Đổi mới công nghệ để giải bài toán chuyển dịch năng lượng
Cần bổ sung ưu tiên cho doanh nghiệp và sản phẩm khoa học công nghệ / Cần cú hích lớn về khoa học công nghệ để tăng năng suất lao động
Chuyển sang năng lượng sạch là tất yếu
Tại diễn đàn “Triển vọng ngành năng lượng Việt Nam” ngày 12/10 tại Hà Nội, ông Hoàng Việt Dũng - Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, nhu cầu năng lượng trong nước tăng khoảng 10% trong giai đoạn 2001-2010, khoảng 7% trong giai đoạn 2011-2019. Trong khi nhu cầu về điện tăng 13%/năm trong giai đoạn 2001-2010 và khoảng 9,71% trong giai đoạn 2011-2021.
Phát thải khí nhà kính từ ngành năng lượng chiếm khoảng 63% tổng phát thải khí nhà kính của Việt Nam năm 2010, khoảng 67,7% năm 2020, và sẽ chiếm khoảng 73,1% và 79,7% vào năm 2030 và 2050 theo kịch bản thông thường.
Ông Dũng nhận định, trong tương lai, các nguồn năng lượng sơ cấp sẽ không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu năng lượng sơ cấp phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội.
Theo chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả 2019 - 2030, Việt Nam đặt mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc giai đọạn 2019 -2025, 8-10% giai đoạn 2025 - 2030.
Đến năm 2025, 70% khu công nghiệp và 50% cụm công nghiệp được tiếp cận, áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng.
TS Chử Đức Hoàng - Chánh Văn phòng Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (Bộ KH&CN) cho rằng, thế giới chỉ còn 70 - 100 năm để sử dụng 3 loại năng lượng truyền thống là than đá, dầu mỏ và khí đốt.
Việc phụ thuộc vào một số ít quốc gia sản xuất dầu mỏ, than đá và khí tự nhiên có thể tạo ra những rủi ro về an ninh năng lượng, nhất là khi xảy ra xung đột chính trị hoặc kinh tế.
Đối mặt với những thách thức về sử dụng năng lượng truyền thống, việc chuyển đổi sang năng lượng sạch là một giải pháp thiết yếu.
Công nghệ đóng vai trò quan trọng
Đáng chú ý, theo Chánh Văn phòng Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia Chử Đức Hoàng, việc đổi mới công nghệ là xu hướng tất yếu để chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng sạch.
Năng lượng sạch, bao gồm năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, và thủy điện, cung cấp một giải pháp bền vững, không gây hại cho môi trường, và tái tạo được.
Trong quá trình chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng sạch, công nghệ đóng một vai trò quan trọng, từ việc tạo ra các giải pháp hiệu quả để thu thập và lưu trữ năng lượng, đến việc tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng này trong cả sản xuất và tiêu dùng hàng ngày.
Các ví dụ về công nghệ mới, như công nghệ pin lưu trữ năng lượng và công nghệ thu năng lượng mặt trời hiệu quả hơn đã được đề cập để mô tả cách chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng sạch.
“Đối mặt với thách thức của biến đổi khí hậu và nguy cơ cạn kiệt nguồn năng lượng, sự chuyển đổi này không chỉ là một lựa chọn mà còn là một nhu cầu cấp thiết. Công nghệ đóng vai trò quan trọng. Đây là cuộc chơi toàn cầu bắt buộc phải theo. Phải lấy công nghệ làm đầu theo định hướng thị trường”, chuyên gia nhấn mạnh.
Trong khi đó, ở góc nhìn khác, PGS, TS Nguyễn Hữu Đức - Phó Trưởng khoa Công nghệ ĐH Điện lực cho rằng, giải quyết bài toán an ninh năng lượng, kể cả chuyển dịch chuyển dịch năng lượng và tiết kiệm năng lượng thì vấn đề nhân lực là nòng cốt. Trong đó, nguồn nhân lực chất lượng cao ở các trường đại học cần phải được chú trọng.
Nhà nước cần có chính sách rõ ràng về quy hoạch nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng. Có chính sách hỗ trợ các trường đại học, hình thành các trung tâm về đổi mới công nghệ với sự tham gia của các DN, đặc biệt là các DN hoạt động trong lĩnh vực công nghệ.
Ngoài ra, các diễn giả có chung nhận định, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng là yêu cầu cấp thiết để giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng, nhất là nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu.
Đồng thời cần khai thác nhanh, an toàn và hiệu quả các nguồn năng lượng gió và mặt trời. Việc đẩy nhanh tiến độ đưa vào vận hành các dự án điện mặt trời với lợi điểm là xây dựng nhanh chóng trong thời gian qua là giải pháp thiết thực để góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
End of content
Không có tin nào tiếp theo