Chính sách

Vì sao nhà đầu tư tư nhân ngần ngại với dự án PPP?

DNVN - Theo giới chuyên gia cũng như cơ quan xây dựng chính sách, các nhà đầu tư tư nhân ngần ngại, chưa thực sự mặn mà với phương thức hợp tác công tư (PPP) bởi những bất cập tồn tại lâu nay và vướng mắc phát sinh.

Trăn trở bài toán huy động nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh / Vận động 3 triệu hộ gia đình mở lối thoát nạn khẩn cấp thứ hai phòng cháy chữa cháy

Giải pháp đầu tư hữu hiệu

Hợp tác công-tư (PPP) là một hình thức tiên tiến và hiệu quả trong việc huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân cho các dự án phát triển kinh tế, xã hội. PPP giúp khắc phục được vấn đề thiếu hụt vốn đầu tư của Nhà nước, hỗ trợ cho những khoản đầu tư cần cấp vốn mà không phải gia tăng nợ của Chính phủ ngay ở bước khởi đầu.

Nghiên cứu đánh giá thực trạng hoạt động đầu tư PPP trong lĩnh vực hạ tầng do VCCI phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) thực hiện và công bố ngày 9/11 cho thấy, đầu tư cơ sở hạ tầng là một trong những nhiệm vụ quan trọng để phát triển kinh tế đất nước. Trong đó, hạ tầng về năng lượng và giao thông là những dự án lớn, thời gian hoạt động kéo dài, cần nguồn vốn lớn và khả năng quản trị vốn tốt.

Đại diện nhóm nghiên cứu, ông Nguyễn Minh Đức - Phó trưởng phòng Pháp chế của VCCI cho biết, trước đây, việc đầu tư các dự án hạ tầng lớn tại Việt Nam chủ yếu do Nhà nước thực hiện. Nhà nước vay nợ thông qua công cụ trái phiếu, các hiệp định vay với nước ngoài hoặc bảo lãnh Chính phủ để có nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình. Phương thức này dẫn đến hệ quả là nợ công tăng nhanh và gây rủi ro nợ của quốc gia.

Việt Nam đã sớm có chính sách thu hút tư nhân đầu tư vào hạ tầng nhằm khắc phục những vấn đề của đầu tư công như chậm tiến độ, đội vốn, thất thoát, lãng phí, không đúng nhu cầu. Mục tiêu chủ yếu là tận dụng vốn đầu tư tư nhân để giảm vốn đầu tư công.


Việc thu hút đầu tư theo phương thức PPP là một giải pháp hữu hiệu để huy động nguồn lực.

Trong bối cảnh nợ công tăng cao vượt mức trần mà Quốc hội cho phép, đầu tư từ nguồn vốn tư nhân sẽ giúp khắc phục tình trạng này. Các doanh nghiệp tư nhân cũng cho thấy khả năng vận hành dự án về mặt thương mại tốt hơn so với Nhà nước.

Chủ trương thu hút đầu tư tư nhân trong lĩnh vực hạ tầng đã được thể hiện qua nhiều văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.

Bà Nguyễn Thanh Hà - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink cho rằng, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước hạn hẹp, việc thu hút đầu tư theo phương thức PPPlà một giải pháp hữu hiệu để huy động nguồn lực cả về tài chính, kinh nghiệm và công nghệ từ khu vực tư nhân.

Thực tế nhiều dự án hạ tầng giao thông đầu tư theo phương thức PPP đã minh chứng được tính hiệu quả, đặc biệt là các dự án đường cao tốc mới, các hầm lớn chạy dọc miền Trung hay các cầu nối tuyến cao tốc như Cầu Bạch Đằng, cảng hàng không quốc tế Vân Đồn…

Trong lĩnh vực năng lượng, Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có nhiều chính sách đột phá phát triển năng lượng quốc gia. Trong đó, Bộ Chính trị khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân tham gia vào lĩnh vực phát triển năng lượng.

Trong bối cảnh các dự án về năng lượng, môi trường phải có sự tham gia của Nhà nước dưới góc độ là cơ quan quản lý về đầu tư, môi trường, là chủ thể cung cấp và sử dụng dịch vụ công ích nhưng ngân sách hạn hẹp và không sở hữu công nghệ, quy trình tiên tiến, việc thu hút nguồn lực đầu tư tư nhân qua phương thức PPP là một giải pháp hữu hiệu và phù hợp với thông lệ, xu hướng phát triển trên thế giới.

Vì sao nhà đầu tư tư nhân ngần ngại?

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink, thực tiễn cho thấy, các nhà đầu tư tư nhân chưa thực sự mặn mà với phương thức đầu tư PPP trong lĩnh vực này và vẫn đang gặp rất nhiều vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách, pháp luật trong quá trình đầu tư.

Dẫn chứng cho điều này, bà Hà cho biết, một số dự án lớn trong lĩnh vực xử lý chất thái rắn sinh hoạt như Nhà máy điện rác Sóc Sơn, Nhà máy điện rác Seraphin Xuân Sơn (Hà Nội)... là ví dụ điển hình. Nhà đầu tư không lựa chọn hình thức PPP mà chủ động đề xuất đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân hoàn toàn ngay cả khi việc đầu tư hoàn toàn bằng nguồn vốn tư nhân đối với các dự án này cũng đã và đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Ở góc nhìn xây dựng chính sách, bà Nguyễn Linh Giang - Chánh Văn phòng PPP, Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) thừa nhận, nguồn lực đầu tư công chưa phát huy được vai trò dẫn dắt, làm “vốn mồi” để thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân. Một số dự án PPP được nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư nhưng lại chuyển đổi sang đầu tư công. Huy động nguồn vốn tư nhân cho dự án PPP gặp nhiều khó khăn.

Trong lĩnh vực giao thông, vướng mắc phát sinh đối với dự án chuyển tiếp. Cụ thể là xây dựng tuyến đường song hành không thu phí, yêu cầu bỏ trạm hoặc điều chỉnh vị trí trạm hoặc không được tăng mức giá, phí theo cam kết đến giờ vẫn chưa xử lý được.

"Đây là lý do khiến các nhà đầu tư tư nhân rất ngần ngại khi đầu tư vào BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) giao thông. Thêm vào đó là quy mô dự án lớn, cấu trúc phức tạp, nhiều rủi ro", bà Giang chia sẻ.

Trong khi đó, lĩnh vực năng lượng gặp khó khăn trong xử lý, chuyển giao tài sản. Các dự án BOT điện áp dụng riêng quy trình, thủ tục phức tạp nên việc chuyển tiếp theo Luật PPP gặp nhiều khó khăn.

Giải phóng nguồn lực vốn tín dụng

Trên cơ sở những phân tích và nhìn nhận của cơ quan xây dựng chính sách, bà Giang cho biết, hiện tại Bộ KH&ĐT đang báo cáo Chính phủ một số giải pháp để thúc đẩy mô hình PPP trong thời gian tới.

Cụ thể, yêu cầu các bộ, ngành phải vào cuộc nhanh chóng tìm ra được nguyên lý cụ thể, hoàn thiện và chỉnh sửa Nghị định 35, 38, tiến tới sửa đổi Luật PPP để tiến trình thực thi thuận lợi.

Cùng với đó, hoạt động truyền thông cần được thực hiện tốt hơn để cộng đồng doanh nghiệp cùng nhìn nhận đúng vấn đề.

Một giải pháp cũng đang được Chính phủ nỗ lực, đó là việc xử lý các dự án BOT và BT (xây dựng - chuyên giao) tồn đọng trong thời gian trước, qua đó giải phóng nguồn lực vốn tín dụng. Nếu không các ngân hàng cũng rất ngần ngại cho vay trước tình trạng nợ xấu của các dự án BOT và BT giao thông thời gian qua.

Trong khi đó, đại diện nhóm nghiên cứu của VCCI kiến nghị, cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư PPP để có thể góp phần khơi thông dòng vốn tư nhân đầu tư vào hạ tầng.

Trong đó, một số cần sớm được bổ sung, hoàn thiện như tập trung xây dựng hướng dẫn cho hình thức hợp đồng O&M (kinh doanh - quản lý). Sửa đổi và bổ sung cơ chế bảo lãnh Chính phủ. Sửa đổi và hoàn thiện quy định về sử dụng ngân sách trong giai đoạn đầu tư và vận hành dự án PPP. Hướng dẫn kỹ hơn về các dự án giao thông như quy hoạch, tổ chức giao thông và cách tính giá dịch vụ...

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm