Đưa Luật Đất đai sửa đổi vào cuộc sống sớm nhất có thể
'Ngôi nhà chung' của các doanh nghiệp ngành dịch vụ logistics / Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu: Khó khăn thu hút dự án đặc biệt ưu đãi
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1 (ngày 1/2), Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cho biết, ngày 18/1 vừa qua, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đất đai sửa đổi. Trong quá trình chuẩn bị cho Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ cũng đã chuẩn bị tinh thần triển khai sớm nhất có thể để đưa luật đi vào cuộc sống.
Theo đó, bộ đã cung cấp những nội dung mới, những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 đến các cơ quan, truyền thông để có tư liệu cho việc tuyên truyền. Đồng thời, bộ cũng chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Luật Đất đai 2024, trong đó có những nội dung đáng chú ý.
Cùng với việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, việc giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương rà soát các văn bản pháp luật hiện hành để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Luật Đất đai (sửa đổi) bao gồm cả những luật có liên quan đến đất đai mà trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai chưa được sửa đổi thì sẽ tiếp tục rà soát để bảo đảm tính đồng bộ.
Với các nghị định liên quan đến công tác quản lý đất đai, các bộ, ngành có liên quan cũng tiếp tục rà soát. Các địa phương cũng tiếp tục rà soát các quy định, các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền, để sửa đổi, bổ sung, ban hành bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.
Ngoài ra, chuẩn bị cho công tác tổ chức phổ biến các nội dung cơ bản của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, Bộ TN&MT đã xây dựng một kế hoạch phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn thi hành luật, phối hợp với các cơ quan, các bộ, ngành của Trung ương và các cơ quan thông tấn, truyền thông để phổ biến đến các đối tượng thực sự chịu tác động của luật.
“Làm sao để các điểm mới của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành được các đối tượng chịu tác động của luật và toàn thể nhân dân đều biết đến. Quá trình quản lý và tổ chức thực hiện của các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như người dân, doanh nghiệp được thuận lợi nhất, bảo đảm tính khả thi”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, bộ có kế hoạch triển khai các giải pháp, nguồn lực để thực hiện Luật Đất đai.
Bộ TN&MT sẽ đề xuất với Chính phủ tập trung nguồn lực thực hiện các nội dung quản lý Nhà nước như: Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, điều tra đánh giá cơ bản về đất đai, duy trì hệ thống thông tin đất đai.
Đối với các địa phương cũng tập trung nguồn lực, trước hết là cho các quỹ phát triển đất, bảo đảm tạo ra quỹ đất để thực hiện tổ chức đánh giá việc sử dụng đất, xây dựng hạ tầng các khu tái định cư...
Đồng thời, các địa phương tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai ở địa phương, kết nối với cơ sở dữ liệu đất đai ở Trung ương, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác. Bảo đảm cho Luật Đất đai với các văn bản hướng dẫn thi hành, cũng như các chính sách mới được triển khai thực hiện một cách đồng bộ sau khi luật có hiệu lực.
Liên quan đến việc sửa đổi Nghị định 44 về giá đất, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết, việc sửa đổi nghị định này đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo từ rất sớm. Tuy nhiên, đây là một nghị định rất quan trọng, có tác động ảnh hưởng rất lớn đến tài chính về đất đai và giá đất.
Do đó trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành ở Trung ương, đặc biệt là Bộ TN&MT, Bộ Tài chính và các địa phương đã có nhiều hội thảo lấy ý kiến để chọn ra phương án tốt nhất, phương án tối ưu nhất nhằm bảo đảm mục tiêu, yêu cầu của nghị định, đồng thời phù hợp với tinh thần của Luật Đất đai sửa đổi năm 2024.
“Vừa qua, tất cả các thủ tục về ban hành nghị định đã hoàn tất, đến thời điểm hiện nay, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo và thống nhất, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn tất các công đoạn cuối cùng để ban hành Nghị định sớm nhất và đưa vào thực tiễn”, Thứ trưởng Lê Minh Ngân thông tin.
End of content
Không có tin nào tiếp theo