Chính sách

Sản xuất nông nghiệp theo hướng "ít hơn nhưng được nhiều hơn"

DNVN - Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, xu thế của thế giới trong nền kinh tế (không riêng trong lĩnh vực nông nghiệp) là “less in more” (ít hơn nhưng được nhiều hơn) và “more from less” (được nhiều hơn từ cái ít hơn), thông qua công nghệ có thể giải quyết được việc này.

Thành lập Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam: Hữu ích để tái cơ cấu / Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Lỡ chuyến tàu chuyển đổi số là thiếu trách nhiệm với tương lai nền nông nghiệp

Với cách lý giải trên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Lê Minh Hoan đưa ra ví dụ, có thể tuần hoàn tất cả phế phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp cộng vào sẽ bớt đi chi phí mua phân, thuốc bảo vệ thực vật.

“Về vấn đề này, bà con nông dân Đồng Tháp, Đắk Lắk cũng đang làm được. Tôi đã trực tiếp trao đổi với bà con, ví dụ trên cây sầu riêng thì toàn bộ phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp như ớt, tỏi cộng với một số chế phẩm là đã tạo ra phân bón, thuốc sinh học để tưới. Bà con trồng cà phê cũng tuần hoàn các phế phẩm trong vườn cà phê để bón trong điều kiện giá vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng”, ông Hoan nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng công nghệ giúp sản xuất nông nghiệptheo hướng "ít hơn nhưng được nhiều hơn".

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, cơ quan truyền thông cần giúp lan tỏa các mô hình này thay bằng việc đi phỏng vấn “nước mắt nông dân rớt xuống” khi giá vật tư phân bón tăng cao quá, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh quá.

Minh chứng thực tiễn là bà con Tây Nguyên từng nói rằng, thuốc đắt quá thì dùng phế phẩm nông nghiệp ủ. Trở lại nông nghiệp ngày xưa nhà nào cũng có hố ủ hoai phân gia súc. Nay có nghiên cứu khoa học có thể dùng các chế phẩm sinh học để đẩy nhanh thời gian ủ hoai phân bón.

Đây không phải là chuyện nhỏ, vì từ mô hình nhỏ mà lan tỏa ra hàng triệu nông dân sẽ là vấn đề lớn. Những vấn đề lớn thì doanh nghiệp, tập đoàn lo, lo cho hàng chục triệu nông hộ từ chăn nuôi, trồng trọt, rất cần quy chuẩn để cho được kết quả khả quan: Chi phí giảm xuống, năng xuất có thể giảm hơn nhưng giá cao hơn. Điều này cho thấy thoát tư duy về sản lượng, hướng về tư duy chất lượng, hướng về nông nghiệp tuần hoàn.

“Nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái chính là “less in more, more from less” từ những mô hình đơn giản”, ông Hoan khẳng định.

Bộ NN&PTNT đã giao cho Trung tâm khuyến nông quốc gia tổng hợp, tuyên truyền để bà con nông dân ai cũng biết cách làm này. Các thị trường nghiên cứu vấn đề này để thành quy chuẩn chung cho cấp độ nông hộ, cho cấp độ hợp tác xã.

Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang hợp tác với các tập đoàn FDI để thực hiện mô hình trên trong lĩnh vực chăn nuôi. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cố gắng nội địa hóa được tối đa nguyên liệu đầu vào cho ngành nông nghiệp với 2 nhiệm vụ: Sinh học hóa, hữu cơ hóa các sản phẩm phân, thuốc theo hướng phân hữu cơ, thuốc sinh học.

Cùng với đó là tìm giải pháp giảm chi phí, nội lực hóa, nội địa hóa nguyên liệu, thay đổi vùng trồng, hướng tới những nguyên liệu sẵn có trong nước.

Về thị trường Trung Quốc, đã có giai đoạn bà con nông dân tạo thói quen sản xuất hàng hóa cho một thị trường dễ tính. Nhưng nay thị trường Trung Quốc đã rất “khó tính”.

Khó ở đây là vì thành phần trung lưu của Trung Quốc đã rất lớn, với 500 triệu người. Tức là nhu cầu về hàng hóa chất lượng cao rất lớn. Yêu cầu chất lượng hàng hóa họ áp dụng với tất cả các nước chứ không riêng gì Việt Nam. Hàng rào kỹ thuật họ tạo nên là để bảo vệ sức khỏe người dân và đây chính là cơ hội để chúng ta thay đổi, tìm kiếm thị trường ở phẩm cấp cao hơn.

Có thể ban đầu có khó khăn, nhưng về lâu dài sẽ tốt hơn, xuất khẩu chuyển sang chính ngạch có sự hỗ trợ của Nhà nước hai bên, của các cơ quan 2 nước để chúng ta thoát khỏi xuất khẩu tiểu ngạch quá nhiều rủi ro.

Ngành nông nghiệp cần tìm giải pháp giảm chi phí, nội lực hóa, nội địa hóa nguyên liệu, thay đổi vùng trồng.

Bàn về giải pháp thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trong năm 2023, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT trăn trở khi thực hiện các mục tiêu 6 nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mỗi vùng có một thế mạnh riêng, vậy phải đi theo hướng nào? Ngoài nghị quyết chung về nông nghiệp, nông dân, nông thôn thì sinh thái vùng Đồng bằng sông Cửu Long là quy mô hàng hóa; vùng trung du và miền núi phía Bắc là vùng có thể từ những cái quy mô nhỏ nhưng biết kết hợp bản sắc của đồng bào các dân tộc thì có thể tạo ra được những đặc sản của địa phương ở từng tỉnh, từng huyện, xã…

Tây Nguyên có lợi thế về cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày như hồ tiêu, hạt điều, cây gia vị. Vùng đồng bằng Bắc Bộ là hệ sinh thái gần các viện, trường đại học, quy mô không quá lớn như Đồng bằng sông Cửu Long nhưng cũng không quá nhỏ như vùng trung du phía Bắc, mà vừa đủ để kích hoạt nông nghiệp công nghệ cao ở đây.

Hơn nữa, vùng này gần với các viện, trường của ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp cũng ở trên địa bàn sẽ thuận lợi cho phát triển nông nghiệp ở vùng này.

“Muốn biến những cái chung thành cái riêng, Bộ NN&PTNT đang có chương trình hành động cho từng vùng nhưng cần có chiến lược, đề án quy hoạch nằm ở tầng cao. Điều này cần sự liên kết của các địa phương trong vùng sinh thái và chuyển hóa hết những chiến lược chung của từng vùng. Bộ NN&PTNT cùng với các bộ khác sẽ hỗ trợ cho ngành nông nghiệp chuyển hóa đến từng địa phương một”, ông Hoan nói.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm