Kiến nghị Quốc hội cần có nghị quyết chuyên đề về điện khí LNG
Kiến nghị bỏ quy định dịch vụ nền tảng số trung gian phải đăng ký hợp đồng theo mẫu / Yêu cầu doanh nghiệp đầu mối báo cáo về hệ thống phân phối xăng dầu
Phát triển LNG đối diện nhiều khó khăn
Điện khí LNG khi đốt cháy tạo ra ít hơn 40% lượng khí thải CO2 so với than đá và ít hơn 30% so với dầu mỏ. Do đó, phát triển ngành công nghiệp khí LNG bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và duy trì sự phát triển bền vững.
Với khả năng lưu trữ năng lượng lớn và giảm lượng khí thải độc hại, LNG đã trở thành một giải pháp thân thiện với môi trường và tiết kiệm chi phí đáng kể.
Tại Việt Nam, Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu chuyển đổi 18 GW điện than vào năm 2030 được thay thế bằng 14 GW điện khí LNG và 12-15 GW nguồn năng lượng tái tạo.
Như vậy, đến năm 2030 sẽ phát triển 23.900 MW điện khí, tương đương tỷ trọng hơn 14,9% cơ cấu nguồn điện. Nhu cầu nhập khẩu LNG sẽ tăng lên, đạt khoảng 14 -18 tỷ m3 vào năm 2030 và khoảng 13 - 16 tỷ m3 vào năm 2045.
Tính đến thời điểm hiện tại, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được Bộ Công thương cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu LNG.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, việc phát triển LNG theo Quy hoạch điện VIII còn đối diện nhiều khó khăn, thách thức.
Tại Hội thảo “Chuyển đổi xanh ngành công nghiệp: Ứng dụng khí mới LNG, nền tảng cho lộ trình giảm phải thải khí nhà kính” ngày 30/1 tại Hà Nội, TS Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho biết, khó khăn và thách thức lớn nhất để hiện thực hóa mục tiêu điện khí LNG theo Quy hoạch điện VIII là thiếu cơ chế, chính sách cho mọi hoạt động của chuỗi khi điện LNG và tiêu thụ điện LNG.
Hành lang pháp lý cho hoạt động độc lập và tự chủ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) còn thiếu khi Chính phủ không còn bảo lãnh cho tất cả các loại hình dự án.
“Bỏ bảo lãnh Chính phủ nhưng các doanh nghiệp lại chưa đủ hành lang pháp lý để có bảo lãnh thay thế. Từ đó gây khó khăn hơn cho hợp đồng mua bán điện”, ông Thập nói.
Cũng theo chuyên gia này, vấn đề ban hành khung giá phát điện cho Nhà máy phát điện khí LNG vẫn còn đang nghiên cứu xem xét. Cho đến nay, Bộ Công Thương vẫn chưa thực hiện được do khó khăn về Luật Điện lực chưa cho phép thực hiện. Trong khi đó, Luật Giá đã cho phép tính đúng, tính đủ về cơ cấu giá thành.
Vấn đề cam kết về đường dây truyền tải và đầu nối của dự án cũng là vấn đề gặp rất nhiều khó khăn. Từ đó dẫn tới nguy cơ mất kiểm soát tiến độ của chuỗi các dự án điện khí LNG. Hiện còn chưa tới 6 năm để thực hiện các mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch Điện VIII.
Thay đổi nhận thức và tư duy
Từ thực trạng trên, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho rằng, cần thay đổi nhận thức và tư duy theo hướng điện khí LNG được hấp thụ bởi các khu, cụm công nghiệp và các nhà máy. Giá điện và giá khí LNG cần phải neo theo giá dầu thô trong công thức giá. Các cam kết dài hạn và thị trường cũng là các điều kiện cần và đủ để hiện thực hóa các dự án khí điện LNG theo Quy hoạch điện VIII.
Mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ điện theo sát với mục tiêu trong các quy hoạch điện. Tháo gỡ nút thắt liên quan đến cam kết huy động tổng sản lượng điện.
Cùng với đó, cần cập nhật, sửa đồi điều lệ và quy chế tài chính của các tập đoàn kinh tế Nhà nước nhằm bảo đảm các DN có đầy đủ cơ sơ pháp lý để cam kết và thế chấp với các chủ thể trong Hợp đồng mua bán LNG và mua bán điện. Đồng thời các tập đoàn kinh tế Nhà nước được quyền cam kết và thế chấp tài sản hay dòng tiền của tập đoàn trong các giao dịch pháp luật, kinh tế, thương mại.
Đặc biệt, theo chuyên gia, cần thiết phải một Nghị quyết chuyên đề của Quốc hội để đảm bảo mục tiêu quy hoạch năng lượng và quy hoạch điện VIII Qua đó, có cơ hội xây dựng cơ chế chính sách điện khí LNG nói riêng và năng lượng nói chung. Có cơ hội xây dựng mô hình quản trị đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác sử dụng hiệu quả và tối ưu điện khi LNG.
Ngoài ra, hợp tác quốc tế là một trong các điều kiện cần và đủ để hiện thực hóa các dự án khí điện LNG theo Quy hoạch Điện VIII và quy hoạch năng lượng Quốc gia.
End of content
Không có tin nào tiếp theo