Chính sách

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Cộng đồng doanh nghiệp đang dấn thân vào một hành trình thay đổi

DNVN - Cộng đồng doanh nghiệp đang dấn thân vào một hành trình thay đổi, vì một Việt Nam đến năm 2050 Việt Nam có nền nông nghiệp trách nhiệm, bền vững, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngành nông nghiệp phải hòa nhịp vào ngành công nghiệp 4.0 / Ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh tự chủ thức ăn chăn nuôi để giảm thiểu rủi ro

Trước thềm Xuân mới, Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) xoay quanh việc phát triển ngành nông nghiệp trong năm 2023.

Thưa ông, ngành nông nghiệp Việt Nam cần có những giải pháp quan trọng nào để tiếp nối thành công trong năm 2023, đặc biệt là không để xảy ra tình trạng được mùa rớt giá?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Như chúng ta đã biết, khó khăn và thách thức luôn bám theo nền nông nghiệp, đây là ngành rất nhạy cảm, bởi khi đã xuống giống rồi thì 3 tháng sau đối với hạt gạo, 6 tháng đối với cây trồng, cả năm đối với vật nuôi. Xuống giống rồi, đến mùa thu hoạch giá lên hay xuống cũng phải lệ thuộc, lúc được mùa lại rớt giá.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp đang dấn thân vào một hành trình thay đổi.

Để thoát khỏi chuyện “được mùa rớt giá", chỉ có cách chúng ta phải tổ chức lại sản xuất. Đó là mệnh lệnh. Nông nghiệp phải vượt qua tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát và phải kết nối thành chuỗi. Trong chuỗi này có sự hợp tác của những người hợp tác với nhau, sự hợp tác của cộng đồng doanh nghiệp, hình thành tư duy hợp tác và tư duy liên kết.

Nông dân là người bắt đầu quy trình sản xuất và là người bắt đầu chuỗi này. Nếu chúng ta không hình thành được chuỗi tổ chức ngành hàng sẽ không có thông tin và không thể chuyển tải thông tin về thị trường, mùa vụ, sản lượng, quy chuẩn thị trường đến người sản xuất. Vì thế, chỉ sản xuất theo thói quen hàng ngày, theo kiểu “đánh cược”. Cụ thể, các thông tin về giá lúa gạo, tình hình thị trường, rủi ro và thuận lợi trong thời gian tới... phải đến được với các hộ nông dân.

Cách nào để người nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp có thể chống chịu, vượt qua các "cú sốc" của thị trường, thưa ông?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Tôi hay nói với các chính quyền địa phương, không có cách nào khác người nông dân phải hợp tác với nhau. Những không gian như “Hội quán nông dân” ở Đồng Tháp, “Nông hội” ở Gia Lai, “Cà phê khuyến nông” của An Giang, “Ngôi nhà Trí tuệ” của Hà Tĩnh... sẽ là những mô hình mẫu để doanh nghiệp, người nông dân ngồi lại với nhau.

Trong không gian này, người dân được các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, chia sẻ thông tin. Từ đó dần hình thành các tổ chức kinh tế hợp tác. Không còn con đường nào khác, không nhìn kết quả ở con số tăng trưởng mà phải nhìn lại cách chúng ta tổ chức, vận hành một ngành hàng. Cái đó quyết định sự chống chịu, khả năng vượt qua các "cú sốc" của thị trường.


Mô hình “Cà phê khuyến nông” của An Giang đã gắn kết hiệu quả cán bộ địa phương với người nông dân.

Người nông dân có thông tin về các vấn đề rủi ro có thể xảy ra thì khả năng vượt qua rủi ro cao hơn. Ví dụ, khi ta xuất khẩu chính ngạch sầu riêng, thì giá sầu riêng tăng lên. Hiện nay có hiện tượng bà con nông dân đốn xoài để trồng sầu riêng. Đây là vấn đề lớn của ngành nông nghiệp, chúng ta quản lý, vận hành một nền kinh tế nông nghiệp trong cơ chế kinh tế thị trường. Ta có quyền quyết định không trồng sầu riêng nữa nhưng làm sao phải dự đoán được nhiều nhất về quy mô thị trường. Đừng chuyển rủi ro này sang một rủi ro khác.

Khi mở rộng không gian kinh tế hợp tác, ngành hàng sầu riêng, xoài, lúa gạo… có quy mô lớn hơn để chủ động được trong chế biến, bảo quản, tạo ra nhiều sản phẩm. Gặp thị trường bị đứt gãy, Nhà nước sẽ hỗ trợ qua một không gian chung chứ không thể có đủ nguồn lực để hỗ trợ cho từng hộ.

Xin ông chia sẻ giải pháp phát triển thị trường xuất khẩu nông sản Việt thời gian tới và vai trò của các bộ, ngành được cụ thể hóa thế nào?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang làm chương trình cho từng vùng nguyên liệu lớn cùng với các doanh nghiệp để xây dựng các nhà kho bảo quản, vì chúng ta không thể chắc chắn mỗi loại nông sản khi sản xuất ra đều sẽ có thị trường, sẽ tiêu thụ được ngay.

Thị trường không chỉ 1 người bán với 1 người mua, mà là "trăm người bán, vạn người mua". Ta xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc thì Thái Lan, Malaysia cũng xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, chúng ta xuất khẩu gạo thì Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ… cũng xuất khẩu gạo. Rất khó tiên lượng, minh định được tất cả sản lượng của thế giới. Vậy, cần làm tốt nhất được vấn đề thị trường, phần còn lại là phải chủ động ứng phó với sự thay đổi bằng sự hỗ trợ của Nhà nước.

Bộ NN&PTNT đã xây dựng được 6 vùng nguyên liệu: Đồng bằng sông Cửu Long cho lúa gạo, Tây Nguyên về cà phê, cây ăn quả khác… Các vùng nguyên liệu này vừa mang tính chất đối phó với thị trường, vừa chế biến sâu để phát triển lâu dài thay cho xuất khẩu nông sản thô.

Vì vậy, vừa phải mở rộng thị trường trong nước và ngoài nước, trong đó ở thị trường ngoài nước cần đàm phán mở ra không gian thị trường, để cầu tăng kéo theo cung tăng và ngược lại.

Vai trò của Bộ NN&PTNT cùng với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao là phải kiến tạo ra thị trường, đồng thời hỗ trợ nông dân thông qua các tổ chức nông dân là hợp tác xã để không chỉ giải quyết vấn đề thị trường mà còn nâng cao chuỗi giá trị nông sản, chế biến tinh, đa dạng hóa sản phẩm hơn. Lúc đó giá trị thặng dư, giá trị gia tăng mới tăng cao hơn bán nông sản thô. Nông dân cũng sẽ đỡ sức ép mùa vụ, đỡ sức ép thị trường.

Ông đánh giá thế nào về vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong chiến lược phát triển nông thôn và chương trình nông thôn mới?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Cộng đồng doanh nghiệp đang dấn thân vào một hành trình thay đổi, vì Thủ tướng và các lãnh đạo Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26 ) đến năm 2050 Việt Nam có nền nông nghiệp trách nhiệm, bền vững, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tham gia vào hệ thống cung ứng lương thực, thực phẩm toàn cầu.

Những thông điệp này phải được chuyển hóa bằng những hành động cụ thể. Mọi quyết tâm chính trị phải được chuyển hóa, thể hiện bằng trách nhiệm của người sản xuất, của nông dân, ngư dân và doanh nghiệp.

Tôi tin tưởng Việt Nam có thể chuyển đổi, bởi từ trước đến nay chúng ta chỉ xuất khẩu thô. Ví vụ, nói riêng quả thanh long, chúng ta còn rất nhiều dư địa để bảo quản, chế biến sâu trước khi đưa ra nước ngoài.

Vấn đề là doanh nghiệp phải dấn thân hơn nữa. Chúng tôi đang trình Chính phủ các chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp mạnh dạn thay đổi chứ không thể chỉ mua đi bán lại. Tất nhiên, mua đi bán lại để tìm kiếm thị trường xuất khẩu cũng tạo ra được giá trị, nhưng chỉ khi nào đẩy mạnh chế biến lúc đó giá trị mới cao hơn, lúc đó mới đỡ rủi ro hơn.

Trong thời gian vừa qua đã có Đồng Giao và một số tập đoàn chế biến, đa dạng hóa sản phẩm. Nhưng cần không gian nhỏ hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể làm được, hợp tác xã có thể đảm nhận công đoạn nào đó trong quy trình chế biến, thay vì đa phần các hợp tác xã của ta thực chất cũng chỉ là những đơn vị thu mua nông sản để bán cho thương lái và doanh nghiệp.

Bản thân hợp tác xã phải đủ mạnh, liên kết nhiều hợp tác xã trong một huyện để có hợp tác xã chuyên về bảo quản, chuyên về sơ chế, chuyên về chế biến, chuyên về cung cấp các thiết bị, nông cụ dùng chung cho nhiều hợp tác xã khác.

Bộ NN&PTNT đang triển khai chương trình để hỗ trợ hợp tác xã nhưng hợp tác xã phải hoạt động đúng nghĩa, tập hợp được nhiều người sản xuất vì chúng ta không lãng phí trong đầu tư, hỗ trợ máy móc thiết bị.

Bộ NN&PTNT đang trình Chính phủ các chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp mạnh dạn thay đổi.

Tôi đi nhiều hợp tác xã, thấy cần nguồn lực của Nhà nước. Nhà nước sẽ đầu tư, nhưng không thể đầu tư cho từng hợp tác xã nhỏ lẻ được mà cần cụm liên kết các ngành hàng ở từng cấp huyện, vùng cây có múi ở Bắc Giang như thế nào, vùng Sơn La, vùng Tiền Giang, Đồng Tháp hoặc cà phê Tây Nguyên ra làm sao?

Hợp tác xã phải ngồi lại với nhau, điều này đòi hỏi vai trò của cấp ủy địa phương ở đó. Vì Trung ương, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương với vai trò hoạch định thị trường, xây dựng thể chế, xây dựng chính sách nhưng thực thi là từ dưới lên, chiến lược từ trên xuống nhưng thực thi là từ dưới lên, từ bà con nông dân, thôn, bản, xã ấp… trong đó chính quyền địa phương là người tổ chức lại không gian đó.

Xin cảm ơn ông!

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm