồi mà thương lái vào vườn trả 5.000 đồng/kg nghe mà ngậm đắng nuốt cay, nhưng không bán thì để lại cũng không biết làm gì”, anh Thanh buồn bã.
Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, thị trường xuất khẩu tắc nghẽn khiến giá thanh long giảm sâu và sản lượng tiêu thụ rất hạn chế.
Bà Hương, một thương lái chuyên thu mua thanh long tại Bình Thuận cho biết, cả năm nay, do dịch bệnh nên đối tác đặt mua thanh long rất hạn chế, hầu hết thương lái như bà chỉ thu mua số lượng ít của những hộ dân thân thiết, “có ăn có chịu” lâu năm.
“Gần Tết rồi nhưng đơn hàng trong nước và xuất khẩu rất ít, chỉ tăng hơn so với ngày thường chút ít, nên không thể thu mua hết cho người dân và giá cả thì chắc chắn không thể cao bằng các năm trước”, người phụ nữ có thâm niên hơn 10 năm thu mua thanh long tại Bình Thuận, cho biết thêm.
Theo Hiệp hội Thanh long tỉnh Bình Thuận, hiện thanh long Bình Thuận nói riêng và trong nước nói chung, đã được xuất khẩu qua nhiều thị trường ở các châu lục. Thế nhưng thị trường truyền thống và chủ lực vẫn là Trung Quốc, thông qua hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch ở các cửa khẩu biên giới Việt – Trung.
“Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, thị trường tiêu thụ chính này đang ngưng nhập khẩu, nên dù sản lượng thanh long thu hoạch thấp hơn cùng kỳ, nhưng dự kiến sẽ tồn đọng một lượng lớn thanh long tươi và giá sẽ duy trì ở mức thấp”, Hiệp hội Thanh long tỉnh Bình Thuận, cho biết thêm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo