Kinh tế tuần hoàn đã trở thành lợi thế cạnh tranh mới
Giá vàng trong nước tiếp tục ổn định ở mức 89 triệu đồng/lượng / FPT Retail được vinh danh top 10 công ty bán lẻ uy tín
Sự chuyển biến của kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam
Con số cho thấy hai năm qua, nền kinh tế nước ta đã có nhiều chuyển biến về đầu tư cho các ngành kinh tế xanh, trong đó có kinh tế tuần hoàn. Các chuyên gia cho rằng, đến nay chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn đã là tất yếu và trở thành lợi thế cạnh tranh mới cho doanh nghiệp.
Đến nay đã hơn hai năm kể từ khi Quyết định số 687 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam đã được ban hành. Nhiều nhiệm vụ trong Quyết định này đã được triển khai để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn – một mô hình kinh tế chú trọng tái tạo tài nguyên. Đến thời điểm này, có thể thấy, Chính phủ Việt Nam đã khẳng định việc chủ động phát triển kinh tế tuần hoàn. Đó là một xu thế tất yếu, tuy nhiên, trước thực tế việc thực thi kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.
Nếu như mô hình kinh tế tuyến tính như thông thường chỉ quan tâm đến khai thác tài nguyên, sản xuất và vứt bỏ sau tiêu thụ thì mô hình kinh tế tuần hoàn chú trọng vào việc quản lý, tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín, từ đó hạn chế tối đa việc phát thải ra môi trường.
Từ mô hình tận dụng vỏ trấu - phụ phẩm của cây lúa, ép thành viên, làm chất đốt mang đi xuất khẩu cho đến mô hình tận dụng xác trà làm nguyên liệu đầu vào sản xuất ra gạch. Đây là hai trong nhiều mô hình tận dụng phế phẩm, phụ phẩm trong sản xuất được áp dụng hai năm qua với nguồn lực đầu tư lên đến hàng chục triệu USD. Hiện dư nợ tín dụng xanh đạt hơn 650.000 tỷ đồng. Những kết quả đó đã một lần nữa khẳng định giá trị của kinh tế tuần hoàn.
Bà Bùi Thị Thu Hiền - Phụ trách Chương trình biển và vùng bờ, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tại Việt Nam cho biết: "Năm 2024, Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã nói đến một nội dung. Đó là trong 10 năm nữa mất đa dạng sinh học và các hệ sinh thái sẽ là một trong những rủi ro lớn nhất cho nền kinh tế của toàn cầu. Rõ ràng, tất cả các doanh nghiệp trực tiếp hay gián tiếp phải phụ thuộc vào thiên nhiên mới có thể vận hành hoạt động của doanh nghiệp có tăng trưởng, có doanh thu. Đó là lý do tại sao gọi là nền kinh tế tích cực với thiên nhiên đang được đông đảo các doanh nghiệp trên toàn cầu tập trung. Đây là một cuộc chơi mà dẫn dắt bởi các nước phát triển. Nếu chúng ta đứng ngoài cuộc chơi thì chúng ta chỉ có thể thua và Việt Nam sẽ mất nhiều cơ hội".
Không ít doanh nghiệp cho rằng, ưu tiên quan trọng nhất phải là lợi nhuận. Việc chuyển đổi xanh hay áp dụng kinh tế tuần hoàn chỉ là thứ yếu. Ông Khuất Quang Hưng - Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông, Nestlé Việt Nam chia sẻ: "Chúng ta không thể đốt cháy giai đoạn. Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, quan trọng nhất là đến cuối tháng họ có trả được lương cho nhân công hay không. Tuy nhiên, gần đây suy nghĩ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã khác rất nhiều, mình nhìn nhận dưới khía cạnh chính là một lợi thế về cạnh tranh. Các doanh nghiệp muốn xuất khẩu hàng đi được sang các thị trường khó tính, khắt khe, nếu không thay đổi họ sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi. Chính vì vậy, đặc biệt các doanh nghiệp lớn càng phải là những đầu tàu, tạo ra tác động trong cả chuỗi, để làm sao các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ dần dần thay đổi".
Mô hình kinh tế tuần hoàn chú trọng vào việc quản lý, tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín.
Động lực chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn
Về phía chính sách, không thể không nhắc đến một động lực quan trọng, đó là chính sách EPR - trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất đã có hiệu lực từ đầu năm nay. Hiểu một cách đơn giản là các doanh nghiệp có doanh thu từ 30 tỷ đồng trở lên, hoặc có giá trị nhập khẩu từ 20 tỷ đồng trở lên so với năm liền trước đó phải có trách nhiệm bắt buộc trong việc tái chế các sản phẩm của mình, thay vì tự nguyện như trước. Trên thực tế sau gần một năm triển khai, chính sách EPR đã giúp thúc đẩy tốt hơn các mô hình tuần hoàn, đặc biệt với các loại vật liệu khó tái chế như bao bì mềm đa lớp, giấy hỗn hợp…
Vỏ gói mì hay vỏ gói nước giặt nằm trong số nhiều loại bao bì mềm đa lớp gần như không có thị trường mua bán tại Việt Nam do có giá trị thấp, không được thu gom, dẫn đến số lượng, chất lượng đều không ổn định, rất khó để đưa vào sản xuất tái chế. Tuy nhiên sau khi quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất có hiệu lực, năm nay gần 800 tấn bao bì mềm đa lớp đã được doanh nghiệp này thu gom để tái chế trở thành dầu nhiên liệu, bước đầu mở ra chuỗi tuần hoàn cho loại vật liệu này.
Ông Nguyễn Thành Tài - Phó Giám đốc Dự án, Công ty Cổ phần Giải pháp xanh Bình Phước nêu ý kiến: "Cố gắng phối hợp với các đơn vị thu gom ra được một quy trình để có thể làm tăng chất lượng của nguồn nguyên liệu. Ví dụ như giảm độ ẩm, giảm tạp chất để việc tái chế đạt được hiệu quả hơn. Giảm những phát thải thứ cấp như nước thải, tạp chất, chất thải rắn đi vào trong sản phẩm".
Một loại vật liệu khó tái chế khác là vỏ hộp giấy, nhiều năm qua đã được nhà sản xuất vỏ hộp này cùng với các đối tác xây dựng chuỗi tái chế thành nhiều sản phẩm khác nhau. Năm nay, doanh nghiệp dự kiến tăng lượng thu gom nhiều hơn 50% so với mức những năm trước đó.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 20/1/2025: Vàng chuẩn bị tăng mạnh?
Tiêu dùng trong tuần (13/1-19/1/2025): Dưa vàng hồ lô, bưởi tài lộc... 'cháy hàng'
Dịp Tết, Đà Nẵng dự kiến hơn 300 chuyến bay cất hạ cánh mỗi ngày
Giá heo hơi ngày 20/1/2025: "Lặng sóng" trên toàn quốc
Giá ngoại tệ ngày 20/1/2025: "Đứng yên", chờ đợi lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ
Thị trường bánh kẹo Tết: Đa dạng mẫu mã, lượng hàng tăng 10 - 15%