Thị trường

Lâm Đồng: Phát triển chuỗi liên kết để nâng cao giá trị nông sản

DNVN – Việc đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa người nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã được đưa ra nhằm khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, quản lý chất lượng, nâng cao giá trị của nông sản, tăng thu nhập cho người dân…

“Ngôi nhà chung” quảng bá thương hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” / Các loại hoa kiểng mini hút thị trường Đà Lạt

Ngày 23/7, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết vừa có quyết định phê duyệt Đề án liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2023. Theo đó, phấn đấu đến năm 2023, toàn tỉnh có 200 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản và 30% sản lượng nông sản chủ lực của tỉnh được tiêu thụ qua chuỗi.

Phát triển chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản Đà Lạt - Lâm Đồng là điều kiện sống còn của người nông dân (Ảnh: VH)

Tham gia chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản sẽ giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân (Ảnh: VH)

Trong đó, có 120 chuỗi cấp tỉnh, 80 chuỗi cấp huyện, xã; đảm bảo mỗi xã đều có tối thiểu một mô hình liên kết cho sản phẩm chủ lực. Tổng diện tích tham gia chuỗi liên kết đạt 50.000 ha, chiếm 18% diện tích đất canh tác; với sự tham gia của 32.000 hộ, khoảng 150 doanh nghiệp và 50 hợp tác xã.

Toàn bộ 100% sản phẩm của chuỗi được kiểm soát nguồn gốc, chất lượng và được sơ chế, chế biến; đối với rau các loại có tối thiểu 80% được sơ chế, 20% được chế biến bằng công nghệ hiện đại. Ban hành 30 bộ tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã, quy cách các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Tăng tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua hợp đồng lên 50% sản lượng nông sản toàn tỉnh, từ đó góp phần nâng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 220 triệu/ha/năm.

Mục tiêu của đề án là đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa người nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, để khắc phục tồn tại: Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, quản lý chất lượng và tiêu thụ sản phẩm nông sản khó khăn, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng của ngành nông nghiệp.

Nâng cao tỷ lệ sản phẩm sản xuất theo chuỗi giá trị, thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh đảm bảo quy mô hàng hóa, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, bền vững.

 

Được biết, hiện toàn tỉnh Lâm Đồng có 125 chuỗi giá trị với sự tham gia liên kết của 75 doanh nghiệp, 40 hợp tác xã, 42 tổ hợp tác và 13.140 hộ nông dân; trong đó, có 68 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ đã được các tổ chức trong nước và quốc tế chứng nhận về chất lượng sản phẩm trong tất cả các khâu từ sản xuất, sơ chế, chế biến, đóng gói… đến tiêu thụ sản phẩm.

Đa số các chuỗi liên kết quy mô nhỏ và chưa hình thành chuỗi theo từng vùng sản xuất tập trung; sản lượng nông sản tiêu thụ thông qua hợp đồng liên kết còn rất thấp, chưa đảm bảo được sự bền vững trong sản xuất kinh doanh.

Thị trường tiêu thụ nông sản còn bấp bênh, thiếu ổn định; phần lớn nông dân còn sản xuất tự phát, chạy theo thị trường. Hiện tượng trà trộn, giả thương hiệu nông sản Đà Lạt - Lâm Đồng để xuất bán, tiêu thụ chưa được ngăn chặn và xử lý triệt để; việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho các loại nông sản Lâm Đồng tuy đã được triển khai nhưng chưa có nhiều thương hiệu được chứng nhận, dẫn đến sức cạnh tranh của nông sản thấp, gây khó khăn cho việc tiêu thụ và xuất khẩu nông sản sang thị trường các nước.

Nông sản được sản xuất trên địa bàn tỉnh hướng đến xuất khẩu nhưng tỷ lệ sơ chế, chế biến đối với một số mặt hàng chủ lực của tỉnh còn thấp, chủ yếu xuất thô nên giá trị gia tăng thấp; rào cản kỹ thuật về bản quyền giống và công nghệ, dư lượng hóa chất, quy định về nhập khẩu… còn trở ngại trong sản xuất và tiếp cận các thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, việc liên kết sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh qua các doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp lớn), các hợp tác xã, tổ hợp tác và nhân dân còn yếu và thiếu, quy mô hạn chế...

 

Đặc biệt, nhiều nông sản là đặc sản, đặc trưng tạo nên thương hiệu của tỉnh đang mất dần lợi thế cạnh tranh do nhiều địa phương đầu tư công nghệ để sản xuất và nhập khẩu từ các nước trên thế giới…

VIÊN HỮU
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm