Thị trường

Cam Hà Giang tăng giá 3 lần nhờ bán hàng trực tuyến

DNVN - Bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) dẫn thông tin từ Sở Công Thương Hà Giang cho hay, cam - loại quả chủ lực của tỉnh này đã tăng giá 3 lần do áp dụng hình thức livestream và bán hàng qua mạng. Nhờ đó, doanh nghiệp không cần mang hàng xuống Hà Nội như mọi năm mà đã đến tận nơi để thu mua.

Trái cây độc, lạ tại miền Tây hút khách trước Tết nguyên Đán / Quảng Bình: Tour 'Chinh phục Sơn Đoòng' với 1000 suất đã kín khách trong năm 2022

Tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Công Thương tổ chức chiều 12/1, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã thông tin về tình hình phát triển ngành công thương năm 2021, trong đó nhấn mạnh đến một số thành tựu của thị trường trong nước.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, đợt dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát với tốc độ lây lan chưa từng có tại nhiều địa phương, gây ra nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa tiêu dùng trong nước. Mặc dù vậy, ngành công thương đã cơ bản đảm bảo được cân đối cung cầu, đặc biệt là cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu trong vùng dịch.
Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 3.950.900 tỷ đồng, chiếm 82,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ - tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước.
Thương mại điện tử đã trở thành phương thức phân phối chủ yếu, an toàn qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT), góp phần duy trì chuỗi cung ứng và chuỗi lưu thông trong và ngoài nước, hỗ trợ tiêu thụ hiệu quả hàng chục triệu tấn nông sản cho người nông dân và doanh nghiệp.
Với doanh thu TMĐT đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ, Việt Nam thuộc nhóm 3 quốc gia có tốc độ wang trưởng về thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Đánh giá vai trò của thị trường nội địa trong tiêu thụ nông sản, bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, thị trường nội địa với 100 triệu dân là mảng thị trường quan trọng để tiêu thụ nông sản trong giai đoạn khó khăn.

Theo Bộ Công Thương, chính quyền địa phương có vai trò quan trọng trong tiêu thụ nông sản.
Cả nước đã có hơn 12 năm triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Trong đó có nhiều hàng hoá, bao gồm nông sản chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm đã vào được các kênh khó tính nhất tại thị trường trong nước. Thị trường trong nước đã tổ chức được một mạng lưới tiêu thụ hàng hoá, kể cả trong bối cảnh khó khăn nhất như bão lụt, thiên tai hay hàng hoá từ biên giới quay lại nội địa do dịch bệnh. Nông sản cũng được đưa vào chương trình bình ổn thị trường được triển khai trên phạm vi toàn quốc.
“Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã trực tiếp tham gia các cuộc kết nối cung cầu không chỉ trong nước mà còn với các thương vụ trên thế giới để tiêu thụ nông sản. Nhờ đó, hơn 300.000 tấn vải thiều, hơn 100.000 tấn nhãn, hơn 4 triệu tấn gạo, nông sản, rau củ quả, hàng trăm triệu quả trứng đã được tiêu thụ… từ tháng 8 đến 31/12/2021. Mạng lưới tiêu thụ nông sản thực sự là bệ đỡ cho doanh nghiệp trong giai đoạn gặp khó khăn hoặc việc lưu thông giữa các vùng miền gặp khó khăn”, bà Lê Việt Nga thông tin.
Nhấn mạnh vai trò của địa phương cũng như hình thức kinh doanh trực tuyến đối với nông sản, bà Lê Việt Nga cho biết, ngày 11/1 vừa qua, Sở Công Thương Hà Giang đã báo tin vụ năm nay, sản phẩm cam đã tăng giá 3 lần do áp dụng bán hàng qua mạng, livestream.
"Nhờ vậy, doanh nghiệp không cần mang hàng xuống Hà Nội bán như mọi năm mà doanh nghiệp đã đến tận nơi để mua. Hoặc Hưng Yên – một trong những vựa nông sản sát với Hà Nội đã tiêu thụ hết nông sản của tỉnh với giá ổn định. Trong đó nhãn lồng và cam rất được giá", bà Nga chia sẻ.
Theo đánh giá của bà Nga, với bất cứ địa phương nào, nếu quan tâm hỗ trợ nông dân tìm kiếm thị trường thì ắt sẽ rất thành công trong tiêu thụ hàng hoá. Chúng ta cần tiêu thụ hàng nông sản theo cách văn minh, bài bản, khoa học, bắt kịp theo xu hướng thế giới.
Được biết, để kịp thời thích ứng linh hoạt với tình hình dịch bệnh COVID-19, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành phương án tiêu thụ cam theo từng cấp độ dịch bệnh. Chỉ đạo các sở, ngành, địa phương vào cuộc một cách quyết liệt, chung tay cùng nông dân tiêu thụ sản phẩm cam. Trong đó, thực hiện đồng thời phương thức xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm bằng hình thức truyền thống và trên nền tảng công nghệ số. UBND tỉnh còn ban hành nhiều kế hoạch để định hướng cho các hoạt động xúc tiến thương mại, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cam trong việc nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Về giải pháp phát triển thị trường nội địa năm 2022, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, ngành sẽ đẩy mạnh phát triển thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả khu vực thị trường gần 100 triệu dân với sự gia tăng cao của tầng lớp trung lưu. Phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước để kết nối giữa sản xuất với thị trường, thực hiện nhất quán quản lý chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước bằng các quy định, tiêu chuẩn phù hợp với thông lệ quốc tế; ưu tiên phát triển chuỗi cung ứng các mặt hàng nông sản, thực phẩm.
Đẩy mạnh phát triển TMĐT để khai thác có hiệu quả hơn sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế. Tăng cường hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, cạnh tranh không bình đẳng, phòng vệ thương mại... đảm bảo môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho doanh nghiệp.
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm