Chính sách

Đầu tư nước ngoài tại vùng dân tộc thiểu số chưa xứng với tiềm năng

DNVN - Đầu tư nước ngoài tại vùng dân tộc thiểu số Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng. Những hạn chế có tính chất “mềm” về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm... đã tác động, ảnh hưởng xấu đến tình hình, kết quả đầu tư nước ngoài.

Những giải pháp chủ động giúp chuyển đổi sinh kế và phát triển bền vững tiểu vùng sông Mê Kong / TP Hồ Chí Minh: Cần thu hút kiều hối để tháo gỡ “điểm nghẽn” hạ tầng

Thông tin được TS Hoàng Văn Xô - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Ủy ban Dân tộc), nhấn mạnh tại lễ ký kết thoả thuận hợp tác chiến lược giữa Công ty TNHH Viện Nghiên cứu Đầu tư Quốc tế (ISC) và Vụ Hợp tác Quốc tế ngày 17/6 tại Hà Nội. Thỏa thuận hợp tác chiến lược được ký kết nhằm thúc đẩy đầu tư nước ngoài và tăng cường xúc tiến đầu tư tại các tỉnh miền núi của Việt Nam.

Theo TS Hoàng Văn Xô, thời gian qua, kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có những chuyển biến tích cực, đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, đây vẫn là khu vực nghèo nhất cả nước. Để khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, phát triển bền vững, ngoài các nguồn lực trong nước, cần nguồn đầu tư nước ngoài-một kênh thu hút đầu tư quan trọng.


Đại biểu hai bên chụp ảnh lưu niệm.

"Thực tế cho thấy đầu tư nước ngoài tại vùng dân tộc thiểu số chưa tương xứng với tiềm năng. Những hạn chế có tính chất “mềm” về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm... đã tác động, ảnh hưởng xấu đến tình hình, kết quả đầu tư nước ngoài", Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, nhấn mạnh.

Ông Xô cũng khẳng định, sự hợp tác với ISC sẽ mở ra triển vọng mới cho các địa phương miền núi trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn diện.

Ủy ban Dân tộc với vai trò, chức năng được Chính phủ giao, hoàn toàn có thể kết nối và giới thiệu doanh nghiệp nước ngoài tới các địa phương. Ủy ban Dân tộc sẽ hỗ trợ tối đa nhất có thể để kết nối đưa đầu tư nước ngoài tới các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Phan Hữu Thắng - Chủ tịch ISC và Chủ tịch Liên Chi hội Tài chính Khu Công nghiệp Việt Nam (VIPFA) bày tỏ niềm tin vào giá trị cốt lõi của định hướng phát triển “không bỏ lại ai, địa phương nào phía sau” của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

“Với năng lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư quốc tế, ISC mong muốn đóng góp vào nỗ lực chung của Chính phủ trong việc hỗ trợ các địa phương miền núi thu hút đầu tư hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước,” ông Phan Hữu Thắng nói.

Theo thoả thuận hợp tác, hai bên sẽ đào tạo kiến thức pháp luật, kỹ năng quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài và nghiệp vụ xúc tiến đầu tư cho cán bộ các tỉnh miền núi; chủ trì, phối hợp với nhau tổ chức, thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư vào các tỉnh miền núi; tư vấn cho nhau trong các hoạt động liên quan đến hợp tác đầu tư quốc tế thuộc phạm vi chức năng nhiệm vụ của mỗi bên.

Chủ tịch ISC đánh giá, sự kiện ký kết đánh dấu một bước đi quan trọng trong việc huy động nguồn lực và năng lực quốc tế nhằm phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng dân tộc thiểu số miền núi, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm