Bộ Công Thương lên tiếng về thông tin nhập khẩu và giá xăng của Malaysia
DNVN - Ngay sau khi một số cơ quan báo chí đăng tải thông tin người dân Malaysia chỉ phải mua xăng RON95 với giá 13.000 đồng/lít và Malaysia muốn xuất khẩu xăng sang Việt Nam, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã lên tiếng làm rõ vấn đề này.
Siết chặt giám sát, phát hiện các dự án FDI đầu tư "chui" / Hầu hết doanh nghiệp chế xuất đã hoàn thiện điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan
Giá xăng Việt Nam tương đương Malaysia nếu bỏ thuế, phí
Trong ngày 2 và 3/6, một số cơ quan báo chí đăng tải thông tin "Giá chỉ 13.000 đồng/lít, Malaysia muốn xuất khẩu xăng sang Việt Nam", trong đó dẫn phát ngôn từ Đại sứ Việt Nam tại Malaysia. Về vấn đề này, Bộ Công Thương đang đề nghị Đại sứ Việt Nam tại Malaysia có thông tin báo cáo giải trình rõ thêm về những nội dung đã phát ngôn trên báo chí.
Theo thông tin được các báo đăng tải trong ngày 2 và 3/6, tại hội thảo “Xúc tiến xuất khẩu với thị trường Malaysia và các nước Hồi giáo” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức ngày 2/6, ông Trần Việt Thái - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Malaysia cho biết, Thương vụ Việt Nam tại Malaysia sẵn sàng hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp Việt nhập khẩu xăng dầu của Malaysia để ổn định thị trường trong nước.
Theo ông Thái, giá xăng tại Việt Nam là 31.573 đồng/lít, trong khi xăng RON 95 tại Malaysia được chính phủ hỗ trợ giá cho người dân là 13.000 đồng/lít.
Về vấn đề này, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: Trong cơ cấu giá xăng hiện nay của Việt Nam, các loại thuế, phí chiếm khoảng 30-32% (tương đương 10-11 nghìn đồng/lít). Như vậy, nếu không có thuế phí thì giá xăng của Việt Nam sẽ khoảng 20 nghìn đồng/lít (tương đương 0,86 USD/lít).
Malaysia là nước sản xuất xăng dầu lớn và xuất khẩu xăng dầu. Tại Malaysia, Nhà nước không đánh các loại thuế đối với xăng dầu tiêu thụ trong nước và đồng thời Chính phủ có chính sách trợ giá đối với xăng dầu tiêu thụ trong nước cho người dân. Hiện nay, Chính phủ Malaysia đang trợ giá 1,65 RM tương đương 0,4 USD cho mỗi lít xăng RON95 và 1,85 RM tương đương 0,45 USD cho mỗi lít dầu diesel.
Theo Bộ Công Thương, xăng RON 95 tại Malaysia được chính phủ hỗ trợ giá cho người dân là 13.000 đồng/lít.
Do đó, nếu không được Chính phủ trợ giá, giá xăng dầu của Malaysia sẽ tương đương giá xăng dầu tại Việt Nam nếu Việt Nam không đánh các loại thuế. Nếu không được trợ giá và vẫn không áp các loại thuế, giá xăng RON95 tại Malaysia hiện sẽ là 0,87 USD/lít, trong khi giá tại Việt Nam nếu bỏ các loại thuế phí là khoảng 0,86 USD/lít.
Chính sách trợ giá của Malaysia chỉ áp dụng cho người bản địa, ngay cả người nước ngoài tại Malaysia cũng phải mua xăng không được trợ giá nên xăng dầu xuất khẩu của Malaysia cũng được bán theo giá thị trường chung của khu vực. Chẳng hạn, tại Singapore, nước xuất khẩu xăng dầu lớn tại khu vực Châu Á, giá xăng dầu cũng đang ở mức khá cao, giá xăng RON95 của Singapore hiện ở mức 2,315 USD/lít (tương đương khoảng 54.000 đồng/lít).
Thời gian vừa qua, một số doanh nghiệp vẫn nhập khẩu xăng dầu từ thị trường Malaysia với mức giá tương đương như nhập khẩu từ các thị trường Châu Á như Singapore.
Hiện Bộ Công Thương đang đề nghị Đại sứ Việt Nam tại Malaysia có thông tin báo cáo giải trình rõ thêm về những nội dung đã phát ngôn trên báo chí.
Lo ngại hiệu ứng "domino"
Kể từ 15h ngày 1/6, giá xăng dầu tiếp tục được điều chỉnh tăng. Trong đó, mỗi lít xăng E5RON92 tăng hơn 600 đồng lên hơn 30.200 đồng, xăng RON95-III tăng hơn 920 đồng lên gần 31.580 đồng. Đây là lần thứ 5 liên tiếp giá xăng được điều chỉnh tăng.
Cùng ngày, khi Quốc hội thảo luận tại hội trường về kinh tế xã hội, nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại giá xăng dầu thời gian tới có thể tục tăng hoặc giữ mức cao, sẽ tác động lên lạm phát, ảnh hưởng thu nhập, chi tiêu của người dân. Giá xăng dầu tăng cao sẽ dẫn đến hiệu ứng "domino" với giá cả các mặt hàng khác.
Do đó, các đại biểu kiến nghị Chính phủ cần bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu với mức phù hợp để điều hành giá xăng dầu trong nước linh hoạt, góp phần ổn định thị trường, đáp ứng đủ nguồn cung xăng dầu trong nước. Đồng thời kiến nghị Chính phủ đề xuất với Quốc hội có chính sách tiếp tục giảm các loại thuế xăng dầu để bình ổn giá mặt hàng này.
Trong khi đó, trao đổi bên hành lang Quốc hội về động thái xăng tăng giá kỷ lục, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhìn nhận so với thế giới, giá xăng của Việt Nam vẫn thấp hơn nên đang có tình trạng “chảy xăng dầu ra nước ngoài”.
Người đứng đầu Bộ Công Thương cũng cho rằng, việc lo ngại tăng giá xăng, dầu làm tăng giá đầu vào vật tư, làm tăng chi phí sản xuất, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai chương trình phục hồi kinh tế - xã hội là không sai.
Tuy vậy, Bộ trưởng lý giải nền kinh tế của Việt Nam có độ mở rất cao nên hàng hóa làm ra chủ yếu xuất khẩu, nếu ép giá đầu vào thì giá thành sản phẩm không phản ánh đúng giá trị, vô hình trung gây thiệt hại cho nền kinh tế đất nước.
Trong trường hợp mà giá xăng dầu tăng quá cao, chúng ta phải dùng chính sách an sinh hỗ trợ cho đối tượng yếu thế, như vậy mới được “cả trong lẫn ngoài”.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo