Kiến nghị giảm tình trạng chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành
DNVN - Theo kết quả khảo sát của VCCI về thủ tục quản lý và kiểm tra chuyên ngành (KTCN), mức độ thuận lợi khi tuân thủ các thủ tục KTCN trong lĩnh vực quản lý chất lượng hàng hoá ở mức trung bình. Không có thủ tục nào nhận được trên 70% được đánh giá tương đối dễ hoặc dễ thực hiện.
Lấy ý kiến người dân về điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để "chặn" lợi ích nhóm / Cấp phép hoạt động điện lực: Cần bảo đảm không phát sinh thủ tục hành chính mới
Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn
Tại Hội nghị đối thoại với chủ đề "Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu tại 4 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và Hưng Yên" sáng 2/3 tại Hải Dương, ông Trương Đức Trọng – Chuyên viên Ban Pháp chế VCCI đã đưa ra một số khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp (DN)
khi thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu.
Dẫn kết quả khảo sát giai đoạn 2020 - 2022, ông Trọng cho biết khoảng 38% DN vẫn gặp khó khăn khi tìm hiểu thông tin thủ tục hành chính. Trong đó, DN FDI, DN quy mô lớn và hoạt động lâu năm nhìn chung phản ánh việc tìm hiểu thủ tục hành chính còn nhiều khó khăn hơn các nhóm khác.
Bên cạnh đó, vấn đề minh bạch thông tin liên quan đến chính sách, thủ tục xuất nhập khẩu còn thiếu vắng phương thức cung cấp thông tin toàn diện, dễ hiểu và dễ sử dụng. Các bộ, ngành thường có hạ tầng thông tin riêng để phổ biến thông tin nhưng mỗi bộ, ngành lại chỉ tập trung vào mảng thông tin chuyên ngành trong lĩnh vực mình quản lý. Với những lĩnh vực thủ tục hành chính liên quan đến nhiều bộ, ngành khác nhau thì thường xảy ra tình trạng thiếu một hướng dẫn thống nhất. Do đó, DN phải tra cứu thông tin từ nhiều nơi, thậm chí phải trực tiếp đến cơ quan chức năng để tra cứu.
Ông Trương Đức Trọng – Chuyên viên Ban Pháp chế VCCI nêu khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp (DN)
khi thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu.
Ngoài ra, còn thiếu vắng các hỏi đáp về các vấn đề thương mại quốc tế. Khó khăn khi tra cứu thông tin và hỏi đáp giải quyết vướng mắc trên cổng một cửa quốc gia.
Mức độ thuận lợi khi tuân thủ các thủ tục hành chính hải quan tương đối khác biệt. DN lo ngại các quy định pháp luật về thông quan hay thay đổi. Thời gian hoàn thuế giá trị gia tăng kéo dài khiến nhiều DN gặp khó khăn, thời gian kiểm tra kéo dài và nội dung kiểm tra chồng chéo. DN thường gặp trở ngại ở giai đoạn trước khi khai hải quan đối với mã xác nhận HS và ở giai đoạn khai hải quan với xác định giá trị hải quan.
Về thủ tục quản lý và kiểm tra chuyên ngành, khảo sát của VCCI cho thấy, mức độ thuận lợi khi tuân thủ các thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực quản lý chất lượng hàng hoá ở mức trung bình. Không có thủ tục nào nhận được trên 70% được đánh giá tương đối dễ hoặc dễ thực hiện. Riêng kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm, ông Trọng cho biết, tỷ lệ DN đánh giá việc tuân thủ tương hoặc dễ thực hiện chỉ đạt tối đa 66%. Không có khâu quy trình nào nhận được từ 70% ý kiến DN trở lên đánh giá việc tuân thủ là dễ hay tương đối dễ.
Khâu quy trình nộp hồ sơ đăng ký kiển tra là bước được DN nhìn nhận dễ tuân thủ nhất trong 4 khâu. Trong khi lấy mẫu kiểm tra là khâu DN thường gặp khó khăn hơn cả. 59% DN đã gặp ít nhất một loại khó khăn nào đó trong quá trình tuân thủ kiểm tra chuyên ngành…
Phải giảm tình trạng nhũng nhiễu
Từ kết quả khảo sát trên, VCCI cho rằng cơ quan hải quan, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật hải quan với tính ổn định, nhất quán, hiện đại, khả thi, công khai, minh bạch và dễ tiếp cận. Hài hoà các thủ tục hải quan phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Áp dụng đồng bộ các phương thức quản lý hải quan hiện đại trong giải quyết thủ tục từ khai hải quan, thông quan đến kiểm tra sau thông quan…
Đối với các cơ quan quản lý và kiểm tra chuyên ngành, cần tập trung cải thiện những lĩnh vực, khâu quy trình còn phiền hà như các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, rà soát hoạt động lấy mẫu kiểm tra vì đây là khâu DN thường phản ánh gặp khó khăn. Đồng thời giảm tình trạng chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành. Trong đó, nghiên cứu giảm số mặt hàng và số lô thuộc diện kiểm tra chuyên ngành, áp dụng đầy đủ và thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro, rà soát những điểm chồng chéo giữa các quy định pháp lý về kiểm tra chuyên ngành.
Đặc biệt, phải giảm tình trạng nhũng nhiễu và chi phí ngoài quy định. Theo đó, tăng cường giám sát thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính công vụ và minh bạch việc xử lý cán bộ vi phạm. Có cơ chế thực chất cho phép khiếu nại, kiến nghị hoặc tố cáo những hành vi sách nhiễu DN.
Với các DN, VCCI khuyến nghị cần tìm hiểu và nắm rõ các quy định pháp luật, các chính sách hiện hành về xuất nhập khẩu. Tăng cường hiểu biết về công nghệ thông tin để ứng dụng hiệu quả hơn trong thực hiện thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, tìm hiểu thông tin về các DN cùng ngành và có cùng vướng mắc chính sách. Tập hợp ý kiến và thúc đẩy các hình thức góp ý, vận động chính sách thông qua hiệp hội DN.
Thu An
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo