Chính sách

Xây dựng chỉ tiêu giám sát phát triển nông nghiệp cần cụ thể và phù hợp thông lệ quốc tế

DNVN - Bàn thảo về xây dựng bộ chỉ tiêu giám sát thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững tầm nhìn đến 2050, các ý kiến cho rằng, các chỉ tiêu cần cụ thể hóa và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Hậu Giang: Chuyển đổi số phát triển nông nghiệp bền vững / Cần Thơ: Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp

Chiều 15/8 đã diễn ra buổi họp báo cáo và thảo luận về việc xây dựng bộ chỉ tiêu giám sát thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan chủ trì buổi họp.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nghe báo cáo về việc xây dựng bộ tiêu chuẩn giám sát thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, Bộ tiêu chuẩn giám sát thực hiện chiến lược sẽ dựa trên 3 nhóm, với 109 chỉ tiêu cụ thể.

Các chỉ tiêu bao gồm kinh tế, xã hội và môi trường trên nguyên tắc S.M.A.R.T (cụ thể dễ hiểu, đo lường được, có thể đạt được, thực tế và thời gian hoàn thành). Đồng thời phải gắn với mục tiêu phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân tri thức, văn minh.

Có những chỉ tiêu sẽ được cập nhật hàng tháng, một số chỉ tiêu được theo dõi hàng quý, từ đó Bộ NN-PTNT có cơ sở để đánh giá, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành linh hoạt trong từng thời điểm, theo đúng lộ trình đặt ra.

Đánh giá về bộ tiêu chuẩn trên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, một trong những định hướng quan trọng của chiến lược là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Do đó, hệ thống các chỉ tiêu phải được thay đổi để có thể đo lường được kết quả của sự chuyển dịch đó.

Đặc biệt, cần phải cụ thể hóa các chỉ tiêu về nông nghiệp và nông thôn, có số liệu cụ thể để thấy chỗ nào chưa phù hợp với thực tiễn, cần cải tiến.

“Bộ tiêu chuẩn giám sát, đánh giá này sẽ giúp các địa phương tự thấy năng lực cũng như sự chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp diễn ra như thế nào”, ông Hoan nói.

Bộ tiêu chuẩn giám sát sẽ giúp các địa phương chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp
sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Chia sẻ tại buổi họp, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt khuyến nghị tổ soạn thảo bộ tiêu chuẩn cần rà soát lại các đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm tổng hợp và báo cáo các số liệu liên quan đến các chỉ tiêu để tránh chồng chéo, cùng một nhóm nội dung nhưng địa phương phải báo cáo nhiều cơ quan trong Bộ NN-PTNT.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản thì cho rằng cần ứng dụng các phần mềm để cập nhật và xử lý số liệu một cách nhanh chóng. Nếu để các địa phương báo cáo bằng văn bản giấy thì rất khó trong công tác thống kê.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN-PTNT khuyến nghị, không nên để dàn trải 109 chỉ tiêu mà cần gom thành các nhóm lớn, sau đó chia thành các nhóm tiểu ngành để dễ theo dõi, đánh giá.

“Cần tham khảo kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế và quốc gia phát triển có kinh nghiệm để quốc tế hóa các chỉ tiêu cho phù hợp với thông lệ quốc tế’, ông Tuấn nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo ông Tuấn, ngoài các chỉ tiêu, số liệu do Tổng cục Thống kê và các đơn vị trong Bộ NN-PTNT thu thập hàng năm, cần bổ sung thêm các chỉ tiêu mới để giám sát quá trình chuyển sang nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân thông minh.

Đối với các ngành hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực, cần xây dựng các chỉ tiêu giám sát về cung - cầu sản phẩm (về năng lực sản xuất trong nước, thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, lượng hàng tồn kho, năng lực chế biến trong nước). Qua đó, việc điều hành sản xuất các ngành hàng chủ lực sẽ dễ dàng hơn.


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm