Chính sách giãn nợ, giảm lãi suất cho vay bắt đầu 'ngấm'
Quý I/2020, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt hơn 115 tỷ USD / Hải quan tìm giải pháp để khơi thông ách tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới Trung Quốc
Theo thống kê chưa đầy đủ, sau 2 tuần kể từ khi Thông tư 01 ban hành, chỉ tính riêng ngân hàng có quy mô lớn đã có khoảng 100.000 tỷ đồng được giảm lãi suất.
100.000 tỷ đồng đã được giải ngân
Ông Nguyễn Đình Vinh, Phó tổng giám đốc Vietinbank, cho biết đến thời điểm hiện nay, Vietinbank nhận được đề nghị hỗ trợ từ khoảng 115 khách hàng bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, với quy mô dư nợ lên đến gần 16.000 tỷ đồng. “Giai đoạn vừa qua, chúng tôi đã giải ngân cho gần 550 khách hàng với quy mô dư nợ gần 11.000 tỷ đồng”, ông Vinh cho biết.
Theo báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn hệ thống Vietcombank được tổ chức ngày 30/3, hiện tổng số dư nợ các ngành/lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được Vietcombank hỗ trợ, ưu đãi lãi suất thấp hơn 0,5% - 1,5% lên tới trên 112.700 tỷ đồng.
Từ ngày 23/1/2020 đến nay, Vietcombank đã thực hiện giải ngân hơn 41.200 tỷ đồng góp phần hỗ trợ đáng kể cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và cân đối dòng tiền.
Chẳng hạn, riêng Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) có 7.000 tỷ đồng được giảm lãi, đồng thời hạn mức cho vay mới tăng thêm 6.000 tỷ đồng, với lãi suất thấp.
Vietcombank cho biết, đến nay, tổng dư nợ của các khách hàng gặp khó khăn tạm thời do bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được ngân hàng này giữ nguyên nhóm nợ từ đầu năm đến nay trên 8.200 tỷ đồng. Trong thời gian tới, nhiều trường hợp trong tổng số hơn 50.000 tỷ đồng dư nợ cho vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ được Vietcombank xem xét cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định.
Ông Lê Minh Châu, Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV, chia sẻ đối với TKV, gói hỗ trợ của Vietcombank vô cùng ý nghĩa, giúp Tập đoàn vượt qua khó khăn dịch bệnh và gần 10 vạn người lao động ổn định, yên tâm làm việc.
Tuy nhiên, theo bà Bùi Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Sungroup, ngoài việc giảm lãi vay, điều được các doanh nghiệp đánh giá thiết thực đó là chính sách giãn nợ cho doanh nghiệp. “Ngoài câu chuyện giảm lãi vay thì quan trọng hơn là câu chuyện tái cấu trúc lại khoản vay giúp doanh nghiệp giãn thời gian trả nợ do dòng tiền bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19”, bà Hương cho hay.
Theo các chuyên gia, chương trình giải ngân tín dụng 285.000 tỷ đồng mà ngành ngân hàng đang triển khai nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp không phải từ nguồn ngân sách nhà nước mà từ nguồn vốn huy động trong dân cư và sắp xếp để cho vay, giãn nợ cho doanh nghiệp. Vì vậy, đây là nỗ lực lớn của các ngân hàng.
Thống kê chỉ tính riêng các ngân hàng có quy mô lớn đãcó khoảng 100.000 tỷ đồng được giảm lãi suất "đến tay" các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Tăng thêm trách nhiệm "cứu" doanh nghiệp
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dịch bệnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, tiếp tục ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân trong thời gian tới. Nhiệm vụ phòng, chống và khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch là rất cấp bách.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, ngày 31/3/2020, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19.
Trong đó, yêu cầu đối với các đơn vị tại NHNN Trung ương thường xuyên nghiên cứu, dự báo, đánh giá tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế; bám sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để cập nhật, điều chỉnh các kịch bản điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng phù hợp; chủ động điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, điều tiết nghiệp vụ thị trường mở với kỳ hạn, khối lượng, lãi suất hợp lý và chuẩn bị các phương án hỗ trợ khi cần thiết để đảm bảo thanh khoản thị trường thông suốt, cung ứng vốn kịp thời, giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.
Chỉ thị yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động rà soát, cắt giảm các chi phí hoạt động, đặc biệt là chi lương, thưởng, kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính phù hợp với thực tế trước khi tổ chức đại hội cổ đông, trước mắt không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới.
Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, đại diện một ngân hàng thương mại cho hay, Chỉ thị 02 vừa được NHNN ban hành sẽ tăng thêm trách nhiệm “cứu” doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của các ngân hàng. Bởi vậy, các ngân hàng đang cấp bách lên kế hoạch “ứng cứu”.
“Ngân hàng chủ động tự cân đối, tính toán khoanh, giãn, hoãn nợ, giảm phí trên tinh thần tự lực. Đồng thời, đẩy mạnh tiết kiệm chi phí, nhất là chi phí quản lý hành chính để không ảnh hưởng sâu tới kế hoạch tài chính, nhất là kế hoạch lợi nhuận”, đại diện một ngân hàng cho hay.
"Chỉ đạo các tổ chức tín dụngtập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh; thường xuyên theo dõi, đánh giá diễn biến và tác động của dịch bệnh đối với khả năng tăng trưởng tín dụng toàn ngành để xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng đối với cáctổ chức tín dụngnhằm đáp ứng đầy đủ kịp thời vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, nhất là các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn tiếp tục vay mới khôi phục sản xuất; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro".
Chỉ thị số 02/CT-NHNN về các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mạng 5G đã sẵn sàng, hướng đi nào để doanh nghiệp viễn thông 'đánh thức' tiềm năng thị trường?
Giá xăng giảm gần 500 đồng/lít
Vụ phát hiện giá đỗ độc hại dùng chất cấm gây não úng thủy, dị tật bẩm sinh: Một cơ sở khai bán cho siêu thị Bách Hóa Xanh 350-400kg/ngày
Lượt cài đặt ứng dụng mua sắm trên toàn cầu tăng mạnh
Hỗ trợ vốn khởi nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ
Giá ngoại tệ ngày 27/12/2024: Đồng USD giảm giá