Thị trường

Bình Thuận thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19

DNVN – Để ứng phó với những khó khăn thách thức do dịch bệnh Covid-19 gây ra và tiếp tục thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, tỉnh Bình Thuận vừa đưa ra nhiều giải pháp thiết thực, mang tính căn cơ.

Bình Thuận: Bác bỏ thông tin Hội Doanh nhân trẻ Bình Thuận tiếp xúc với ca nhiễm Covid-19 thứ 34 / Bình Thuận dừng đón khách quốc tế, đưa 4 cơ sở lưu trú làm điểm cách ly chống dịch Covid-19

Ngày 4/5, UBND tỉnh Bình Thuận cho biết vừa có văn bản yêu cầu các sở, ngành liên quan và các địa phương cần tập trung triển khai thực hiện các giải pháp và nhiệm vụ thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh Covid-19.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, cùng với sự đồng hành của các địa phương, doanh nghiệp, ngành nông nghiệp đã tập trung khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản; đáp ứng được nhu cầu lương thực, thực phẩm nhằm giảm thiểu những tác động của dịch bệnh Covid-19 làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và hoạt động xuất khẩu, tiêu thụ hàng hoá nông sản của tỉnh.
Trong thời gian đến, dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, chưa dự báo được thời điểm kết thúc, ngành nông nghiệp không những phải đối mặt với những tác động tiêu cực của dịch bệnh gây ra mà còn phải đối mặt với những thách thức của khí hậu thời tiết cực đoan như: nắng hạn, thiếu hụt nguồn nước...; nguy cơ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi và cúm gia cầm.
Để ứng phó với những khó khăn, thách thức, tiếp tục thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các sở, ngành liên quan và các địa phương, cần tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp từ Quý II/2020 trở đi trong điều kiện dịch Covid-19.
Thanh long - một trong những cây trồng lợi thế của tỉnh Bình Thuận (Ảnh: ST)

Thanh long - một trong những cây trồng thế mạnh của tỉnh Bình Thuận (Ảnh: Internet)

Theo đó, về thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, cần cơ cấu lại lĩnh vực trồng trọt theo hướng phát triển sản xuất theo quy mô lớn, gắn với bảo quản chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị, tập trung đối với các cây trồng lợi thế của tỉnh như thanh long và các loại nông sản hàng hoá có giá trị khác.
Về phát triển chăn nuôi, cần chuyển mạnh sang hình thức trang trại, gia trại theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp có kiểm soát an toàn dịch bệnh và môi trường, đồng thời khuyến khích phát triển chăn nuôi bò, gia cầm; Chuyển giao nhanh các giống gia súc, gia cầm có năng suất cao cho nông dân để phát triển sản xuất trên cơ sở áp dụng công nghệ mới và chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; tập trung nguồn lực ngăn chặn sự lây lan, phát tán, tiến tới khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi; phối hợp kiểm soát chặt, hạn chế tối đa việc đầu cơ tăng giá lợn thịt, lợn giống hiện nay trên thị trường;
Về phát triển thủy sản, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản xa bờ. Chú trọng công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp giáo dục, kinh tế, hành chính, hình sự, không để xảy ra tình trạng tàu cá của tỉnh đánh bắt hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài. Tăng cường quản lý chất lượng tôm giống, giữ vững chất lượng và thương hiệu tôm giống Bình Thuận trên thị trường.
Về phát triển chế biến nông, lâm, thủy sản, cần tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản đa dạng về quy mô, sản phẩm gắn với vùng nguyên liệu. Đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển sản xuất các sản phẩm có giá trị cao, giảm dần tỷ lệ xuất khẩu các sản phẩm thô, sơ chế. Khuyến khích đầu tư mở rộng, nâng cấp, hiện đại hóa các cơ sở sơ chế, chế biến. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, thiết bị đối với doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm lợi thế của tỉnh...
Cũng theo UBND tỉnh Bình Thuận, phát triển thị trường tiêu thụ, thúc đẩy xuất khẩu nông sản là yếu tố sống còn của ngành nông nghiệp. Do đó cần đa dạng hoá thị trường xuất khẩu nông sản, thuỷ sản, từng bước giảm dần mức độ phụ thuộc vào một thị trường, đáp ứng tiêu chuẩn hàng hoá cao về xuất xứ hàng hoá, chỉ dẫn địa lý. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản, tiếp cận các hệ thống bán lẻ, chuỗi siêu thị tại nước ngoài.
Tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu cần nâng cao hơn nữa vai trò của Hiệp hội ngành hàng, thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa các doanh nghiệp trong việc tăng cường công tác thông tin về tình hình thị trường, giá cả... giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu...
Tâm An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm