Các giải pháp gỡ khó cho thị trường bất động sản
Hợp tác thương mại Việt Nam - Liên bang Nga còn rất nhiều tiềm năng / Lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở năm 2023
Doanh nghiệp bất động sản mong chờ tháo gỡ khó khăn
Giữa tháng 11, Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đã được thành lập, do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm tổ trưởng, làm việc trực tiếp với các địa phương để tìm hiểu các nguyên nhân gây ra "điểm nghẽn", chủ yếu nằm ở thủ phục pháp lý".
Tiếp theo, vào vài ngày trước, Thủ tướng Chính phủ đã ký công điện về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, với các chỉ đạo cụ thể tới các bộ ngành liên quan, các địa phương. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn các địa phương, ngân hàng thương mại cho vay, giải ngân nhanh chóng, đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng đối với các doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật; ưu tiên cho vay cácdự án nhà ở xã hội.
Thông tin mới nhất từ Hiệp hội ngân hàng cũng cho biết, có 19 ngân hàng đã cam kết giảm lãi suất cho vay. Để thực hiện được điều này, các ngân hàng đồng thuận áp dụng mức lãi suất huy động tối đa là 9,5%/năm, ở tất cả các kỳ hạn.
Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra nhiều chỉ đạo quyết liệt, kịp thời để tháo gỡ vướng mắc cho các thị trường bất động sản và nhà ở. Ảnh minh họa.
Các doanh nghiệp bất động sản đã đón nhận các thông tin trên với một tâm thế rất hồ hởi.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đánh giá: "Việc xây dựng nghiên cứu đưa ra các nhóm giải pháp, đặc biệt lập ra các nghị định, sửa nhiều nghị định thì chúng tôi cho rằng đây là tính quyết liệt rất mạnh của Chính phủ".
Ông Dannis Ng Tech Yow - Giám Đốc Đầu tư và Phát triển Dự án, Gamuda Land Việt Nam bày tỏ: "Chúng tôi rất hoan nghênh sự chỉ đạo, quan tâm kịp thời của Thủ tướng Chính phủ tới thị trường. Là nhà đầu tư nước ngoài, chúng tôi mong muốn sẽ có những thay đổi để đẩy nhanh thủ tục pháp lý cho các dự án".
"Các dự án thực sự tốt, đáp ứng được quy định pháp lý của Nhà nước, chúng tôi sẽ xem xét để cung ứng vốn", ông Trần Long - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng BIDV cho biết.
"Họ sẽ có một room giải ngân cho dự án, mình mua sẽ không gặp khó khi vay vốn", anh Nguyễn Tiến Đông - thành phố Hà Nội chia sẻ.
Bà Nguyễn Thùy Dung - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phú Hưng cho hay: "Nguồn vốn tín dụng cuối năm vừa rồi đã giúp cho các dự án bất động sản thêm nguồn tín dụng, đặc biệt các khách hàng đã xếp hồ sơ từ trước thì giai đoạn này chuẩn bị được giải ngân".
Doanh nghiệp bất động sản tìm cách vượt khó khăn
Riêng với từng doanh nghiệp, họ cũng phải vạch ra các giải pháp riêng để vượt qua giai đoạn khó khăn.
Tại TP Hồ Chí Minh mặc dù không có không khí lạnh, nhưng nhiều doanh nghiệp gọi thời điểm này là mùa đông của thị trường bất động sản khi lượng giao dịch sụt giảm, thậm chí đóng băng tại một số phân khúc. Các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ gần đây đã phần nào thổi hơi ấm cho thị trường.
Nhưng trong lúc chờ các giải pháp tháo gỡ từ chính sách được đưa ra, các doanh nghiệp cũng đã xác định phải tự thân vận động trước như: Chủ động giảm giá bán, tăng chiết khấu, tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cấu trúc sản phẩm nhà ở, thay đổi kế hoạch đầu tư...
Ông Bùi Quang Anh Vũ - Tổng giám đốc, Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt cho biết: "Chúng tôi đưa ra một số chính sách bán hàng linh hoạt để làm sao cho khách hàng tiếp cận sản phẩm dễ dàng hơn".
Theo số liệu chưa đầy đủ, số lượng các dự án được mua bán sáp nhập M&A đã gia tăng khá mạnh trong các tháng vừa qua. Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, việc giảm giá bán mới đang diễn ra lác đác tại một số ít chủ đầu tư đang cần nguồn vốn để đáo hạn trái phiếu hoặc áp lực các khoản vay. Phần lớn các doanh nghiệp vẫn chưa có động thái giảm giá. Thay vào đó, họ điều chỉnh bằng cách cắt giảm chi phí, tái cấu trúc doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Công ty Cổ phần GP Invest cho biết: "2012 - 2013 chúng ta có khủng hoảng, nhưng hồi đó là khủng hoảng thừa, nhà nhà làm bất động sản, công ty nào cũng làm bất động sản nên phải giảm giá. Thời điểm đó chúng tôi có dự án Nam Đô đang bán 24 triệu/m2, phải giảm xuống 22 triệu nên bán được hết. Nhưng lần này nó khác là chúng ta không có hàng sức mua thì giảm, vì không có hàng nên giá không giảm".
"Trước kia có thể đầu tư dàn trải, tập trung vào hoạt động cốt lõi, tập trung vào thế mạnh để tạo ra được dòng tiền. Thứ hai là đưa ra nhiều chiết khấu để hỗ trợ khách hàng tạo giao dịch", ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn nói.
Một số dự án hiện nay cũng đang tìm cực tìm các đối tác có tiềm lực để bán lại, hoặc hợp tác cùng triển khai dự án. Theo số liệu chưa đầy đủ, số lượng các dự án được mua bán sáp nhập M&A đã gia tăng khá mạnh trong các tháng vừa qua.
Đề xuất cho vay ưu đãi với nhà có giá dưới 1,8 tỷ đồng
Bên cạnh hàng loạt các giải pháp được các chuyên gia, doanh nghiệp đưa ra, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh tuần qua cũng đã đưa ra một đề xuất đáng chú ý đó là đề xuất Chính phủ bố trí nguồn vốn ngân sách cho người mua nhà dưới 1,8 tỷ đồng để ở được vay với lãi suất hợp lý.
Đề xuất này khá giống với mô hình gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng được đưa ra cách đây khoảng 10 năm trước, được triển khai từ 2013 đến năm 2016. Gói này có lãi suất cho người vay mua nhà vay ở mức chỉ 5 - 6%/năm, với các điều kiện lúc đó là mua nhà ở thương mại, nhà ở xã hội có diện tích dưới 70m2, giá dưới 15 triệu đồng/m2, tức một căn hộ khoảng 1 tỷ đồng.
Rất nhiều người có thu nhập trung bình và thấp thời điểm đó đã tiếp cận được với gói vay này và thực hiện được ước mơ mua nhà ở tại các thành phố lớn. Các chuyên gia cũng nhận định, dù chỉ dành cho phân khúc nhà ở trung bình và thấp, nhưng gói hỗ trợ đã có độ lan tỏa lớn tới cả thị trường chung và thị trường nhà đất đã ấm dần lên từ đó. Vậy trong bối cảnh hiện nay, liệu một lần nữa, đề xuất này có phải là giải pháp hợp lý?
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa đề xuất Chính phủ bố trí nguồn vốn ngân sách cho người mua nhà dưới 1,8 tỷ đồng để ở được vay với lãi suất hợp lý. Ảnh minh họa.
Theo nhiều ý kiến, để thực thi được đề xuất trên cần phải tạo lập nguồn cung nhà ở có mức tiền này trước. Bởi giá căn hộ trung bình tại TP Hồ Chí Minh đã lên tới 65 triệu đồng/m2, còn Hà Nội là 49 triệu đồng/m2. Việc tìm mua một căn hộ giá tiền 1,8 tỷ đồng vô cùng khó khăn.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho biết: "Mức giá 1,8 tỷ này là áp dụng cho cả nhà ở xã hội, nhà ở thương mại. Bởi vì trong hơn 7 năm vừa qua, các chủ đầu tư nhà ở xã hội chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi mà phải vay thương mại".
Giữa năm vừa qua, thị trường đã chứng kiến hàng loạt doanh nghiệp bất động sản lớn nhỏ đăng ký triển khai xây nhà ở xã hội tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, số lượng dự án khởi công tính đến thời điểm này lại khá khiêm tốn.
Các chuyên gia nhận định, căn hộ dưới 1,8 tỷ đồng nếu có nguồn cung dễ dàng xây tới đâu bán hết tới đó. Trên thực tế, trong các tháng vừa qua, dù thị trường chung khó khăn, phân khúc căn hộ, nhà ở hướng tới người mua ở thật không phải sản phẩm đầu cơ vẫn có giao dịch khá tốt.
Cái khó của thị trường hiện nay là làm thế nào để tạo ra các sản phẩm người mua - người bán có thể gặp được nhau. Bởi vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu các căn hộ dưới 1,8 tỷ đồng được xây dựng, cộng với lãi suất ưu đãi được áp dụng, có thể tạo nên cú hích cho thị trường, giống như từng diễn ra như 10 năm trước.
Thực tế, các khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính, pháp lý, hay giải phóng mặt bằng… của thị trường bất động sản đã tồn tại nhiều năm qua. Với sự chỉ đạo mạnh mẽ từ Chính phủ và động thái tích cực từ phía các bộ ngành, địa phương, các doanh nghiệp bất động sản đang kỳ vọng, các giải pháp tháo gỡ vướng mắc cụ thể sẽ sớm được đưa ra từ đầu năm 2023, từ đó giúp khơi thông thị trường này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo