Chính sách

Kiến nghị có quy định rõ ràng về ưu đãi với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo

DNVN - Góp ý cho Dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, có ý kiến cho rằng, quy định doanh nghiệp khởi nghiệp chỉ được ưu đãi với các gói thầu thuộc lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo là giới hạn sự ưu đãi đối với doanh nghiệp này.

Vì sao nhà đầu tư tư nhân ngần ngại với dự án PPP? / Nên quy định 1 mức ưu đãi với hàng hoá 'Made in Vietnam' trong lựa chọn nhà thầu

Hiện Bộ KH&ĐT đang xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu (Dự thảo) và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động.

Dự thảo quy định nhiều ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu, trong đó có ưu đãi đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong nước được thể hiện trong Điều 8 của Dự thảo.

Theo đó, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo khi tham dự thầu gói thầu thuộc lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo không phải đáp ứng yêu cầu về doanh thu, số năm hoạt động trong cùng ngành nghề trong thời hạn 6 năm kể từ khi sản phẩm lần đầu được sản xuất và đăng ký hàng hóa với cơ quan Nhà nước liên quan.


Theo Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được hưởng ưu đãi.

Sản phẩm đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong nước được hưởng ưu đãi theo quy định tại khoản 3 Điều 5 của Nghị định này.

Cụ thể, sản phẩm đổi mới sáng tạo thuộc danh mục sản phẩm đổi mới sáng tạo do Thủ tướng Chính phủ ban hành được hưởng hệ số ưu đãi 15% thay cho hệ số ưu đãi 7,5% đối với điểm a, điểm b khoản 2 Điều 5. Hệ số ưu đãi 15% thay cho hệ số ưu đãi 7,5% đối với điểm c khoản 2 Điều 5 trong thời hạn 6 năm kể từ khi sản phẩm lần đầu được sản xuất.

Góp ý cho nội dung này của dự thảo, TSKH Trần Quang Thắng - Viện Kinh tế và Quản lý TP Hồ Chí Minh cho rằng, dự thảo nên cụ thể hóa các ưu đãi đối với nhà thầu, làm rõ các nội hàm, thủ tục hành chính cần thiết để nhà thầu thuộc đối tượng ưu đãi dễ thực hiện trong quá trình tham gia đấu thầu, giúp chủ đầu tư hiện thực hóa các quy định về ưu đãi trong quá trình xây dựng hồ sơ mời thầu, các tiêu chí đánh giá và giá trị quy đổi của ưu đãi.

Theo đó, quy định sẽ rõ ràng hơn, và nhà thầu, doanh nghiệp, đối tượng hưởng ưu đãi cũng chủ động hơn và biết rõ những quyền lợi mà mình được hưởng khi tham gia đấu thầu. Bên mời thầu căn cứ vào tài liệu nhà thầu cung cấp để đánh giá mức độ được hưởng ưu đãi của nhà thầu.

Trường hợp cần thiết phải quy định tỷ lệ chi phí sản xuất trong nước để được hưởng ưu đãi thì các ngành, các lĩnh vực riêng, đặc thù sẽ có quy định cụ thể tùy vào tình hình thực tế của ngành, nghề đó.

Góp ý về ưu đãi đối với các DN khởi nghiệp sáng tạo trong nước, ông Trần Đại Nghĩa - Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư FII Việt Nam cho rằng, quy định doanh nghiệp khởi nghiệp chỉ được ưu đãi với các gói thầu thuộc lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo là giới hạn sự ưu đãi của các doanh nghiệp này.

“Hiện nay quy định pháp luật về sản phẩm đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp sáng tạo chưa rõ ràng. Một số ít được quy định trong Nghị định 31/2021/NĐ-CP.

Vì vậy, trước khi có những văn bản cụ thể hơn thì nên làm rõ trong văn bản này hoặc để là điều khoản tùy nghi phụ thuộc vào bên mời thầu. Nếu không, chính sách ưu đãi này sẽ trong tình trạng là có nhưng đưa vào cuộc sống thì gặp khó khăn”, ông Nghĩa kiến nghị.

Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm