Chính sách thuế TNDN hỗ trợ DN nhỏ và siêu nhỏ: Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế
DNVN - Nghiên cứu kinh nghiệm các nước cho thấy, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ đồng thời giảm chi phí tuân thủ, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc thực hiện các nghĩa vụ về thuế, phần lớn các nước áp dụng các phương thức xác định nghĩa vụ thuế đơn giản cho đối tượng doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ...
6 tháng đầu năm 2019: Cán cân thương mại của khối DN FDI thặng dư 15,04 tỷ USD / Chưa có thể chế rõ ràng về liên kết vùng với cơ chế điều phối đủ mạnh
Theo Báo cáo kinh nghiệm quốc tế về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) nhằm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ của Bộ Tài chính, để cung cấp các thông tin, luận cứ cho việc xây dựng dự thảo Nghị quyết về một số chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) nhằm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, Bộ Tài chính tập trung vào các nội dung liên quan đến: thuế suất thuế TNDN đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ; và phương pháp tính thuế theo tỷ lệ cho doanh nghiệp siêu nhỏ.
Về thuế suất thuế TNDN đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ
Doanh nghiệp có quy mô nhỏ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Ở nhiều quốc gia, doanh nghiệp có quy mô nhỏ đều chiếm tỷ lệ cao trong tổng số doanh nghiệp (97%-99%) và được xác định là “động lực tăng trưởng”, là “xương sống” của nền kinh tế. Ở những quốc gia đã phát triển như Mỹ, Nhật Bản, các nước khu vực châu Âu, Thái Lan, Trung Quốc... đều coi trọng khu vực doanh nghiệp có quy mô nhỏ.
Với vai trò đó, công tác hỗ trợ doanh nghiệp có quy mô nhỏ được xem như một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách phát triển của các quốc gia. Do đó các nước đã ban hành nhiều biện pháp hỗ trợ khác nhau áp dụng cho doanh nghiệp có quy mô nhỏ.
Mức độ hỗ trợ doanh nghiệp có quy mô nhỏ được nhiều nước áp dụng thông qua các phương diện khác nhau nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Trong đó tập trung vào các chính sách như: tín dụng ưu đãi, bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp có quy mô nhỏ huy động vốn trên thị trường tài chính, miễn hoặc giảm thuế nhằm thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ đổi mới khoa học công nghệ...
Ngoài ra, trong các giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, các nước cũng thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ khẩn cấp thông qua các gói kích thích kinh tế, thực hiện giảm và giãn thuế cho doanh nghiệp có quy mô nhỏ nhằm giúp cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất.
Tham khảo một số nước có số lượng doanh nghiệp có quy mô nhỏ chiếm đa số trong nền kinh tế như Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore thấy rằng các nước này rất quan tâm đến sự phát triển của các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, theo đó các quốc gia đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ phát triển cho loại hình doanh nghiệp này, trong đó chính sách ưu đãi về thuế đóng vai trò quan trọng.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy đến nay hầu hết các quốc gia đều chưa có một định nghĩa hoặc tiêu chí thống nhất để xác định doanh nghiệp có quy mô nhỏ, song điểm chung là đều xác định doanh nghiệp có quy mô nhỏ dựa trên một số tiêu chí phổ biến sau: Doanh số bán hàng; hoặc số lao động thường xuyên và không thường xuyên hàng năm; hoặc vốn hay giá trị tài sản của doanh nghiệp.
Ảnh minh họa.
Nhìn chung, mỗi quốc gia đều có một tiêu chí xác định doanh nghiệp có quy mô nhỏ riêng nhưng chủ yếu là dựa vào tiêu chí doanh thu, lao động và vốn đầu tư hoặc giá trị tài sản. Trong đó có nhiều nước sử dụng đồng thời 02 tiêu chí trở lên để xác định doanh nghiệp có quy mô nhỏ.
Ví dụ: Pháp sử dụng tiêu chí doanh thu và thu nhập, Hà Lan sử dụng tiêu chí doanh thu và lao động, Trung Quốc sử dụng tiêu chí lao động, doanh thu và tổng tài sản, Thái Lan và In-đô-nê-xi-a sử dụng tiêu chí tài sản và lao động. Một số nước khác sử dụng một trong hai tiêu chí doanh thu hoặc số lao động như Malaysia, Mỹ... Các tiêu chí này được chính phủ các nước sử dụng để áp dụng các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, riêng đối với chính sách ưu đãi thuế thì các nước thường sử dụng tiêu chí doanh thu hoặc thu nhập chịu thuế (doanh thu hoặc thu nhập chịu thuế ở mức thấp thì được miễn, giảm hoặc áp dụng mức thuế suất thấp hơn).
Cụ thể, chính sách ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ ở một số nước như sau:
Ở Thái Lan, mức thuế suất thuế TNDN phổ thông là 20% nhưng các doanh nghiệp có quy mô nhỏ cũng được áp dụng thuế suất ưu đãi ở mức thấp hơn. Theo đó, các doanh nghiệp có quy mô nhỏ có thu nhập chịu thuế từ 300.000 bạt trở xuống được miễn thuế, từ 300.001 - 3.000.000 bạt được áp dụng mức thuế suất 15% và trên 3.000.000 bạt áp dụng mức thuế suất phổ thông 20%.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2016 - 2017, để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp có quy mô nhỏ, Thái Lan thực hiện ưu đãi nhiều hơn đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ như sau:
Từ 01/01/2016 - 31/12/2016: Miễn thuế hoàn toàn cho doanh nghiệp có quy mô nhỏ.
Từ 01/01/2017 - 31/12/2017: Doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế từ 300.000 bạt trở xuống được miễn thuế; doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế lớn hơn 300.000 bạt được áp dụng thuế suất 10%.
Để được ưu đãi thuế trong giai đoạn 2016-2017 như trên, các doanh nghiệp có quy mô nhỏ phải đáp ứng các điều kiện sau: Vốn góp tại thời điểm cuối của bất kỳ kỳ kế toán nào không vượt 5 triệu bạt; Thu nhập từ việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ của bất kỳ kỳ kế toán nào không vượt 30 triệu bạt; Doanh nghiệp được thành lập trước ngày 01/01/2016.
Ở Indonesia: Thuế suất thuế TNDN phổ thông là 25%. Doanh nghiệp có doanh thu nhỏ hơn 4,8 tỷ rupi được áp dụng mức thuế suất 1% tính trên doanh thu năm. Doanh nghiệp có doanh thu từ 4,8 tỷ rupi đến 50 tỷ rupi được áp dụng mức thuế suất 12,5% đối với phần thu nhập chịu thuế tương ứng với mức doanh thu 4,8 tỷ rupi (giảm 50% so với mức thuế suất phổ thông - thuế suất phổ thông là 25%). Từ 01/7/2018, thuế suất thuế TNDN đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ giảm từ 1% xuống còn 0,5% theo Quy định số 23/2018 của Chính phủ.
Tại Singapore: Thuế suất phổ thông thuế TNDN hiện hành là 17% nhưng đối với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, mức thuế suất áp dụng thấp hơn, cụ thể: 0% đối với thu nhập tính thuế không quá 100.000 S$; 8,5% đối với thu nhập tính thuế từ trên 100.000 S$ đến không quá 300.000 S$; Doanh nghiệp có thu nhập tính thuế vượt quá 300.000 S$ thì áp dụng mức thuế suất phổ thông là 17%.
Ở Trung Quốc: Ngày 17/01/2019, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành Thông tư số 13 về chính sách thuế nhằm mục đích giảm bớt gánh nặng thuế cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ áp dụng từ 01/01/2019-31/12/2021. Theo đó, tiêu chí về doanh nghiệp nhỏ và lợi nhuận thấp đã được mở rộng hơn để nhiều doanh nghiệp có thể hưởng mức thuế suất ưu đãi, qua đó hơn 95% doanh nghiệp ở Trung Quốc phù hợp với tiêu chí mới (Một doanh nghiệp muốn được ưu đãi thì phải đáp ứng cả 03 tiêu chí này):
Mức thuế suất thuế TNDN phổ thông ở Trung Quốc là 25%. Trước đây, mức thuế suất thuế TNDN ưu đãi là 10% đối với doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế hàng năm lên tới 1 triệu Nhân dân tệ. Hiện nay, các doanh nghiệp đủ điều kiện sẽ chỉ phải nộp thuế ở mức 5% đối với 1 triệu nhân dân tệ thu nhập tính thuế đầu tiên và 10% cho 2 triệu nhân dân tệ thu nhập tính thuế tiếp theo.
Một số quốc gia như Hàn Quốc, Hà Lan, Brazil… không có quy định về mức thuế suất thuế TNDN phổ thông cũng như mức thuế ưu đãi đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Tuy nhiên, ở các quốc gia này, thuế TNDN được đánh lũy tiến với các mức thuế suất cao hơn áp dụng đối với phần thu nhập chịu thuế ở mức cao: Hàn Quốc áp dụng mức thuế suất 10% đối với 200 triệu Won chịu thuế đầu tiên, 20% đối với phần thu nhập chịu thuế từ 200 triệu Won đến 20 tỷ Won, 22% đối với phần thu nhập chịu thuế trên 20 tỷ Won.
Trong khi đó, Hà Lan áp dụng thuế suất 20% đối với 200.000 EUR thu nhập chịu thuế đầu tiên, 25% đối với phần thu nhập chịu thuế vượt 200.000 EURO. Brazil áp dụng thuế suất 15% đối với 240.000 ry-an thu nhập chịu thuế đầu tiên, 25% đối với phần thu nhập chịu thuế vượt 240.000 ry-an. Riêng ở Malaysia có quy định mức thuế suất phổ thông là 24%; tuy nhiên doanh nghiệp thường trú có vốn góp từ 2,5 triệu ring-git trở xuống được áp dụng mức thuế suất 19% đối với 500.000 ring-git thu nhập chịu thuế đầu tiên, 24% đối với phần thu nhập chịu thuế vượt 500.000 ring-git.
Phương pháp tính thuế theo tỷ lệ cho doanh nghiệp siêu nhỏ
Theo Bộ Tài chính, nghiên cứu kinh nghiệm các nước cho thấy, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ đồng thời giảm chi phí tuân thủ, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc thực hiện các nghĩa vụ về thuế, phần lớn các nước áp dụng các phương thức xác định nghĩa vụ thuế đơn giản cho đối tượng doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, bao gồm: phương thức tính thuế đơn giản (thuế suất áp dụng đối với doanh thu, thuế khoán...); yêu cầu về chế độ khai thuế và báo cáo thuế đơn giản và miễn một số loại thuế hoặc miễn tất cả các loại thuế.
Cụ thể các phương thức như sau:
Thứ nhất, áp dụng một mức thuế suất đơn nhất tính trên tổng doanh thu của các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
Ở Indonesia: Vào ngày 12/6/2013, Chính phủ đã ban hành quy định số 46/2013, theo đó nghĩa vụ thuế của đối tượng nộp thuế là cá nhân và doanh nghiệp (ngoại trừ các doanh nghiệp có cơ sở trường trú vĩnh viễn) có tổng doanh thu dưới 4,8 tỷ Rp/năm phải chịu mức thuế suất là 1% trên tổng doanh thu hàng tháng. Quy định trên có hiệu lực từ 1/7/2013 cho đến nay.
Tại Pháp, mức thuế suất phổ thông thuế TNDN (33,33%) cũng được áp dụng cho các loại hình doanh nghiệp nhỏ, tuy nhiên mức thuế suất này được áp dụng trên một tỷ lệ nhất định của doanh thu của các doanh nghiệp nhỏ. Cụ thể, đối với doanh nghiệp nhỏ hoạt động trong lĩnh vực bán hàng hóa có doanh thu thấp hơn 82.200 Euro/năm thì được miễn thuế GTGT và nộp thuế theo mức thuế suất thuế TNDN phổ thông trên 29% doanh thu hàng năm. Đối với doanh nghiệp nhỏ hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ có doanh thu thấp hơn 32.900 Euro được miễn thuế GTGT và nộp thuế theo mức thuế suất thuế TNDN phổ thông trên 50% doanh thu hàng năm.
Tại Ý, đối với doanh nghiệp nhỏ do cá nhân làm chủ có doanh thu dưới 40.000 Euro/năm, mức thuế suất áp dụng là 15% trên doanh thu hàng năm.
Thứ hai, áp dụng mức thuế khoán đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Thuế khoán là hình thức các doanh nghiệp phải nộp một mức tiền thuế cố định hàng tháng hoặc hàng năm (thay thế thuế TNDN) cho cơ quan thuế. Thuế khoán phần lớn được xác định dựa trên căn cứ doanh thu hàng năm của doanh nghiệp (Pháp, Ý, Brazil...). Ưu điểm của phương thức này là tính đơn giản, giảm chi phí tuân thủ và chi phí quản lý thuế. Nhược điểm là trong một số trường hợp gây ra gánh nặng thuế lớn đối với doanh nghiệp có doanh thu thấp, đặc biệt khi các doanh nghiệp có sự cạnh tranh về quy mô vốn khác nhau. Do đó hình thức này chủ yếu áp dụng đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ và các doanh nghiệp do cá nhân tự làm chủ vì chi phí tuân thủ thấp.
Tại Brazil, hình thức thuế khoán theo chế độ thuế cá nhân vi mô (Microempreendedor Individual) chủ yếu áp dụng đối với các cá nhân tự làm chủ một doanh nghiệp nhỏ, thuê tối đa một nhân viên (nhân viên này được trả lương ở mức tối thiểu) và có doanh thu ít hơn 60 triệu BRL/năm thì doanh nghiệp đó được miễn các loại thuế liên bang như thuế TNDN (vẫn phải đóng thuế bang) và phải trả mức thuế khoán cố định hàng tháng nhằm thực hiện công tác đóng góp xã hội... Mức thuế khoán được quy định cụ thể như sau: 40,4 BRL/tháng đối với lĩnh vực thương mại và công nghiệp; 44,4 BRL/tháng đối với lĩnh vực dịch vụ và 45,4 BRL/tháng đối với lĩnh vực thương mại và dịch vụ.
Ngoài ra, Brazil cũng áp dụng biểu thuế suất lũy tiến tính trên tiêu chí doanh thu của các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ ở các ngành nghề và lĩnh vực khác nhau. Cụ thể, các doanh nghiệp có tổng doanh thu tối đa đạt 3,6 tỷ BRL có thể chọn áp dụng chế độ thuế đơn giản (Simple Nacional), theo đó áp dụng mức thuế suất lũy tiến cho từng lĩnh vực. Ví dụ đối với lĩnh vực thương mại: áp dụng mức thuế suất 4% đối với doanh nghiệp có doanh thu ít hơn 180.000 BRL; 11,61% đối với doanh nghiệp có doanh thu đạt 3,4 – 3,6 triệu BRL. Tuy nhiên, theo chế độ thuế đơn giản, các doanh nghiệp được yêu cầu chỉ cần nộp một tờ khai thuế hàng năm duy nhất thay cho việc trước đây phải nộp nhiều tờ khai thuế. Các doanh nghiệp không cần phải giữ các sổ sách kế toán truyền thống mà chỉ cần lưu giữ các báo cáo thuế theo quy định.
Tại Hunggary, quốc gia này áp dụng hai chế độ thuế đơn giản: Thuế dựa trên tiền mặt lưu thông (thay cho thuế TNDN, khoản đóng góp xã hội và đóng góp đào tạo nghề); Thuế khoán đối với cá nhân tự làm chủ một doanh nghiệp nhỏ. Cụ thể:
Theo chế độ thuế dựa trên tiền mặt lưu thông thì mức thuế suất đơn nhất áp dụng là 16% tính trên doanh thu, cụ thể là áp dụng đối với các doanh nghiệp có dưới 25 nhân viên và doanh thu năm trước liền kề đạt thấp hơn 500 triệu HUF.
Theo chế độ thuế khoán thì những doanh nghiệp làm toàn thời gian đăng ký là doanh nghiệp nhỏ phải trả mức thuế khoán cố định là 50.000 HUF/tháng, tuy nhiên các doanh nghiệp này có thể lựa chọn trả mức thuế khoán là 75.000 HUF/tháng nhằm có được các dịch vụ an sinh xã hội cao hơn. Còn những doanh nghiệp làm bán thời gian (36 giờ 1 tuần) phải trả mức thuế khoán cố định là 25.000 HUF/tháng. Quy định về mức thuế khoán áp dụng đối với các doanh nghiệp có doanh thu tối đa là 6 triệu HUF. Nếu doanh nghiệp có doanh thu vượt quá 6 triệu HUF thì phải trả số thuế ở mức 40% đối với phần doanh thu vượt quá 6 triệu HUF.
Tại Pháp, đối với doanh nghiệp siêu nhỏ do một cá nhân làm chủ, số thuế khoán phải nộp hàng tháng được tính theo tỷ lệ % áp dụng trên tổng doanh thu hàng tháng và tùy thuộc vào ngành, lĩnh vực. Cụ thể: 1% đối với doanh thu từ bán hàng hóa; 1,7% đối với doanh thu từ cung cấp dịch vụ; 2,2% đối với doanh thu từ cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp.
Thứ ba, đơn giản hóa các yêu cầu liên quan đến việc nộp thuế (xét theo tiêu chí doanh thu) của các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ
Đức miễn yêu cầu các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ giữ sổ sách kế toán cho mục đích thuế nếu các doanh nghiệp này có doanh thu dưới 500.000 Euro/năm. Tại Ấn Độ, chỉ có các doanh nghiệp có thu nhập vượt quá 120.000 INR hoặc trong bất kỳ năm nào của 03 năm liền kề trước đó doanh nghiệp có thu nhập vượt quá 1 triệu INR thì mới phải duy trì sổ sách kế toán. Tại Chi lê, theo chế độ thuế đơn giản, đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ không cần phải giữ các báo cáo cân đối kế toán, tồn kho, khấu hao tài sản hoặc các thông tin về lợi nhuận chịu thuế; tuy nhiên các doanh nghiệp này vẫn phải giữ các hồ sơ đăng ký tiền mặt theo thời gian nếu phải nộp thuế GTGT, sổ cái về các giao dịch mua và bán.
Đơn giản việc nộp thuế của doanh nghiệp có quy mô nhỏ tại một số nước OECD
Nguồn: OECD (2015)
Trước đó ở Trung Quốc, vào ngày 11 tháng 7 năm 2018, Bộ Tài chính Trung Quốc và Cục thuế nhà nước (SAT) đã cùng đưa ra thông báo về việc tiếp tục mở rộng phạm vi áp dụng các chính sách thuế thu nhập ưu đãi đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, theo đó bắt buộc tăng gấp đôi ngưỡng thu nhập cho các doanh nghiệp nhỏ để được hưởng ưu đãi thuế TNDN. Cụ thể trong giai đoạn 2018-2020, ngưỡng thu nhập chịu thuế hàng năm của các doanh nghiệp nhỏ, có lợi nhuận thấp mà có đủ điều kiện hưởng ưu đãi thuế TNDN sẽ tăng từ 500 nghìn nhân dân tệ lên 01 triệu nhân dân tệ.
Để đủ điều kiện hưởng ưu đãi thì doanh nghiệp nhỏ, có lợi nhuận thấp không được hoạt động trong các lĩnh vực mà nhà nước cấm hoặc hạn chế và phải đáp ứng các tiêu chí sau:
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp không được có hơn 100 người lao động và giá trị tài sản không quá 30 triệu nhân dân tệ.
Các doanh nghiệp khác không được có hơn 80 người lao động và giá trị tài sản không quá 10 triệu nhân dân tệ
Đối với các doanh nghiệp nhỏ, lợi nhuận thấp đủ điều kiện thì thuế TNDN áp dụng cho 50% thu nhập chịu thuế thực tế và với mức thuế suất ưu đãi là 20% (mức thuế suất thuế TNDN phổ thông của Trung Quốc là 25%).
Minh Thu (Tổng hợp)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cam kết những giá trị bền vững dẫn lối cho sự phát triển của Masterise
Giá ngoại tệ ngày 25/12/2024: USD giữ đà tăng trong kỳ nghỉ lễ
Giá vàng trong nước ngày 25/12/2024: Duy trì ổn định bất chấp vàng thế giới tăng
Bước đệm cho tăng trưởng từ giảm 2% thuế VAT
Giá heo hơi ngày 25/12/2024: Miền Nam và miền Trung tiếp tục xu hướng tăng
Giá nông sản ngày 25/12/2024: Giá cà phê tăng nhẹ, hồ tiêu giữ vững mức cao
Cột tin quảng cáo