Thị trường

Bố trí nguồn vốn chi thường xuyên để triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV

DNVN - Đây là một trong những đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi đánh giá tình hình triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sau hơn 1 năm luật này có hiệu lực.

3 năm kinh doanh, xổ số điện toán thu gần 10.700 tỷ đồng / IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 6,5% trong năm 2019

Kết quả nhiều, khó khăn không ít
Đánh giá tình hình triển khai Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Sau hơn 01 năm kể từ ngày Luật Hỗ trợ DNNVV có hiệu lực (ngày 01/01/2018), công tác triển khai Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành đã đạt được một số kết quả nổi bật.
Theo đó, khung pháp lý hướng dẫn luật cơ bản được xây dựng. Tinh thần quyết liệt, chủ động, sáng tạo trong công tác triển khai luật ở một số địa phương. Công tác tuyên truyền, phổ biến luật được triển khai kịp thời. Một số chính sách hỗ trợ DNNVV theo quy định của luật liên quan tới hỗ trợ tiếp cận tín dụng, hỗ trợ thuế và kế toán, hỗ trợ mặt bằng sản xuất, hỗ trợ công nghệ, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh, hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo đã có một số chuyển biến rõ rệt và tích cực.
Với những kết quả trên, Bộ Kế hoạch và Đầu nhận định, về cơ bản việc triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV sau hơn 01 năm có hiệu lực là khá tích cực. Tuy nhiên, bộ này cho rằng, đây là luật đầu tiên về hỗ trợ DNNVV nên đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của toàn hệ thống để có thể triển khai đồng bộ, mạnh mẽ và hiệu quả các nội dung hỗ trợ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, sau một năm triển khai thực hiện Luật Hỗ trợ DNNVV, đã bộc lộ một số tồn tại và khó khăn chủ yếu. Cụ thể, nguồn lực để triển khai các chính sách hỗ trợ còn hạn chế dẫn đến các địa phương chưa chủ động bố trí được kinh phí hỗ trợ theo quy định. Đa số các địa phương xây dựng kế hoạch, chương trình hoặc đề án hỗ trợ DNNVV theo quy định tại Luật nhưng chưa bố trí được kinh phí triển khai, trong khi ngân sách hỗ trợ DNNVV chưa được bố trí trong kế hoạch ngân sách trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Một số chính sách hỗ trợ DNNVV chưa triển khai được trên thực tế do quy định pháp lý chưa hoàn thiện hoặc mới được ban hành, ví dụ như: chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp cho DNNVV, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn cho DNNVV thông qua bảo lãnh của quỹ bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ vốn cho DNNVV từ Quỹ Phát triển DNNVV...
Một số chính sách chưa đủ hấp dẫn để triển khai có hiệu quả việc hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh chưa đủ mạnh để khuyến khích các hộ kinh doanh có động lực chuyển đổi lên doanh nghiệp.
Phần lớn các đề án, kế hoạch hỗ trợ DNNVV của địa phương ban hành còn chưa cụ thể, chủ yếu dừng lại ở khâu giao nhiệm vụ cho Sở, ban ngành thực thiện, chỉ có một số địa phương quy định các nội dung hỗ trợ DNNVV cụ thể và bố trí được ngân sách để thực hiện. Một số bộ chuyên ngành chưa chủ động xây dựng đề án hỗ trợ DNNVV trong phạm vi lĩnh vực, ngành quản lý.
Khả năng tiếp cận các chính sách hỗ trợ quy định theo Luật Hỗ trợ DNNVV của các DNNVV còn rất hạn chế do quy trình, thủ tục xét chọn, tuyển chọn, thẩm định kinh phí, thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước còn khá rườm rà, nhiều thủ tục, gây tâm lý e ngại cho các doanh nghiệp khi tham gia các chương trình, đề án hỗ trợ của Nhà nước; chưa có một đầu mối thống nhất cung cấp các thông tin về chính sách hỗ trợ cho DNNVV...
Bố trí nguồn vốn chi thường xuyên để triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV
1
Để tháo gỡ những khó khăn, tồn tại và đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Luật Hỗ trợ DNNVV, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép bố trí ngân sách hỗ trợ DNNVV trong kế hoạch ngân sách giai đoạn 2021-2025 và chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương trong năm 2019 cần tập trung thực hiện nhiều giải pháp.
Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng chương trình quốc gia hỗ trợ DNNVV giai đoạn 2021-2025, tập trung hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia các cụm liên kết, chuỗi giá trị trong một số ngành, lĩnh vực trọng điểm; chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ tổng hợp, cân đối, bố trí nguồn vốn chi đầu tư phát triển để hỗ trợ DNNVV theo quy định của Luật.
Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách ưu đãi thuế cho DNNVV trình Quốc hội xem xét thông qua trong kỳ họp Quốc hội tháng 10/2019. Chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí nguồn vốn chi thường xuyên để triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV. Nghiên cứu đề xuất chủ trương cho phép quỹ đầu tư phát triển địa phương thực hiện đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của Nghị định số 38/2018/NĐ-CP của Chính phủ...
Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư hướng dẫn việc thành lập cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung theo quy định của Luật Hỗ trợ DNNVV. Ban hành tiêu chí công nhận tổ chức, cá nhân đủ điều kiện hoạt động dịch vụ chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực KHCN nhằm hỗ trợ DNNVV. Khẩn trương đưa vào sử dụng Sàn giao dịch thông tin công nghệ và thiết bị nhằm hỗ trợ kết nối viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp, giúp đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa hoạt động cung cấp thông tin khoa học công nghệ cho các DNNVV.
Bộ Công Thương đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ DNNVV tận dụng lợi thế của các FTA, tăng cường hướng dẫn DNNVV tham gia vào hệ thống phân phối, phối hợp với các nhà bán lẻ hiện đại, có quy mô vừa và lớn ở thị trường trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đồng bộ từ các khâu đề xuất nhiệm vụ, nội dung, tuyển chọn và quản lý kết quả của các nhiệm vụ, đề án, dự án để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các DNNVV tham gia các Chương trình, đề án hỗ trợ của Nhà nước.
Chủ động cân đối và bố trí kinh phí thực hiện các đề án, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp DNNVV trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các Bộ, ngành và địa phương; đề xuất các nội dung cần ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Tăng cường tuyên truyển, phổ biến các chính sách mới về hỗ trợ DNNVV trong ngành, lĩnh vực quản lý; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền phổ biến và tập huấn đến cấp quận/ huyện, xã/phường đặc biệt là chính sách về hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh, hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo…
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm