Chính sách

Áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc gia là yêu cầu bức thiết

DNVN - Chia sẻ tại Hội thảo khoa học “Thông tin truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm”, sáng 16/5, các đại biểu nhấn mạnh việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc gia, dưới sự quản lý của Bộ Công Thương là yêu cầu bức thiết.

Dữ liệu truy xuất nguồn gốc nông sản phân tán gây khó cho tiêu thụ / Truy xuất nguồn gốc: Doanh nghiệp cung cấp giải pháp lưu trữ riêng gây khó công tác quản lý

Theo ông Trần Minh Hùng - Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, hiện nay, việc truy xuất nguồn gốc đang bị phân tán do chưa kết nối, chia sẻ giữa các ngành, địa phương với nhau; các thông tin về truy xuất nguồn gốc chưa đáp ứng hoàn toàn.

Do đó, để bảo đảm kết nối tốt, cần áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc gia để triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc chung phù hợp tiêu chuẩn quốc gia gắn với chương trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học “Thông tin truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm”. Ảnh: Hà Anh.

Thống kê Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho thấy, chỉ trong năm 2022, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện gần 100.000 vụ việc vi phạm; trong đó có hơn 15.000 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; gần 83.000 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế; trên 1.800 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ. Khởi tố 380 vụ, với 472 đối tượng. Thu nộp ngân sách Nhà nước từ các vụ việc vi phạm 7.666 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, truy xuất nguồn gốc đang trở nên cần thiết trong xu thế tất yếu của thị trường. Nhu cầu minh bạch nguồn gốc, chất lượng sản phẩm hàng hóa được quan tâm nhiều hơn và trở thành tiêu chí bắt buộc trong xuất khẩu.

Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (Đề án 100) do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì triển khai vào năm 2019. Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 13/2022/NĐ-CP bổ sung quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa vào Nghị định số 74/2018/NĐ-CP.

Đánh giá về nhiệm vụ của hệ thống truy xuất nguồn gốc tập trung, ông Bùi Bá Chính, Phó Giám đốc phụ trách thông tin mã số mã vạch quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ khuyến nghị: Việc quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm tập trung trên cổng thông tin truy xuất nguồn gốc thuộc lĩnh vực Công Thương là đòi hỏi bức thiết.

Điều này sẽ giúp việc quản lý sản xuất hiệu quả trong toàn bộ chuỗi cung ứng, bảo đảm kiểm soát chất lượng sản phẩm từ khi nhập nguyên liệu đến khi xuất sản phẩm, từ đó bảo đảm tính an toàn, chất lượng và độ tin cậy của sản phẩm. Giúp phát hiện, ngăn chặn, phòng chống hàng giả và hàng nhái, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và đảm bảo sự công bằng trong hoạt động kinh doanh, phù hợp với chức năng quản lý sản phẩm hàng hóa lưu thông của ngành Công Thương.

Đồng thời, giúp quản lý và tối ưu hoá chuỗi cung ứng, tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị trong chuỗi cung ứng, cải thiện hiệu quả sản xuất, dễ đánh giá và tham mưu một cách chính xác cho Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô.

Tăng cường sự tin tưởng của người tiêu dùng, nâng cao vị thế, uy tín sản phẩm thương hiệu Việt, tăng sức cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế.


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm